pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những ca đỡ đẻ khiến bác sĩ sản khoa toát mồ hôi hột trong năm 2022
Mất điện trong đêm, y bác sĩ soi đèn pin đỡ đẻ cho thai phụ sinh 3 mẹ tròn con vuông
Cuối tháng 8/2022, các y bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã hỗ trợ đỡ đẻ thành công ca sinh 3 trong trường hợp mất điện. Để thực hiện, ê kíp trực phải dùng đèn tích điện, đèn pin để đỡ đẻ cho sản phụ. Sản phụ được đỡ đẻ thành công hôm ấy là chị Hồ Thị Thái (người dân tộc Vân Kiều, 21 tuổi, ở thôn Măng Song, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Được biết, lúc 0h30 ngày 27/8, chị Thái nhập viện để sinh con trong tình trạng diễn biến lâm sàng nhanh, phù, huyết áp cao, nguy cơ tiền sản giật. Tại đây chị được các y, bác sĩ thăm khám và chỉ định đẻ thường vì nếu chuyển viện sẽ gây nguy hiểm cho 2 mẹ con thai phụ.
Ê kíp trực phải dùng đèn tích điện, đèn pin để đỡ đẻ cho sản phụ.
Tuy nhiên do sự cố bất khả kháng mất điện, không có máy siêu âm hỗ trợ nên ê kíp trực phải dùng đèn tích điện, đèn pin để đỡ đẻ cho sản phụ.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, với sự nỗ lực của kíp trực, chị Thái lần lượt sinh 3 bé thành công. 2 bé có cân nặng 1,9 kg và 1 bé nặng 1,7 kg. Sau sinh sức khỏe của 4 mẹ con sản phụ đều ổn định, được chăm sóc, theo dõi tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản Trung tâm Y tế huyện.
Đây là lần đầu tiên Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa hỗ trợ, đỡ đẻ thành công ca sinh 3 trong trường hợp mất điện. Sau sinh, biết hoàn cảnh gia đình sản phụ Hồ Thị Thái rất khó khăn nên cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa còn quyên góp tiền mua sắm một số đồ dùng cần thiết tặng gia đình.
Bà mẹ sinh 3 được đỡ đẻ an toàn, các bé đều chào đời khỏe mạnh.
Kịp thời đỡ đẻ và cấp cứu cho sản phụ đẻ rơi con 31 tuần tuổi trong nhà vệ sinh bệnh viện
Ngày 29/10, nữ bệnh nhân 41 tuổi ở Hà Nội đã đi khám sản khoa, kết quả thai nhi hoàn toàn bình thường.
Tới 3/11/2022, khi thai 31 tuần thì thai phụ này được gia đình đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám do bị sốt 4 ngày trước đó. Lúc nhập viện, bệnh nhân sốt nhẹ, mệt mỏi và có biểu hiện đau chân, đi lại khó khăn phải có người dìu. Song thai phụ này cho biết, vẫn cảm thấy thai máy bình thường, không ho, không khó thở, bụng không đau, không thấy cơn co tử cung.
Khi vào nhà vệ sinh, bệnh nhân bất ngờ chuyển dạ và sinh luôn em bé trong nhà vệ sinh. (Ảnh minh họa)
Nghi ngờ bệnh nhân bị sốt virus hoặc nhiễm trùng, bác sĩ đã cho bệnh nhân nằm theo dõi tại phòng cấp cứu, cho truyền dịch và lấy máu làm xét nghiệm chẩn đoán.
Sau khoảng 30 phút nằm theo dõi tại phòng cấp cứu, bệnh nhân muốn đi vệ sinh và được điều dưỡng trực hỗ trợ đến nhà vệ sinh. Tuy nhiên, khi vào nhà vệ sinh, bệnh nhân bất ngờ chuyển dạ và sinh luôn em bé trong nhà vệ sinh.
Ngay lập tức, điều dưỡng đã nhanh chóng báo gọi cấp cứu cho cả kíp trực kịp thời đỡ đẻ cho sản phụ. Khi đỡ ra, trẻ sơ sinh tím tái toàn thân, ngừng tim, không thở.
Thấy tính mạng của trẻ sơ sinh rất nguy kịch, bác sĩ tiến hành ép tim cho trẻ, đồng thời hà hơi thổi ngạt miệng, ép tim ngoài lồng ngực, ủ ấm cho trẻ, báo động đỏ nội viện, báo trực lãnh đạo, Khoa Nhi hỗ trợ, cả bệnh viện cùng sẵn sàng tinh thần để cứu hai mẹ con.
Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con ổn định, bé gái chào đời nặng 1.500 gram đã tự thở bình thường. (Ảnh minh họa)
Sau khi hà hơi thổi ngạt, ép tim được một phút thì trẻ có nhịp tự thở, khóc to và hồng dần toàn thân. Hai mẹ con được kíp trực và người nhà bệnh nhân khác hỗ trợ đưa về phòng cấp cứu. Trẻ được ủ ấm, cắt dây rốn, băng vô khuẩn để chuyển đến bệnh viện chuyên khoa.
Đến 11 giờ (khoảng 30 phút sau khi bé chào đời) sản phụ và em bé đã được nhân viên của bệnh viện hỗ trợ chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp tục theo dõi, điều trị. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con ổn định, bé gái chào đời nặng 1.500 gram đã tự thở bình thường và được xuất viện sau vài ngày.
2 nhân viên y tế và người đi đường cùng hợp sức đỡ đẻ cho sản phụ Lào chuyển dạ giữa đường
Chiều 5/6/2022, chị Xồng Y Bi (32 tuổi, ngụ bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn) được chồng chở bằng xe máy đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) để sinh con. Trên đường đi, khi còn cách trung tâm y tế hơn 20km thì chị Bi đau bụng dữ dội, có dấu hiệu chuyển dạ nên phải dừng lại.
Người đi đường hỗ trợ nhân viên trạm y tế đỡ đẻ cho sản phụ người Lào.
Người dân địa phương phát hiện sự việc liền gọi điện báo cho cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Cắn. Sau khi nhận được tin, chị Vi Thị Loan, nhân viên của trạm và Lương Thị Thanh, hộ sinh của trạm đang nghỉ cuối tuần ở nhà đã mang các dụng cụ y tế đến để đỡ đẻ cho sản phụ.
Sau khi có mặt, 2 nhân viên y tế cùng trung úy Lương Văn Thạch (Công an xã Nậm Cắn) và một số người đi đường đã hỗ trợ, đỡ đẻ thành công ca sinh này.
Đây là lần sinh nở thứ 3 của chị Bi.
Sản phụ Bi người dân tộc H'Mông bên Lào lấy chồng và sinh sống ở Việt Nam nhưng không biết tiếng Việt. Song do các nhân viên y tế biết tiếng H'Mông nên việc đỡ đẻ khá thuận lợi. Đây là lần sinh nở thứ 3 của chị Bi.