Những câu chuyện ấm lòng ngày giáp Tết Kỷ Hợi

30/01/2019 - 09:21
Trong ngày cuối năm khi nhà nhà đang tất bật chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán cổ truyền, đã có những câu chuyện làm ấm lòng người.

Trong chuyến tàu về quê ăn Tết ngày 27/1, một người giúp việc gia đình đã mất chiếc túi trong đó có 30 triệu đồng. Đó không chỉ là mồ hôi, công sức của cả một năm lao động, mà còn là những dự định, những tính toán để vun vén cho gia đình sau 365 ngày vất vả nhọc nhằn. Và hơn hết đó là những dự định, là niềm hy vọng bởi với số tiền đó, cuộc sống của bà hay của những người thân sẽ tốt đẹp hơn.

Bên cạnh cái xấu là hành động trộm cắp của kẻ gian, rất may, lòng tốt của rất nhiều người đã lên tiếng. Sau khi được Trung tâm đường sắt Phan Thiết phát động, một hộp tiền quyên góp được đặt ngay trên toa tàu và nhân viên đường sắt cùng những hành khách đã chung tay chia sẻ với mất mát của người kém may mắn.

Số tiền hơn 20 triệu đồng, đã phần nào khỏa lấp những mất mát về vật chất, nhưng lớn hơn đó là sự sẻ chia của cộng đồng, những người không tình thân, không quen biết nhưng đã khiến người phụ nữ lao động đó vơi đi khó khăn và lớn hơn nữa để toàn xã hội nhận thấy: Cuộc sống vẫn còn rất nhiều những điều tốt đẹp.

Một xã hội, dù văn minh, tiến bộ đến đâu cũng khó có thể loại bỏ tuyệt đối cái xấu, nhưng quan trọng hơn, đã có hàng trăm hành động tốt để đáp trả, để lấn át cái xấu.

quyen-gop.jpg
Nhân viên nhà ga và hành khách quyên góp ủng hộ người bị mất cắp 

Câu chuyện càng có ý nghĩa nhiều hơn sau một năm với rất nhiều biến động. Số tiền hơn 20 triệu đồng đó chẳng là gì, thậm chí quá nhỏ bé so với những con số dài dằng dặc của các vụ đại án từ đánh bạc qua mạng, tham nhũng đất công… bị đem ra xét xử trong năm qua.

Ngày cuối năm cũng là ngày nhà nhà thực hiện phong tục cúng ông Công, ông Táo. Câu chuyện thả cá chép, vứt tro hóa vàng nhiều năm qua đã trở thành một vấn đề xã hội. Đặc biệt tại các đô thị lớn, khi môi trường đã phải chịu một gánh nặng rất lớn từ rác thải sinh hoạt, đến ngày 23 tháng chạp lại thêm một “điểm nhấn” khi những dòng sông, những hồ nước lại phải gánh thêm một lượng lớn túi ni lon của những người thả cá, đổ tro hóa vàng.

Nhưng một lần nữa, ý thức của những người, và đáng mừng hơn nữa là những người trẻ, khi họ tổ chức thành từng nhóm đợi sẵn trên cầu Long Biên (Hà Nội) “xin” túi ni lon, thả hộ cá chép và đổ hộ tro vàng mã.

Hành động không quá lớn lao, nhưng nó nhắc nhở mỗi người trách nhiệm của bản thân với môi trường với cộng đồng. Họ không chỉ thay đổi hành vi của chính mình mà hơn thế tác động đến xã hội, nhắc nhở mỗi người.

Cũng vẫn là giới trẻ, khi những chàng trai quần đùi áo số đại diện cho bóng đá Việt Nam tung hoành trên sân cỏ nước bạn, khiến người hâm mộ nức lòng về ý chí về tinh thần thể thao, hơn thế nữa họ còn thể hiện một lối sống đẹp đầy ý thức.

Mặc dù thua trận và dừng bước ở Asian Cup, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã dọn sạch phòng thay đồ và viết lời cảm ơn bằng tiếng Anh sau khi rời SVĐ Al Maktoum (UAE).

Đó chính là cách cư xử của những người có văn hóa, có ý thức và hơn thế nữa nó giúp phần nào thay đổi hình ảnh của người Việt, một thời gian dài đã có những ấn tượng không đẹp trong mắt những người dân nước bạn về tình trạng trộm cắp, xả rác, chen lấn…

Trong những câu chuyện kể trên, ngoài việc ngưỡng mộ những người đã có những hành động đẹp, chúng ta cũng cảm phục cả những người làm công tác tổ chức, đó là Trung tâm đường sắt Phan Thiết, đó là cán bộ Liên đoàn bóng đá, những người đã tạo điều kiện tốt nhất để cái tốt được nảy mầm.

Trong cuộc sống hôm nay, cái tốt vẫn tồn tại trong mỗi người và để cái tốt được gieo mầm sinh sôi cũng rất cần những tấm lòng từ chính những người có trách nhiệm, những người làm công tác quản lý…

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm