Những câu chuyện đầy nước mắt của phụ nữ mưu sinh trong đêm 20/10

Nguyễn Long
21/10/2022 - 07:29
Những câu chuyện đầy nước mắt của phụ nữ mưu sinh trong đêm 20/10

Hình ảnh bà lão khoảng 80 tuổi đang ngồi bốc cơm nguội ăn.

Họ là những người phụ nữ, vì cuộc đời bất hạnh mà trôi dạt về đây để mưu sinh bằng những công việc khổ cực. Ngày 20/10 với họ cũng chỉ như ngày thường.

Tối 20/10, trời Hà Nội đổ những cơn mưa nhỏ khiến nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 16 độ C, trong khi nhiều phụ nữ đang hạnh phúc bên gia đình với những bó hoa, những phần quà và lời chúc mừng nhân ngày Phụ nữ Việt Nam thì còn không ít những phụ nữ ngồi co ro ngoài đường, miệt mài mưu sinh…

Hơn 22h, chị Nguyễn Thị Bé (45 tuổi) vẫn miệt mài thu gom rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, hôm nay công việc của chị vất vả hơn mọi ngày vì đường nhiều rác, nước mưa khiến lá cây bám chặt xuống mặt đường nên quét rất khó đi.

Những câu chuyện đầy nước mắt của phụ nữ mưu sinh trong đêm 20/10 - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bé đang thu gom rác ở khu vực gần hồ Hoàn Kiếm

"Công việc này tuy nặng nhọc, hôi hám, nhưng có thể giúp tôi kiếm thêm thu nhập để lo cho gia đình. Ngày 20/10 với tôi cũng chỉ như ngày thường thôi, chẳng có hoa cũng chẳng có quà. Bình thường tôi làm ca ngày, nhưng hôm nay làm đổi ca cho mấy chị em làm cùng, vì tối nay họ bận đi liên hoan. Nhìn người ta đi ăn, đi chơi, còn mình vẫn phải đi làm, nghĩ cũng tủi thân lắm, nhưng hoàn cảnh của tôi không cho phép mình được như thế. Chồng tôi mất sớm, tôi đang phải nuôi con gái học đại học nên rất tốn kém. Cuộc sống "ăn chưa hết bữa nay đã phải lo cho bữa mai" nên mọi thứ đều phải chắt chiu", chị Bé chia sẻ.

Ngồi co ro trên phố Lương Văn Can (Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), bà Nguyễn Thị Chắc (65 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết, bà sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên bà cũng không lấy chồng, năm 2017, bà lên Hà Nội đi nhặt đồng nát, công việc chỉ đủ để bà ăn uống qua ngày chứ không đủ tiền thuê trọ.

Những câu chuyện đầy nước mắt của phụ nữ mưu sinh trong đêm 20/10 - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Chắc cả ngày nay đã phải chịu đói.

"Bố mẹ tôi qua đời hết rồi, anh chị em có 6 người, nhưng giờ cũng chẳng biết họ ở đâu nữa. Trước kia ở Hải Phòng, tôi cũng chỉ làm nông thôi, nhưng càng làm càng lỗ nên tôi chọn ra Hà Nội mưu sinh với mong muốn có được cuộc sống no đủ hơn, nhưng không ngờ cuộc sống cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Những ngày tạnh ráo thì có thể đi nhiều nơi, nhặt nhạnh nhiều thứ được, còn trời mưa thì chỉ có tìm chỗ để trú thôi. Cả ngày nay tôi chưa ăn gì cả vì không còn đồng nào…", bà Chắc nói.

Đã 5 năm nay, cuộc sống bà Chắc cứ diễn ra như vậy, hàng ngày bà đi lang thang khắp phố phường Hà Nội để nhặt đồng nát, hôm nào nắng ráo thì đủ ăn, còn hôm mưa thì nhịn. Vất vả là thế, nhưng đến tối bà cũng chẳng có chỗ ngủ yên, thường thì sẽ… tiện đâu ngủ đấy.

Trên phố Hai Bà Trưng (Q.Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), mỗi khi màn đêm buông xuống, cảnh những người phụ nữ nằm, ngồi la liệt trên vỉa hè đã trở nên quá quen thuộc với bất cứ ai đã đến đây. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những mảnh đời éo le và bất hạnh đó còn là những câu chuyện đầy nước mắt.

Những câu chuyện đầy nước mắt của phụ nữ mưu sinh trong đêm 20/10 - Ảnh 3.

Bà Trần Thị Hiền thường hay ngủ lại trên vỉa hè phố Hai Bà Trưng

Đã hơn 23h đêm, nhưng bà Trần Thị Hiền (54 tuổi, quê Thái Nguyên) vẫn chưa thể ngủ vì lạnh. Bà Hiền kể, bà từng có một cuộc sống hạnh phúc, năm lên 18 tuổi, bà kết hôn cùng một người đàn ông cùng xã, không lâu sau bà hạ sinh một đứa con gái đầu lòng, trong sự phấn khởi của cả gia đình. Thế nhưng, chỉ vài năm sau, chồng bà sinh nhiều "thói hư tật xấu", khiến gia đình đổ vỡ.

"Cuộc sống khó khăn, chồng lại cờ bạc, gái gú, bao nhiêu tài sản trong gia đình ông ấy cũng mang đi cầm cố hết. Có lần ông ta còn dẫn cả "bồ" về nhà, tôi có ý kiến thì ông ấy còn lấy dép cao su đánh vào đầu, vào mặt tôi. Không chịu được cuộc sống như vậy, tôi đã làm đơn ly hôn…", bà Hiền nói.

Sau khi ly hôn, tòa giải quyết cho bà Hiền nuôi dưỡng con gái, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, con gái bà Hiền đi tắm ao cùng đám bạn trong xóm, đã không may bị đuối nước, khi mới 12 tuổi. Đau buồn vì đứa con gái duy nhất qua đời, bà Hiền trầm cảm mất một thời gian dài.

Đến năm 2018, bà Hiền xuống Hà Nội đi làm thuê cho các nhà hàng, quán ăn. Nhưng từ thời điểm dịch Covid-19, bà phải nghỉ việc do cửa hàng không thuê nữa. Cũng từ thời điểm đó, bà không làm gì ra tiền nên phải trả lại phòng trọ. Hàng ngày bà đi lang thang khắp nơi nhặt ve chai. Đến tối bà lại về phố Hai Bà Trưng trải cái áo mưa ra vỉa hè để ngủ.

"Bây giờ ăn còn lo không nổi, tiền đâu mà thuê nhà trọ. Đói, rét cũng phải cố mà chịu thôi. Ở đây cũng nhiều hoàn cảnh éo le như mình, chúng tôi vẫn thường động viên nhau cố gắng, sống được ngày nào hay ngày đó, chứ cứ thế này cũng chẳng mơ đổi đời, chỉ cầu mong sao có nhiều sức khỏe thôi…", bà Hiền nói.

Dọc phố Hai Bà Trưng, còn rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh như bà Hiền, họ đến từ nhiều nơi khác nhau, nhưng họ cùng cực khổ như nhau. Với họ, món quà lớn nhất là sức khỏe để có thể đi làm, không phải chịu đói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm