pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cách làm hiệu quả nâng cao đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số có đạo tại Lâm Đồng
Hội LHPN xã Đạ M’Rông - Đam Rông ra mắt mô hình “Phụ nữ với kiến thức dinh dưỡng. Ảnh PN Lâm Đồng.
Nhiều mô hình hay
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng dẫn và vận động phụ nữ, trong đó có phụ nữ theo tôn giáo tham gia vào hoạt động Hội cũng như thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Từ đó, phong trào phụ nữ vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, đời sống tinh thần, vật chất của chị em ngày càng được nâng cao. Chị em đã vượt qua các phong tục tập quán ràng buộc, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình hoạt động của Hội.
Điển hình như xã vùng sâu, vùng xa Đưng K' Nớ (Lạc Dương, Lâm Đồng), nơi có dân số là 599 hộ với 2.459 nhân khẩu. Trên địa bàn xã có 2 tôn giáo chính là đạo Công giáo và Tin Lành với tổng số giáo dân là 2.271 tín đồ.
Những năm trước đây, đời sống của bà con còn nhiều hạn chế như: nhiều hủ tục tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại; một bộ phận chị em mang tư tưởng tự ti, mặc cảm không chịu phấn đấu vươn lên; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 còn nhiều; rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi mất mỹ quan; tình trạng phá rừng lấn chiếm đất rừng làm nương làm rẫy; tảo hôn hôn nhân cận huyết vẫn còn xảy ra...
Để giảm thiểu những bất cập trên, thời gian qua Hội phụ nữ xã Đưng K' Nớ đã có nhiều cách làm, mô hình hiệu quả, giúp nâng cao đời sống cho nhiều chị em phụ nữ DTTS có đạo. Hội đã xây dựng CLB phụ nữ nuôi dạy con tốt; mô hình vận động con em không bỏ học; phụ nữ với kiến thức pháp luật; địa chỉ tin cậy cộng đồng; nói không với tảo hôn... các mô hình được tổ chức với nhiều nội dung phong phú đa dạng, thu hút chị em tham gia.
Hội thường xuyên phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương mở các lớp truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng cho chị em, đặc biệt mời già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt tại các cơ sở thờ tự của các tôn giáo để cùng trao đổi, giải thích để bà con hiểu và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chị em giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Xây dựng mô hình chi hội tập trung giúp 1 đến 2 chị thoát nghèo; mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; vận động đóng góp quỹ mái ấm tình thương; giúp nhau bằng ngày công lao động. Hội đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội cho chị em vay vốn với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng, giúp 202 chị phát triển kinh tế, đầu tư sản xuất.
Ở cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phối hợp với chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng để chuyển tải thông tin cho chị em hội viên, phụ nữ; biên soạn tài liệu tuyên truyền sang tiếng K'Ho; xây dựng nhiều mô hình phù hợp với nguyện vọng chủa chị em; Hội còn chỉ đạo xây dựng tài liệu tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp phụ nữ Nghị quyết về đại đoàn kết các dân tộc, Nghị quyết về dân tộc, tăng cường giao lưu kết nghĩa giữa chi hội người kinh với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số…
Các cấp Hội đã duy trì và xây dựng mới những mô hình phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu, sở thích chính đáng của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS theo tôn giáo nói riêng để tạo môi trường giúp phụ nữ phát triển. Có thể kể đến như: Chi hội phụ nữ dân tộc, tôn giáo "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" tại thôn Mrăng (Đơn Dương). Chi hội phụ nữ tôn giáo phát triển kinh tế với mô hình nuôi bò sữa công nghệ cao tại thôn Bồng Lai (Đức Trọng); Tổ phụ nữ dân tộc, tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường tại xã Tà Nung - TP Đà Lạt. Một số mô hình mới như Tổ phụ nữ tôn giáo tin lành tham gia phong trào Hội tại xã Đồng Nai Thượng (Cát Tiên); phụ nữ Công giáo tích cực tham gia sinh hoạt Hội tại xã Phi Liêng (Đam Rông)…
Những thách thức cần quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác vận động quần chúng nói chung, công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS, tôn giáo nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Đại diện người có uy tín trong cộng đồng, Rơ Ông K'Xuân (xã Liêng Srônh, Đam Rông, Lâm Đồng) nhận định: Khó khăn trong công tác vận động và tập hợp phụ nữ, tổ chức các hoạt động tại cơ sở như kinh phí còn hạn chế; một số cấp ủy chi bộ thiếu quan tâm công tác Hội LHPN; cán bộ, hội viên phụ nữ thiếu năng lực giám sát các lĩnh vực chuyên môn như việc giám sát công trình xây dựng; một số địa bàn dân trí chưa cao, tiếp cận pháp luật của phụ nữ còn hạn chế…
Theo Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi của nhiều hộ chưa cao. Một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số chị em nhận thức về chính sách luật pháp còn thấp do trình độ hạn chế, việc phát huy nội lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội…
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cũng chỉ ra rằng: Chị em phụ nữ DTTS vẫn là đối tượng đặc thù, yếu thế, tiếp tục đối mặt với đói nghèo, mù chữ hay tái mù. Chị em còn đối mặt với hạn chế tiếng phổ thông, tín dụng đen, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con, sinh hoạt đạo trái phép, di cư tự do, hôn nhân xuyên biên giới, bị mua bán người qua biên giới với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp...
Hiện nay vẫn còn nhiều thách thức đe doạ sự an toàn của phụ nữ DTTS, đồng thời tạo kẽ hở để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề DTTS, tôn giáo kích động phụ nữ tham gia vào các hiện tượng có tính chất "tà đạo".
Đội ngũ cán bộ Hội làm công tác dân tộc tôn giáo vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa được cập nhật thường xuyên các kiến thức, kỹ năng vận động, thuyết trình, tập hợp quần chúng đối với phụ nữ DTTS theo tôn giáo, đặc biệt là kỹ năng nhận diện, ứng phó với các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới.
Các mô hình, hoạt động Hội vùng DTTS, tôn giáo chưa thực sự sáng tạo, đổi mới, chưa bắt kịp với yêu cầu thực tiễn của tình hình mới để từ đó tập hợp, thu hút chị em tham gia nhiệt tình vào các hoạt động Hội.
* Ngày 2/12, tại TP Đà Lạt, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo "Rà soát thực trạng những vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo đặt ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi và giải pháp can thiệp, hỗ trợ nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ DTTS theo tôn giáo".
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ các nội dung trọng tâm liên quan đến thực trạng, thực tiễn các vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo đang tác động, ảnh hưởng đến đời sống phụ nữ DTTS tại một số địa bàn đặc thù tôn giáo. Qua đó, kiến nghị, đề xuất về giải pháp can thiệp, hỗ trợ phù hợp, đặc thù nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ DTTS theo tôn giáo.
* Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn công tác Hội LHPN Việt Nam do bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng hoa, chúc mừng Tòa giám mục Đà Lạt nhân dịp Giáng sinh năm 2022.