pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN Bình Dương tăng cường tuyên truyền để phụ nữ sử dụng mạng xã hội an toàn

Bà Võ Thị Bạch Yến, Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương
Trả lời phỏng vấn PV Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Võ Thị Bạch Yến, Ủy viên BCH TW Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương, cho biết, Hội phụ nữ địa phương đã tranh thủ ưu thế của mạng xã hội để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, định hướng thông tin và triển khai các nội dung hoạt động của Hội đến cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; trong đó chú trọng đến việc hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn, cảnh báo các thủ đoạn tội phạm trên không gian mạng cũng như giúp hội viên, phụ nữ đề cao cảnh giác.
Phóng viên: Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã triển khai những hình thức, hoạt động nào để tuyên truyền về sử dụng mạng xã hội an toàn và phòng chống lừa đảo trực tuyến, thưa bà?
Bà Võ Thị Bạch Yến: Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã tổ chức triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức về các vấn đề như cảnh giác, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng chống ma túy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực học đường và xâm hại trẻ em; phòng ngừa, đấu tranh đối với phụ nữ Việt Nam sang Campuchia đánh bạc. Chúng tôi cũng tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ các phương thức, các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, điện thoại đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân. Ngoài ra còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu, tặng sách báo…

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương Võ Thị Bạch Yến (bìa trái) trao giải cho hội viên đã đoạt giải tại cuộc thi Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt Hội. Ảnh: NVCC
Đầu năm 2021, Ban thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thành lập trang fanpage "Phụ nữ Bình Dương" hiện thu hút 11.000 lượt thích và 18.000 người theo dõi. Chúng tôi còn có trang fanpage "Bình Dương - quê hương thứ 2" thu hút được gần 700 lượt thích và theo dõi. Website của tỉnh Hội: https://phunu.binhduong.gov.vn được duy trì, đến nay đã đăng tải trên 5.704 tin bài, bản tin về phụ nữ Bình Dương. Ngoài ra, Hội LHPN hằng tuần, tháng đều nắm bắt dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên phụ và định hướng tuyên truyền kèm thông tin tình hình và nhận diện các loại hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; đồng thời nhằm tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ trên các lĩnh vực.
Hội LHPN Bình Dương còn thành lập Phòng tiếp hội viên, phụ nữ tại Trung tâm hỗ trợ phụ nữ từ thứ 2 đến thứ 6. Riêng ngày thứ 3 hàng tuần, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội Luật gia tổ chức tư vấn pháp lý miễn phí cho hội viên, phụ nữ.
Chúng tôi cũng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như phát tờ bướm, treo băng rôn, panô, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, xây dựng kịch bản và tổ chức biểu diễn sân khấu hóa, tổ chức thi sáng tác các loại hình nghệ thuật, thi tuyên truyền viên giỏi, nói chuyện chuyên đề về phòng, chống tội phạm.
Các mô hình như "Loa phát thanh", CLB "Phụ nữ với pháp luật"… đã giúp chị em phụ nữ nâng cao kiến thức về phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt vận động chị em phát huy vai trò của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em không phạm tội và vướng vào các tệ nạn xã hội; cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong đó có phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Phụ nữ thị trấn Tân Thành tham gia sinh hoạt CLB Phụ nữ với pháp luật
Phóng viên: Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương, những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất trên mạng xã hội hiện nay mà phụ nữ dễ trở thành nạn nhân là gì?
Bà Võ Thị Bạch Yến: Hiện những chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất trên mạng xã hội mà phụ nữ dễ trở thành nạn nhân trên địa bàn Bình Dương là hack tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin mượn tiền người thân, bạn bè; giả mạo nhân viên Công ty điện lực để lừa đảo; giả dạng công an để chiếm đoạt tài sản; lừa đảo mua hàng online; giả dạng người giao hàng để chuyển khoản thanh toán COD giả; giả người nước ngoài tiếp cận phụ nữ đơn thân tặng quà trả phí vận chuyển, giao nhiệm vụ online để kiếm tiền trên không gian mạng, lợi dụng hình ảnh, video của phụ nữ được công khai trên không gian mạng để chỉnh sửa, cắt, ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe dọa, tống tiền…
Phóng viên: Vậy Hội phụ nữ tại địa phương đã chú trọng tuyên truyền trong các nhóm đối tượng phụ nữ nào?
Bà Võ Thị Bạch Yến: Chúng tôi ưu tiên tuyên truyền trong các nhóm phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là nhóm có hạn chế về tiếp cận thông tin, kỹ năng số còn yếu, dễ tin vào các thông tin giả, quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt ở những nơi phổ biến mạng xã hội nhưng thiếu hướng dẫn, việc phòng tránh lừa đảo rất cần thiết. Bên cạnh đó là nhóm phụ nữ lớn tuổi, ít sử dụng công nghệ, nhiều cô, dì sử dụng Zalo, Facebook chỉ để đọc tin, trò chuyện nhưng lại không nhận biết được dấu hiệu lừa đảo, dễ bị dụ dỗ hoặc không cảnh giác khi đối tượng giả danh người thân. Nhóm này thường cả tin và ngại hỏi khi gặp tình huống nghi ngờ. Chúng tôi cũng chú trọng tuyên truyền cho nhóm phụ nữ đơn thân, phụ nữ yếu thế (ly hôn, mất chồng, lao động tự do…). Nhóm này thường thiếu nguồn hỗ trợ, có tâm lý cần kết nối, cần việc làm, dễ tin người, nên rất dễ rơi vào bẫy lừa "tặng quà", "tuyển việc online" hoặc "đầu tư sinh lời". Và cuối cùng là nhóm phụ nữ trẻ khởi nghiệp online, bán hàng qua mạng. Nhóm này sử dụng mạng xã hội thường xuyên, nhưng đôi khi thiếu kiến thức về bảo mật, chưa hiểu hết về lừa đảo thương mại điện tử, nên dễ bị hack tài khoản và kẻ gian sẽ lợi dụng việc này để đi lừa những người quen biết khác.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!