Trước đó, sáng ngày 21/8, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng quấy khóc từng cơn, nôn nhiên, kèm theo đi ngoài ra máu. Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng cho thấy, hình ảnh hạch mạc treo kích thước lớn nhất 10mm, vị trí dưới gan có hình ảnh khối lồng ruột kích thước 30x25mm, xung quanh không thấy dịch.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị lồng ruột cấp nên chỉ định phẫu thuật. Sau hơn 90 phút thực hiện, ca phẫu thuật đã thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được bù dịch, dùng kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày… Hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định và tiếp tục được chăm sóc tại BV.
Theo bác sĩ Hùng, lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo là cả các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó. Bệnh lồng ruột ít xảy ra ở người lớn và thường gặp là ở trẻ em khoảng từ 1 đến 2 tuổi trở xuống nhưng rất khó phát hiện.
Lồng ruột rất nguy hiểm. Theo đó, khi một đoạn ruột chui vào lòng một đoạn ruột khác sẽ dẫn tới tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hay hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Hơn nữa, các đoạn ruột luôn kèm theo là các mạch máu nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thì thường các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo. Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ làm đoạn ruột bị thiếu máu gây hoại tử, xuất huyết, nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.