Những buổi trà chiều thứ bảy của mẹ

14/10/2018 - 22:02
Mai Lan có một con gái lên lớp 8 và con trai năm nay vào lớp 6. Công việc của chồng rất bận rộn nên việc chăm sóc con cái, hầu hết đều một tay chị đảm đương. Vừa lo việc cơ quan, lại phải cáng đáng việc nhà nên lắm khi chị cảm thấy rất mệt mỏi, nhất là khi con gái bước vào tuổi dậy thì.
Cô con gái của chị Lan đang vào tuổi dậy thì khiến tâm trí chị rối bời. Từ chuyện bạn ấy nhất định đòi mặc đi mặc lại một cây... pijama lòe loẹt ở nhà, cho đến việc đòi cắt tóc tém, vẩy cả light giống cô bạn thân. Việc học của con bé cũng khiến chị lao tâm khổ tứ khi thường mất tập trung cho những trò vô bổ khác như vẽ vời lung tung, sưu tầm đề can nhãn dán của ban nhạc thần tượng.
 
Có đợt sát kỳ thi một tuần rồi mà con bé vẫn nhởn nhơ hết tô đến vẽ, rồi nhảy nhót. Chị quát nạt con mãi thì thấy không ổn chút nào, vì việc quát tháo con chỉ thỏa cơn giận của chính mình thôi, nhưng gây tác dụng ngược trong giáo dục con. Mẹ càng mắng, nó càng lì lợm, khó bảo. Có những lần, con giận nhau với bạn ở trường, do xích mích nhỏ thôi nhưng khi về cứ lầm lì không nói, mẹ hỏi gì cũng cáu. Chị hoang mang cảm thấy mình đang bị chính đứa con gái cô lập, rời xa.
 
Ảnh minh họa

 

Những giây phút bình yên khi hai chị em chịu khó ngồi vào bàn học hoặc giúp mẹ làm việc nhà vào cuối tuần khiến chị thấy quý giá vô cùng. Chị nhận ra rằng, hai đứa con của mình rất thích được gần gũi mẹ, không phải là cứ ôm ấp yêu thương khi ở gần nhau mới là quý (thậm chí cô con gái bướng bỉnh giờ còn chẳng cho mẹ hôn hít như thời bé nữa), mà đơn giản chỉ là 3 mẹ con ở cùng nhau, cùng làm việc nhà với nhau, cùng chơi thể thao với nhau hoặc đơn giản là đi shopping, đi ăn ốc vỉa hè, uống cà phê trò chuyện linh tinh như những người bạn. Và đặc biệt, cuộc vui mà không có bố bọn trẻ tham gia, bọn trẻ như được cởi lòng chia sẻ với mẹ nhiều hơn.
 
Ngẫm nghĩ mãi, chị Mai Lan quyết định ra một “tối hậu thư” cho cả gia đình. Chị nói: “Mẹ thấy dạo này nhà mình không có nhiều thời gian bên nhau lắm, bố thì bận việc, các con lại bận học, rồi bạn bè, mẹ cũng đầu tắt mặt tối theo việc cơ quan, việc nhà cửa.
 
Mẹ muốn dù bận rộn đến mấy, cả nhà mình cũng vẫn phải có một buổi gặp gỡ, trò chuyện với nhau, ít nhất là một tuần/lần. Trong buổi này, những ai có khó khăn khúc mắc gì, mẹ muốn cả nhà mình sẽ trao đổi thẳng thắn để cùng nhau tìm cách tháo gỡ. Cách này cũng khiến nhà mình gần nhau và hiểu nhau hơn. Bố và các con thấy thế nào?”.
 
Chồng chị dĩ nhiên là ủng hộ hai tay rồi, anh bảo anh sẽ thu xếp công việc để tham gia cuộc “họp” quan trọng này. Cậu em trai nhí nhố thì cứ nghe đến việc cả nhà sinh hoạt cùng nhau là phấn khởi ra trò. Còn cô con gái, sau khi ngẫm nghĩ một lúc, cũng miễn cưỡng đồng ý.
 
Để không khí “họp gia đình” hàng tuần trở nên nhẹ nhàng hơn, chị Lan gọi cuộc gặp này là “buổi trà chiều” với thời gian là chiều thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Dù bận đến mấy, bố cũng sẽ về tham gia. Chị chuẩn bị một số bánh trái ngon lành, nước uống khi thì trà sữa, nước ép, sinh tố... Địa điểm lúc thì ở nhà, lúc lại quán cà phê, có khi lại trong công viên, hoặc ở ngoại thành... Cả nhà sẽ cùng trò chuyện, ăn uống, rảnh rỗi thì chơi thể thao với nhau như đá bóng, đạp xe.
Ảnh minh họa

 

Và quan trọng nhất là những tâm sự sâu kín nhất của hai con, chị đều khéo léo tìm cách gợi mở để các con chia sẻ. Những điều các con còn ngại chưa thể nói ra, chị cho “khất” đến tiệc trà tuần sau, hoặc cũng có thể các con ghi vào giấy và chuyển cho chị đọc nếu muốn giữ bí mật riêng tư.
 
Sau khoảng vài ba buổi trà chiều như vậy, chị Lan thấy hiệu quả hơn trong việc hiểu con gái của mình, lắng nghe con nhiều hơn, đưa ra cho con những lời khuyên hữu ích nhất để con tham khảo, cho con quyền quyết định nhiều hơn. Và đặc biệt, cả nhà cảm thấy gắn kết với nhau hơn rất nhiều, sau những ngược xuôi bận rộn, lo toan ngoài kia...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm