pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những “bài thuốc” truyền tai khi tiêm vaccine Covid-19: Chuyên gia lên tiếng
Tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thuý Lan (phố Chùa Láng, Hà Nội) đang chuẩn bị tiêm phòng vaccine Covid-19 thì nhận được tin nhắn của bạn bè gửi đến dặn dò việc tiêm phòng. Theo nội dung tin nhắn thì bạn chị Lan khuyên, trước khi đi tiêm phòng, cần uống 1 viên Aerius (thuốc chống dị ứng) và 1 viên Paracetamol (thuốc hạ sốt), có như vậy, sẽ tránh được những tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19. Lời khuyên của người bạn khiến chị Lan bán tín bán nghi.
Còn chị Lương Thu Trang (huyện Đông Anh, Hà Nội) thì được người thân dặn dò, sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19, không được ăn trứng, uống cà phê hay uống các chất kích thích như bia, rượu... "Tôi cũng không biết trứng, cà phê hay bia rượu có tác dụng phụ thế nào sau khi tiêm vaccine Covid-19. Nhưng thôi, đã có người khuyên như vậy thì tốt nhất là tránh xa cho... lành" – chị Trang tâm sự.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền tin nhắn cho rằng, có thể ngăn ngừa các phản ứng sau khi tiêm ngừa vaccine Covid-19. Theo nội dung thông tin đang được lan truyền trên mạng xã hội, trước khi tiêm 30 phút, người tiêm uống 1 viên Xyzal hoặc Zyrtec hoặc Aerius hoặc Bilaxten... (thuốc chống dị ứng) và 1 viên paracetamol (thuốc hạ sốt). Sau tiêm khoảng 10 tiếng uống nhắc lại như trên.
Tương tự, những thông tin về việc kiêng các thực phẩm có chất kích thích, kiêng các thực phẩm có chứa chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa sau khi tiêm vaccine Covid-19 vì chúng ngăn chặn sự hoạt động hiệu quả của hệ miễn dịch cũng được người dân truyền tai nhau.
Dùng thuốc dự phòng như "con dao hai lưỡi"
Về việc uống thuốc dự phòng trước khi tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 nhằm tránh các tác dụng phụ, ThS.BS Vũ Minh Điền - Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, người dân không nên tin và làm theo những thông tin không chính xác này. Trước khi tiêm, người tiêm luôn được các chuyên gia y tế khám sàng lọc kỹ, được tư vấn, giải đáp các thắc mắc để có chỉ định phù hợp (được tiêm, trì hoãn tiêm hoặc chống chỉ định tiêm). "Bất cứ một loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ, vì thế, dùng thuốc tuỳ tiện như vậy có thể là con dao hai lưỡi" - ThS.BS Vũ Minh chia sẻ.
Có hay không việc kiêng chất đạm sau tiêm?
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyên rằng, không nên dùng các thuốc giảm đau ngay trước khi tiêm vaccine Covid-19 vì chúng có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Nếu có các phản ứng phụ sau khi tiêm như đau cánh tay, ớn lạnh và đau cơ..., đó là do hệ thống miễn dịch đang học cách tạo ra các kháng thể chống lại virus nên người dân không cần quá lo lắng.
Theo ThS.BS Vũ Minh Điền, hiện nay, sau tiêm vaccine AstraZenceca (vaccine phòng ngừa Covid-19), có khoảng hơn 10% người bị đau đầu, sốt/ớn lạnh, buồn nôn, đau cơ...; chưa đến 10% người bị sưng, đau vết tiêm; các phản ứng phản vệ hiếm khi xảy ra. Phần lớn các phản ứng bất lợi ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hết trong vài ngày sau tiêm chủng.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khẳng định, không có một loại thức ăn, đồ uống nào chống chỉ định trước và sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Theo chuyên gia dinh dưỡng Mai Lan Hương, trước khi tiêm vaccine Covid-19, người dân không nên uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) vì caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng. Người đi tiêm vaccine Covid-19 không được để bụng đói và trước khi tiêm cũng không nên ăn nhiều chất béo bão hòa, thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng... vì chúng làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại cho sức khỏe.
Chất đạm là một yếu tố rất cần thiết để hệ miễn dịch của chúng ta hoạt động hiệu quả sinh ra kháng thể. Vì vậy, sau khi tiêm vaccine Covid-19, chúng ta cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ thịt, cá, trứng, sữa, đầy đủ tinh bột, rau xanh, trái cây... để có được một sức khỏe thật tốt, khi đó hệ miễn dịch mới hoạt động hiệu quả và tạo ra đáp ứng miễn dịch bảo vệ chúng ta. Ngoài ra, sau khi tiêm vaccine Covid-19, một số người sẽ có các phản ứng khó chịu, triệu chứng tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Do đó, chúng ta nên ưu tiên dùng những thực phẩm dễ tiêu. Riêng đối với các chất kích thích như rượu, bia thì chuyên gia Mai Lan Hương khuyên người dân không nên sử dụng. "Tốt nhất là không dùng vì nó có thể khiến người tiêm không cảm nhận rõ các tác dụng phụ. Tuy không có khuyến cáo về vấn đề sau khi tiêm vaccine Covid-19 bao nhiêu ngày là an toàn để sử dụng rượu bia, nhưng theo tôi nên hạn chế ít nhất 48 giờ sau tiêm và tốt nhất là 7 ngày".
Sau tiêm vaccine, cần bù đủ nước cho cơ thể. Nước không chỉ quan trọng đối với sức khỏe hằng ngày mà còn có thể kiểm soát hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khó chịu do vaccine Covid-19 gây ra.
Sau khi tiêm vaccine, bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?
Sau khi tiêm vaccine Covid-19, có người phản ứng nhiều, có người phản ứng ít, người phản ứng nhẹ, người phản ứng nặng, tùy thuộc vào mỗi người mà sản sinh ra tỷ lệ kháng thể nhất định để bảo vệ cơ thể. BS.CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các phản ứng sốt, đau nhức người... cho thấy, hệ miễn dịch đã nhận ra và hoạt động để chống lại các tác nhân lạ. Tuy nhiên, không sốt thì hệ miễn dịch vẫn hoạt động và chống lại tác nhân đó nhưng nhẹ nhàng hơn. Vì thế, việc sốt hay không sốt sau khi tiêm vaccine Covid-19 đều mang lại hiệu quả tương đương nhau.
Ngoài ra, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, còn cho biết, không phải ai tiêm vaccine đều sinh kháng thể ngay, kể cả người phản ứng sốt hay không sốt. Bên cạnh đó, không thể khẳng định người bị sốt sau khi tiêm vaccine sẽ có kháng thể hay kháng thể nhiều hơn người không có phản ứng.