Những bức ảnh xúc động nhất năm 2017 của Reuters

15/12/2017 - 11:07
Ẩn sau mỗi bức ảnh của hãng tin Reuters (Anh quốc) là một câu chuyện dài bi thương, đầy xúc cảm trong đời thường, trong chiến tranh, trong bôn ba vạn dặm của người tị nạn. Đó là tiếng lòng khao khát cuộc sống hòa bình…
Nỗi đau của một gia đình
 
“Sáng 25/8, tôi chạy đến khu vực vừa bị không kích ở Sanaa (Yemen), nơi người ta đang bắt đầu đưa những thi thể ra khỏi đống đổ nát của một tòa nhà. Khi thi thể của bé gái Ayah Muhammad Mansour (7 tuổi) được đưa ra, bụi và máu phủ lấy đầu mặt cô bé. “Em bé chết rồi!”, một nhân viên y tế hét lên trong lúc đám đông xung quanh khóc than, nguyền rủa và cầu nguyện", phóng viên ảnh Khaled Abdullah vừa khóc vừa kể lại.
reuters-a-medic-holds-the-body-ayah-muhammad-mansour.jpg
Cái chết của bé gái Ayah Muhammad Mansour

Sau đó, người ta tiếp tục đưa thi thể các anh chị em của bé Ayah khỏi tòa nhà bị san phẳng. Chỉ có em gái Buthaina sống sót nhưng bị nứt hộp sọ. Vụ không kích đã làm 12 thường dân thiệt mạng, trong đó có Ayah và 8 người trong gia đình cô bé.

“Chứng kiến nỗi khổ đau của gia đình này và bi kịch của biết bao người khác đang hứng chịu trong xung đột chiến tranh, tôi càng quyết tâm rằng mình phải chuyển tải bức ảnh này đến công chúng để mọi người hiểu hơn sự tàn bạo của máu lửa chiến tranh”, anh Abdullah chia sẻ.
 
Mẹ khóc con trên đường chạy loạn
 
Bức ảnh chị Hamida Ahmed, người Rohingya, vừa khóc vừa ôm lấy thân hình nhỏ bé của đứa con sơ sinh mới 5 tuần tuổi hôm 14/9 của nhiếp ảnh gia Mohammad Ponir Hossain gây chấn động thế giới về cuộc khủng hoảng tị nạn ở Myanmar.
hamida-ahmed-rohingya-reuters.jpg
Chị Hamida Ahmed vừa khóc vừa ôm xác con

Chị Hamida cùng chồng Nasir Ahmed và 2 đứa con trai nhỏ nằm trong số nhiều người tị nạn trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ vượt qua vịnh Bengal tới làng Shah Porir Dwip (Bangladesh). Khi gần đến bờ, chiếc thuyền bị lật và nhiều người đã bị chết đuối.

Gia đình chị Hamida nằm trong số hàng trăm nghìn người Rohingya mạo hiểm dấn thân vào hành trình nguy hiểm trên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ để vượt biển đến miền Nam Bangladesh. "Họ tuyệt vọng đến mức đánh cược mạng sống để thoát khỏi Myanmar", phóng viên ảnh Ponir nói.
 
Cuộc khủng hoảng di cư người Rohingya bắt đầu từ năm 2015. Hàng trăm nghìn người dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo sinh sống ở đất nước Phật giáo Myanmar đã chạy sang Bangladesh, khi chính phủ Myanmar không công nhận họ là công dân và coi là người nhập cư trái phép.
 
Nước mắt người cha
 
Một ông bố bế con gái, vừa đi vừa khóc giữa cảnh hoang tàn ở một phía của thành phố Mosul (Iraq) hôm 4/3, nơi vừa xảy ra cuộc giao tranh giữa liên quân Iraq với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phóng viên ảnh Goran Tomasevic kể: "Cả hai bố con đều hét lên trong sợ hãi. Người bố và đứa con gái nhỏ mà anh ấy ôm trong cánh tay chạy trốn qua những con đường của Wadi Hajar, nơi trở thành chiến trường và các cuộc không kích”.
reuters-a-man-cries-as-he-carries-his-daughter.jpg
Người bố bế con chạy trốn trận không kích

Hơn 3 năm kể từ khi IS thiết lập đế chế, khoảng 100.000 người Iraq đã thiệt mạng và hàng triệu người phải ly tán, mất nhà cửa. Iraq tuyên bố giải phóng hoàn toàn các khu vực bị IS chiếm đóng hồi cuối tháng 11, đánh dấu sự sụp đổ của tổ chức này tại Iraq.

Cụ bà kiệt sức khi chạy trốn cuộc chiến
 
"Tôi chụp bức ảnh này ở một sa mạc bên ngoài Tây Mosul (Iraq). Cụ bà 90 tuổi Khatla Ali Abdallah đang chạy trốn chiến sự tại Mosul. Đôi mắt đỏ ngầu vì mệt mỏi, bà đã kiệt sức đến độ không thể đứng hoặc ngồi. Bà nhìn tôi như thể bà đã không ăn hoặc uống trong nhiều ngày. Giây phút đó cảm động đến mức tôi đã khóc khi chụp bức ảnh", phóng viên ảnh Zohra Bensemra chia sẻ.
khatla-ali-abdallah-reuters.jpg
Cụ bà Khatla Ali Abdallah kiệt sức khi băng qua sa mạc

Bà Khatla được người cháu trai cõng qua sa mạc, cõng qua những làn đạn cối và đạn từ lính bắn tỉa. Bà nói rằng đây là cuộc chiến tồi tệ nhất bà từng thấy nhưng bà sẽ không để IS phá hủy lòng trắc ẩn trong con người bà.

Ngây thơ trước nguy hiểm rình rập
 
Vào một buổi chiều khi tuần làm việc sắp kết thúc, phóng viên Omar Sobhani nhận được tin nhắn về cuộc tấn công của các phiến quân IS nhằm vào thánh đường của người Hồi giáo dòng Shia ở Kabul (Afghanistan). Khi anh đến nơi, hàng chục người của lực lượng an ninh đã có mặt. Người phóng viên ảnh để ý thấy 3 viên cảnh sát có vũ trang đang đứng ở cửa vào thánh đường và gào lên với một ai đó. Anh Omar tìm chỗ ẩn nấp và quan sát thấy cậu bé Ali Ahmad. Cậu bé đang chơi đùa bên ngoài trong lúc người ông cầu nguyện ở bên trong và vụ tấn công xảy ra. Ali không hiểu gì trước âm thanh của tiếng súng nổ và tiếng gọi của cảnh sát. Phóng viên ảnh Omar có thời gian để chụp một vài tấm ảnh trước khi được yêu cầu rời đi. Anh ta biết rằng bức ảnh sẽ trở thành câu chuyện được nói đến sau đó.
ali-ahmad-reuters-afghan-policemen-try-to-rescue-four-year-old-ali-ahmad.jpg
Chú bé Ali Ahmad

Về sau, Omar mới biết rằng ông của Ali đã thiệt mạng trong vụ tấn công đó nhưng cậu bé thì an toàn. Chính cậu bé là người nói với bố mình qua điện thoại rằng ông đã chết. Sau tang lễ của người ông, Omar tìm đến nhà Ali nhưng cậu bé không thể nói được gì . Cậu có vẻ không nhớ những chuyện đã xảy ra. Dù vậy, người cha nói rằng dẫu Ali đã gặp ác mộng nhiều ngày sau đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm