Rào cản thiếu thông tin của phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang

N.Minh
21/04/2025 - 15:23
Rào cản thiếu thông tin của phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang

Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Tiên Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin

Tại xã Tiên Nguyên (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang), một trong những vấn đề lớn nhất mà phụ nữ dân tộc thiểu số gặp phải chính là sự thiếu hụt thông tin. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ mà còn gây ra những tác động sâu rộng đối với quyền lợi và sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây.

Chị Hoàng Thị Mấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Nguyên, cho biết, xã Tiên Nguyên là nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em là (Dao, Tày, Kinh, Mông, Nùng), trong đó dân tộc Dao chiếm trên 80% tổng số dân. Việc thiếu thông tin là một trong những rào cản lớn đối với phụ nữ dân tộc thiểu số trong xã. 

"Phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Tiên Nguyên chủ yếu tiếp cận thông tin qua các kênh truyền thống như các buổi họp thôn, sinh hoạt chi hội, và mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Tuy nhiên, sự thiếu hụt phương tiện như điện thoại thông minh, tivi, và các thiết bị công nghệ hiện đại khiến nhiều phụ nữ không thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và kịp thời," chị Hoàng Thị Mấm cho biết

Rào cản thiếu thông tin của phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang- Ảnh 1.

Hội LHPN xã Tiên Nguyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật cho hội viên và người dân

Mặc dù đài truyền thanh xã là một kênh thông tin quan trọng, nhưng do mặt bằng dân trí còn thấp và đời sống kinh tế khó khăn, việc tiếp cận thông tin qua phương tiện này vẫn gặp nhiều hạn chế. Một vấn đề nghiêm trọng khác là việc nhiều phụ nữ không biết sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi họ phải dành phần lớn thời gian cho công việc gia đình và đồng áng, khiến họ không thể tham gia các hoạt động tuyên truyền hay tìm hiểu các chính sách mới.

Thêm vào đó, việc thiếu sóng điện thoại và giao thông khó khăn cũng khiến việc tiếp cận thông tin của phụ nữ càng trở nên hạn chế. Đặc biệt, sự khác biệt về ngôn ngữ khi nhiều phụ nữ không nói được tiếng phổ thông cũng là một yếu tố cản trở việc tiếp cận thông tin, khiến họ dễ dàng bỏ lỡ những quyền lợi đáng lẽ phải được biết.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Nguyên, họ không chỉ thiếu kiến thức về các quyền lợi liên quan đến đất đai, tài sản, hay các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn không thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các vấn đề như tranh chấp đất đai. Không ít phụ nữ ở Tiên Nguyên không biết rằng mình có quyền thừa kế đất đai hay tài sản của gia đình, hoặc quyền lợi trong các chương trình hỗ trợ về đất đai.

"Điều này dẫn đến tình trạng phụ nữ bị thiệt thòi trong việc bảo vệ tài sản của mình, làm giảm cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Họ cũng gặp phải những khó khăn trong việc nắm bắt các chính sách pháp luật liên quan đến sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình, hoặc quyền lợi trong công việc và cuộc sống", Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Nguyên nhấn mạnh.

Rào cản thiếu thông tin của phụ nữ dân tộc Dao ở Hà Giang- Ảnh 2.

Phụ nữ, người dân xã Tiên Nguyên làm đường vào bản

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu thông tin với phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội LHPN xã Tiên Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp phụ nữ tiếp cận thông tin đầy đủ và kịp thời hơn. Các buổi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật và thông tin về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, bảo vệ sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức thường xuyên tại các thôn, trong các buổi sinh hoạt chi hội, và các buổi họp thôn.

"Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Tiên Nguyên đã triển khai các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giúp họ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hoặc các chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh giúp chị em tự tin và có thêm cơ hội để phát triển kinh tế gia đình. Hội LHPN xã Tiên Nguyên còn phối hợp với Hội LHPN huyện Quang Bình tổ chức truyền thông, tuyên truyền Dự án 8 để cung cấp thông tin và hỗ trợ phụ nữ trong việc phòng chống bạo lực gia đình. Hội giúp phụ nữ nắm bắt các quyền lợi của mình, cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, nơi trú ẩn an toàn và cách thức bảo vệ bản thân khi gặp phải bạo lực", chị Hoàng Thị Mấm cho biết.

Để tiếp tục cải thiện khả năng tiếp cận thông tin của phụ nữ vùng sâu, vùng xa, chị Hoàng Thị Mấm cũng đưa ra một số giải pháp quan trọng. Theo chị, một trong những giải pháp quan trọng là vận động phụ nữ tham gia các lớp đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, giúp họ biết sử dụng điện thoại thông minh, máy tính và Internet. 

Đồng thời, Hội cũng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tuyên truyền và phổ biến thông tin bằng ngôn ngữ dễ hiểu và phù hợp với đặc thù của phụ nữ dân tộc thiểu số. Các nhóm zalo trong chi hội cũng sẽ được tạo ra để giúp phụ nữ dễ dàng cập nhật thông tin và kết nối với nhau. Những giải pháp này không chỉ giúp phụ nữ dễ dàng tiếp cận thông tin mà còn nâng cao nhận thức của họ về quyền lợi và cơ hội trong cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm