pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cách chúc mừng, tri ân đặc biệt các thày cô trong mùa Covid
Cô Vũ Yến - giáo viên về hưu trường Trung học Mai Dịch, Hà Nội - vui mừng nhận hoa “từ xa” trong Tháng tri ân Nhà giáo
Cô - trò gặp gỡ online
Năm nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, mọi hoạt động vui chơi, giải trí, sự kiện đều bị hạn chế. Thậm chí có nơi còn hủy hoàn toàn các sự kiện cho ngày lễ lớn này.
Với nhiều thầy, cô, 20/11 là dịp để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đã qua, sống cho hiện tại và chia sẻ những dự định trong tương lai với lớp lớp thế hệ học trò. Đặc biệt, với những thầy, cô giáo đã về hưu, cảm xúc ấy càng đặc biệt hơn.
Năm nay, mọi hoạt động đều được các nhà trường chuyển sang trực tuyến, gặp gỡ đều qua nền tảng online. Bà Vũ Yến (giáo viên về hưu trường Trung học Mai Dịch, Hà Nội) tâm sự: "Cứ đến gần ngày 20/11, trong lòng tôi lúc nào cũng rạo rực và phấn khởi, nhất là người đã về hưu. Thế nhưng năm nay dịch Covid-19 phức tạp, tôi không được ngồi lại với những người đồng nghiệp của mình, không còn được gặp học sinh cũ. Thay vì cùng nhau ăn uống và tâm sự như mọi năm, chúng tôi chỉ được nhìn nhau qua màn hình điện thoại, nhắn cho nhau những tin nhắn cảm xúc. Chúng nó vẫn thường gọi tôi là "U", đó là cách trò chuyện thân thương của những người học trò cũ. Giữa tình hình dịch bệnh, tôi cũng nhớ chúng nó nhiều".
Thầy Phan Nhiệm (giáo viên về hưu tỉnh Ninh Bình) cho biết thêm, với tình hình dịch bệnh căng thẳng như vậy, thầy cũng có chút buồn. Không phải buồn vì ngày lễ này không được tổ chức, mà buồn vì không có cơ hội được gặp gỡ học trò cũ, tâm sự và chia sẻ như mọi năm. Theo thầy, phải có những khoảnh khắc như thế này mới nhận ra giá trị tình cảm con người với con người dành cho nhau.
Hay như cô Nguyễn Vân (giáo viên về hưu trường chuyên Nguyễn Trãi – Thành phố Hải Dương) cho hay: "Cái buồn nhất là học sinh không được tới trường trực tiếp, thiệt thòi không được giao lưu với nhau. Có 3 năm học cấp 3 mà nghỉ dịch nhiều, thanh xuân của các bạn ấy cũng bị cắt bớt, các em sinh viên thì không được trải nghiệm nhiều hơn như những ngày yên bình".
Niềm vui của nghề giáo là sự tri ân và biết ơn
Nghề giáo vẫn luôn là một nghề gian khó và vất vả, với họ, đôi khi niềm vui, niềm hạnh phúc rất đỗi nhỏ bé đó là tình cảm, lòng biết ơn và sự tri ân đến từ lớp học trò của mình. Hiểu được những giá trị đó, dù ở bất cứ nơi đâu, chúng ta đều luôn hướng về ngày lễ tri ân Nhà giáo Việt Nam 20/11. Cuộc sống hiện đại hơn, cách thể hiện tình cảm của học trò cũng trở nên đặc biệt hơn, nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh phức tạp.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn ra phức tạp tại một số địa phương trên cả nước. Để đảm bảo an toàn chung, nhiều trường học hủy trực tiếp các hoạt động lớn, nhỏ trong dịp 20/11 này. Thay vào đó, nhiều học sinh, sinh viên vẫn rất chu đáo tổ chức lễ "Tri ân online" để kết nối tất cả những người bạn của mình ở khắp nơi gặp gỡ thầy cô giáo.
Cô Nguyễn Vân chia sẻ thêm: "Mọi năm, tầm giờ này đang nhộn nhịp với bao hoạt động vui vẻ. Năm nay nhiều sinh viên ở nhà cũng không thể tới thăm cô, vừa dịch và cũng là giáo viên về hưu, cô cũng thoáng buồn. Mới đây, lớp cô chủ nhiệm cũ (chuyên Nguyễn Trãi) đã tổ chức trực tuyến chúc mừng cô, vui và xúc động lắm. Bạn ở Hải Dương, ở Hà Nội hay ở nước ngoài vẫn gặp mặt nhau được".
Còn với cô Vũ Yến, cô rất tự hào về học trò cũ bởi trong tình hình dịch bệnh, nhiều em đã chủ động gọi điện hỏi thăm cô từ rất sớm. Khi được nhìn học sinh của mình trưởng thành, đi khắp năm châu bốn bể về với cô, các em cũng chỉ là những đứa trẻ thơ bé ngày nào. Với cô, hạnh phúc nhất của nghề giáo không ở đâu xa, chính là tình cảm bé nhỏ của những người học trò cũ.
Năm 2021 là một năm khó khăn với nhiều du học sinh. Nhiều em bị kẹt lại do các chuyến bay bị hủy, chính sách của Đại sứ quán. Tuy nhiên, không vì dịch bệnh mà "xa mặt cách lòng", nhiều du học sinh thể hiện tình cảm của mình bằng cách gọi điện, gửi quà từ xa tới thầy cô giáo cũ.
Bạn Lê Thu Trang (du học sinh Tokyo, Nhật Bản) chia sẻ: "Mọi năm mình rất hào hứng cùng những người bạn cũ tới nhà các thầy cô giáo cũ để tri ân ngày 20/11; cùng nhau trò chuyện ôn lại những kỷ niệm cũ. Năm nay vừa ở xa nhà, lại vừa vướng phải dịch bệnh thế này cũng buồn lắm, chỉ biết gọi điện hỏi thăm rồi gửi hoa về cho thầy cô thôi! Với mình, một học sinh biết "tôn sư trọng đạo" cũng giống như một người con có hiếu".
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, không chỉ là trách nhiệm nuôi dưỡng hàng trăm thế hệ xây dựng đất nước mà đó còn là niềm tin, tình yêu của các thế hệ học trò mà ít nghề nào có được.