Những câu chuyện gia đình éo le chốn công đường

Đinh Thu Hiền
12/02/2025 - 14:41
Những câu chuyện gia đình éo le chốn công đường

Ảnh minh họa

“Vô phúc đáo tụng đình”. Trong sự phức tạp ấy còn có những câu chuyện gia đình thật sự éo le, khiến người ngoài cuộc cũng thấy tâm can xao động.
Tình huống hiếm gặp

Tại phiên toà "Tranh chấp quyền nuôi con chưa thành niên", bà ngoại và dì cháu bé là bị đơn, cha cháu bé là nguyên đơn, mẹ của bé đã mất khi vừa sinh bé được 2 tháng tuổi. Câu chuyện gia đình của bà T.T.T có các tình huống khá éo le.

Chị N.T.M là con gái của bà T.T.T, ngụ tại TPHCM. Chị kết hôn và chung sống cùng ông A. tại nhà cha mẹ chị, cả hai có 1 con gái chung tên H.K, sinh vào tháng 9/2017. Tới tháng 12/2017, chị M. đột ngột qua đời, cháu H.K được bà ngoại và các dì bên ngoại chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông A. vẫn ở chung nhà với con gái và gia đình bên vợ.

Trong quá trình chung sống, dì ruột của cháu H.K phát hiện ra vào lúc cháu khoảng 4 tuổi có các biểu hiện lạ như tới những ngày ngủ cùng với ba thì sợ hãi, chỉ muốn ngủ cùng dì. Lúc đi ngủ nhắc tới ba thì cháu trùm mền với tâm lý lo sợ. Cháu cũng có các biểu hiện lệch lạc như tự sờ vào bộ phận kín của mình và người khác. 

Gặng hỏi, cháu H.K cho biết, ba cháu thường dùng tay sờ vào vùng kín của cháu khiến cháu đau. Còn người giúp việc trong gia đình thì đã chứng kiến người cha này hôn ngực của con gái và thấy cháu dùng tay sờ vào vùng kín của người cha mà người cha thì không phản đối.

Khi ông A. bị nhiễm Covid-19, gia đình đưa cháu H.K qua nhà đối diện ở để cách ly. Lúc người giúp việc mang cơm cho ông A. ăn, thì phát hiện ông A. không mặc đồ gì, kể cả đồ lót, đứng nhảy nhót trong nhà. Cháu H.K cũng kể với dì, lúc cháu ngủ cùng ba thì ba cũng không mặc đồ gì hết, khiến cháu rất ghê sợ.

Dì ruột cháu H.K nghe các câu chuyện xong đã tố giác ông A. lên công an. Các cơ quan bảo vệ trẻ em đã giao cháu H.K cho bà ngoại và dì ruột nuôi. Sự việc hình sự đang được điều tra chưa có kết quả thì ông này tiếp tục khởi kiện dân sự bà ngoại và dì ruột của cháu K.H ra toà để tranh chấp về quyền giám hộ và quyền nuôi con.

Tại phiên toà, bà ngoại của cháu H.K nghẹn ngào cho biết, trong một lần hiếm hoi gặp gỡ, bà đưa tấm hình của cháu H.K cho ông A. coi và nói: "Con coi hình của con gái con nè. Con bé đi học trong trường vui lắm". 

Nhưng "A. đã gạt đi, không thèm dòm vào tấm hình để coi con gái thế nào, việc này diễn ra trước mặt luật sư. Bé H.K thì sợ hãi mỗi khi nhắc tới ba và nói nếu bị giao cho ba nuôi, thì con sẽ "lên trời" theo mẹ", bà ngoại của cháu H.K xúc động trước toà.

Bà T. cũng cho biết, bà chưa khi nào xưng hô khác với con rể, vẫn một lời xưng mẹ một lời kêu con. Và bà cũng mong rằng con rể sẽ suy nghĩ lại để bé H.K vẫn được ở cùng với bà ngoại và dì - những người đã nuôi bé từ khi bé mới được 2 tháng tuổi tới tận bây giờ. Trong khi đó, ông A. thường xuyên không có mặt tại Việt Nam, cũng không có thời gian chăm sóc con gái.

"Bé H.K đang học trong trường quốc tế. Mỗi ngày đi học về, bé kể cho dì và bà ngoại nhiều câu chuyện thú vị lắm. Cả gia đình mong bé sẽ quên đi những khoảnh khắc sợ hãi trước đây, để bình an những năm tháng phía trước", dì của bé H.K kể chuyện.

Phiên toà bữa đó hoãn xử vì ông A. vắng mặt. Bà ngoại bé H.K tâm sự rằng, câu chuyện gia đình của bà thật sự éo le. Trong một thời gian ngắn, nhiều sự kiện ập tới: con gái bà bất ngờ tử vong; con rể cưới vợ khác; cháu ngoại sợ hãi ba nó và cuối cùng thì rể cũ kiện mẹ vợ và chị vợ cũ ra toà. Bà T. nói, có trong mơ bà cũng không thể hình dung được các tình tiết mà gia đình bà đã và đang trải qua hiện nay.

Vụ án khác, chị N.T.B (ngụ tại Quận 3, TPHCM) dẫn con gái 16 tuổi ra toà. Thiếu nữ P.B.M là bị hại trong vụ án "làm nhục người khác". M. bị nhóm thiếu nữ cùng tuổi đánh đập dã man, rồi tung lên mạng xã hội do mâu thuẫn nói xấu nhau. Vì vụ án có yếu tố vị thành niên nên nhóm phóng viên ngồi chờ phía ngoài phòng xử.

Lúc chờ nghị án, P.B.M xoa xoa bụng đã tròn xoe, kể "con đang mang bầu rồi", khiến mọi người đều vô cùng hoảng hốt. Ai cũng nói tưởng M. mập quá chứ đâu thể hình dung thiếu nữ mới 15 tuổi đã chuẩn bị làm mẹ. 

Hoá ra là khi bị nhóm bạn đánh, tung clip lên mạng xã hội, M. mắc cỡ quá nên không ở TPHCM cùng mẹ và chị gái nữa mà về quê dưới miền Tây. Nói là về quê, nhưng làm gì có nhà để ở. Nhà cũ thì ba đã cưới vợ khác rồi đưa con riêng của vợ ba về ở nên chật chội lắm, không còn chỗ ngủ. 

Vậy là M. đi lang bang ở nhà bà con dòng họ. Nay ở nhà này, mai ở nhà khác. Không ai quản lý, hỏi han gì, khiến thiếu nữ buồn chán, lên mạng giải khuây. M. vào các nhóm chat trên Facebook, quen một chàng trai mà đến tận bây giờ cũng "không biết nhà ở đâu, bao nhiêu tuổi, tên thật là gì". 

Chàng trai đó rủ rê M. đi chơi và hậu quả là M. mang bầu. Sợ hãi, chưa hiểu chuyện gì xảy tới với mình, đến khi bụng đã lớn, M. mới dám gọi điện thoại báo cho mẹ và chị biết.

Phiên toà bữa đó chưa tuyên án ngay. Mẹ của M. nói, giờ không cho M. về lại quê nữa, chờ ở thành phố cho tiện ra toà lần kế tiếp. Hơn nữa, giờ bụng M. cũng lớn quá rồi, sắp sinh rồi, ở thành phố tiện sinh mà cũng không bị bà con dòng họ nói ra nói vô, sợ con nghĩ quẩn mà làm bậy.

Mới đây, toà đã tuyên án. Vừa tới Tòa án Nhân dân Quận 3, tôi thấy chị B. đi một mình nên hỏi M. đâu rồi. Chị B. trả lời: "Bé M. sinh rồi cô ơi. Sinh sớm tới cả tháng lận. Em bận đi làm, chị Hai nó cũng đi làm, nên tính tới lui rồi cuối cùng em lại gửi bé M. về nhà bà con ở quê. Chờ 2 mẹ con cứng cáp chút, em sẽ đón lên thành phố".

Những câu chuyện gia đình éo le chốn công đường- Ảnh 1.

Bà T.T.T (trái) cùng luật sư đi ra khỏi phiên xử. Ảnh: Đ.T.H

Hỏi chị B. giờ tính thế nào, chị B. nói cũng chưa biết tính sao cả. Chị thì ly hôn ba của M. mấy năm trước, rồi lên thành phố làm thuê. Tại khu nhà trọ, chị "rổ rá cạp lại" với một người cũng đã chia tay vợ. Họ ở chung, sinh được cô con gái nữa. 

Nhà chật quá, khi M. mang em bé lên thành phố cũng ở cùng mẹ và dượng, xoay qua xoay lại là đụng nhau nhưng không có tiền để thuê căn nhà lớn hơn. "Ai cũng hỏi em là giờ báo công an về việc bé M. mang bầu ở tuổi 15, nhưng có biết con bé đi chơi với cậu nào để mà trình, mà thưa. 

Nên em cưu mang con và cháu ngoại vậy chứ biết sao. Rồi mọi thứ cứ lần hồi mà qua, giờ muốn tính cũng không biết sao để thoát ra khỏi những éo le này", chị B. tâm sự.

Hãy vì con trẻ

Nói về sự việc của gia đình bà T.T.T, luật sư Trần Thị Kiều Hạnh (Công ty Luật TNHH Trần Hạnh và Cộng sự) cho biết, đúng là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Với một gia đình bình thường, tình cảm cha con là tình cảm thiêng liêng. Việc chăm lo, nuôi dưỡng và giáo dục con cái như là một bản năng của người làm cha. 

Tuy nhiên, không phải lúc nào tình cảm ấy cũng được thể hiện một cách đúng đắn, đặc biệt là đối với những đứa trẻ chưa thành niên, là đối tượng còn nằm trong sự bảo hộ của cha mẹ cả trên thực tế lẫn pháp luật. 

"Vì dự trù được những tình huống này, các nhà làm luật tại Việt Nam đã ban hành quy định về việc hạn chế quyền của cha (mẹ) đối với con chưa thành niên và giao cho người khác giám hộ trẻ để bảo đảm sự an toàn cho bé", luật sư Trần Thị Kiều Hạnh nói.

Theo luật sư Trần Thị Kiều Hạnh, những tình huống gia đình của bé K.H thực sự rất hiếm gặp. Luật sư, với niềm tin nội tâm, mong rằng sẽ có những phán xử, kết cục an lành nhất đến với cuộc đời của bé H.K.

Còn trong vụ án mà thiếu nữ P.B.M là bị hại, luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TPHCM) cảm thấy rất trăn trở vì nhìn thấy tương lai nhiều thác ghềnh mà M. có thể phải đối mặt. Những gì cháu trải qua không thể đo đếm bằng tiền bạc hay các khoản bồi thường. 

"Vụ án là một lời cảnh tỉnh đối với thế hệ trẻ, rằng cuộc sống không phải là những trò chơi hay những phút giây thiếu suy nghĩ. Mỗi người cần học cách kiềm chế, tôn trọng sự khác biệt và khi có vấn đề gì cần được giải quyết, hãy chọn cách đối thoại và xử lý một cách hòa bình, trưởng thành. 

Cháu M. đã gặp phải những tổn thương về tinh thần, những ám ảnh tận sau này, và hậu quả mà M. mang theo còn ở thế hệ kế tiếp nữa. Những người lớn như chúng ta rất trăn trở khi thấy các hoàn cảnh gia đình éo le như cháu M. Rồi các bi kịch gia đình ấy, xã hội cũng gián tiếp phải gánh chịu và xử lý", luật sư Trần Anh Tuấn đưa ý kiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm