pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những bệnh nhiễm trùng thường gặp khi đi tập lại sau Tết
Sau Tết, các phòng tập nhộn nhịp trở lại nhờ nhu cầu giảm cân sau lễ. Tuy nhiên, các thiết bị tập luyện, phòng tắm, phòng xông hơi,... của phòng tập thể dục đều có thể là nơi sinh sôi của các bệnh nhiễm trùng. Có các biện pháp đơn giản có thể giúp bạn phòng tránh hiệu quả các nhiễm trùng thông thường này.
1. Điều gì khiến các bệnh nhiễm trùng tại phòng tập dễ lây lan?
Một số bệnh nhiễm trùng có thể lây lan qua việc tiếp xúc. Nguyên nhân là do một số loại vi khuẩn, virus và nấm phát triển mạnh trong môi trường ấp áp và ẩm ướt xung quanh phòng tập thể dục, chẳng hạn như các thiết bị tập luyện không được vệ sinh sạch sẽ, nhà tắm - nhà vệ sinh công cộng, phòng xông hơi,...
Bên cạnh đó, một số bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường không khí cũng phổ biến xảy ra khi bạn không đeo khẩu trang hay giữ khoảng cách an toàn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phòng tập càng đông người thì nồng độ CO2 càng cao - đồng nghĩa với nguy cơ lây lan bệnh nhiễm trùng cũng cao hơn.
2. Những bệnh nhiễm trùng thường gặp tại phòng tập
2.1. Nhiễm trùng da
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vi khuẩn dẫn đến nhiễm trùng da tiềm ẩn và bệnh tật tổn tại 10 - 30% trên các bề mặt của phòng tập thể dục và bạn có thể "vô tình" dính phải nếu chạm vào các bề mặt này bao gồm các thiết bị tập, thảm tập, sàn nhà.
- Mụn cóc lòng bàn chân
Mụn cóc là sự phát triển quá mức của da thịt thường được tìm thấy ở lòng bàn chân. Nguyên nhân gây ra mụn cóc là do virus HPV u nhú ở người. Bạn có thể bị nhiễm mụn cóc khi đi chân trần trong phòng tập thể dục, đặc biệt là ở phòng tắm vòi sen ẩm ướt.
Mụn cóc lòng bàn chân thường không tự biến mất và rất khó điều trị. Bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt khi bạn không chắc chắn mụn mọc ở lòng bàn chân có phải mụn cóc không hay xuất hiện thêm các biểu hiện bất thường khác như sưng, đỏ, đau hoặc chảy máu tại vết mụn.
- Chốc lở
Chốc lở là một bệnh nhiễm trùng da có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Nhiễm trùng do chốc lở thường gây ra các vết loét có dịch, khi vỡ có vảy màu vàng, cứng.
Một số loại vi khuẩn liên cầu và tụ cầu khuẩn là thủ phạm chính gây ra các đốm chốc lở ngứa ngáy đó. Cũng giống như các bệnh nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn khác thì những vết thương hay trầy xước trên da là nơi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh hoặc bạn cũng có thể bị nhiễm khuẩn liên cầu hay tụ cầu khuẩn khi chạm vào những người tập gym khác hay dùng chung khăn tắm với họ.
- Nấm da/Hắc lào
Nấm ở khắp mọi nơi, kể cả trong phòng tập thể dục. Một trong những loại nấm phổ biến nhất là nấm ngoài da có tên là dermatophytes gây bệnh hắc lào. Loại nấm này thường phát triển mạnh ở các môi trường ấm, tối và ẩm ướt. Điều này có nghĩa là, giày thể thao đẫm mồ hôi, phòng thay đồ có thể là môi trường lý tưởng cho nấm sinh sôi phát triển.
Biểu hiện của hắc lào là những nốt tròn màu đỏ có vảy và viền ở bất kì vị trí nào trên cơ thể bao gồm bụng, cánh tay và chân. Nirav Patel, MD, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và giám đốc y tế của Trung tâm Y tế Đại học ở New Orleans cho biết: "Bệnh hắc lào sẽ trở nên tồi tệ hơn khi bạn đi giày sũng mồ hôi hay sử dụng tất từ ngày này qua ngày khác mà không thay giặt".
- Viêm nang lông do tắm bồn nước nóng
Viêm nang lông do tắm bồn nước nóng gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Pseudomonas aeruginosa. Chúng thường phát triển mạnh trong bồn tắm nước nóng hoặc hồ bơi không có nồng độ chlorine và nồng độ pH được kiểm soát tốt.
Các triệu chứng phổ biến của tình trạng viêm nang lông do tắm bồn nước nóng thường là phát ban đỏ, các nốt mẩn tròn, ngứa xuất hiện từ vài giờ tới vài ngày sau khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
- Nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn
Staphylococcus hay còn gọi là tụ cầu khuẩn có thể là một trong những loại vi khuẩn ẩn nấp trong phòng tập gym. Tuy nhiên đa phần nhóm khuẩn này không gây ra các vấn đề đáng lo ngại mà chỉ gây bệnh khi da bạn bị trầy xước khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn, ngay cả đó chỉ là một vết xước nhỏ do cạo râu.
Các triệu chứng nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn gây ra phổ biến là các nốt nhọt sưng tấy gây đau, có tiết dịch và cảm giác ấm khi chạm vào vị trí nhiễm trùng.
Ngoài đường lây thông thường do tiếp xúc từ người này sang người khác thì bệnh cũng có thể lây truyền thông qua các bề mặt bao gồm thiết bị tập luyện, quần áo, khăn tắm,...
2.2. Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường và cúm dễ lây lan ở phòng tập thể dục - khi mọi người ở gần nhau, không đeo khẩu trang và có tốc độ hít vào thở ra cao ở không gian kín.
Thông thường đường lây chủ yếu là thông qua việc hít thở phải các giọt bắn có chứa virus gây bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Tuy nhiên các giọt bắn này cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm bao gồm các thiết bị tập thể dục, tay nắm cửa và các bề mặt dùng chung khác.
2.3. Herpes tại phòng tập
Herpes hay còn gọi là mụn rộp gây ra các vết loét hay rộp sinh dục và mặc dù bạn ít có nguy cơ bị mụn rộp tại phòng tập thể dục hơn so với các bệnh nhiễm trùng khác nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải thực hiện cẩn thận các biện pháp phòng ngừa.
Herpes xâm nhập vào cơ thể khi bạn chạm vào vết mụn rộp thông qua tiếp xúc cá nhân, sự gần gũi và ngay cả việc dùng chung các dụng cụ tập luyện hay đồ dùng cá nhân như khăn tắm cũng có thể lây nhiễm virus.
Vì thế mà cách tốt nhất để ngăn ngừa herpes tại phòng tập chính là tránh tiếp xúc với bất kỳ vết loét nào của bất kỳ ai. Điều này cũng bao gồm việc không chia sẻ đồ uống, rửa tay kỹ và thường xuyên kể cả sau khi tập xong.
Nhìn chung đến phòng tập có thể khiến bạn tiếp xúc với vi trùng gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, nhưng đây không phải lý do để bạn ngừng đến phòng tập rèn luyện sức khỏe hay giảm cân. Điều quan trọng là giữ các thói quen vệ sinh như rửa tay sạch sẽ, lau thiết bị hay thay giặt quần áo, đi dép/giầy tập sạch sẽ,...