Trong cuộc trao đổi với PV Báo PNVN, bác sỹ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm điều phối ghép bộ phận cơ thể Quốc Gia (BV Việt Đức, Hà Nội), bộc bạch như vậy.
Ông Phúc cho biết: Mới đây, tại bệnh viện Việt Đức có cậu bé 16 tuổi từng giờ, chờ có tim để được ghép. Cách đây 1 tuần, tim cậu bé đã ngừng đập. Các bác sỹ phải cố gắng hồi sức đặc biệt, song sự hỗ trợ của máy móc này thường chỉ kéo dài được từ 1 đến 3 tuần. Đáng tiếc khi sau 1 tuần mòn mỏi chờ đợi, cậu bé đã ra đi mãi mãi vào đêm hôm qua.
Trung tâm đã đưa thông tin lên trang thông tin nội bộ, kêu gọi cộng đồng, hiến tạng của người thân chết não. Không chỉ hiến tạng để làm nghĩa cử cao đẹp với cộng đồng, mà còn là cơ hội để người thân của mình tiếp tục được hiện hữu trên cuộc đời này. Chỉ sau vài ngày đưa tin, có khoảng 1 triệu lượt người xem. Hơn 10.000 người đã share thông tin đó. Điều này cho thấy, những câu chuyện nhân văn đó đã chạm được đến trái tim cộng đồng.
Bên cạnh đó, có những cuộc gọi đến Trung tâm, thông báo ở Tây Nguyên có cậu thanh niên 23 tuổi, bị tai nạn nguy kịch, bệnh viện đã trả về nhà. Người dân đã thông tin tới bệnh viện để chúng tôi biết, liên hệ với gia đình của thanh niên đó.
Cho dù chuyện đó còn chưa có sự đồng ý của gia đình cậu thanh niên ấy, thì chỉ thời gian rất ngắn sau, cậu thanh niên qua đời.
Ngay hôm qua, chúng tôi có cuộc điện thoại gọi đến Trung tâm, thông tin việc người thân của họ của qua đời, gia đình muốn hiến tạng cứu người. Khi kiểm tra thông tin, chúng tôi biết người xấu số đó đã qua đời được mấy tiếng rồi. Người thân của họ có ý thức, tuy nhiên tại thời điểm trước khi người thân mất thì họ không nghĩ tới việc hiến tạng. Chỉ khi gửi vào nhà xác rồi, họ mới gọi đến Trung tâm. Vì quá 8 tiếng người chết qua đời, thì Trung tâm không nhận các mô tạng hiến được nữa.
Tại Quảng Ninh, có người bố già hơn 70 tuổi qua đời, họ đã đăng ký hiến tạng. Nhưng không thể lấy được tạng vì cụ già đó không phải chết não, trường hợp đó, chúng tôi chỉ lấy được giác mạc.
Những câu chuyện này cho thấy, không chỉ là cấp chiến lược Bộ ngành, các cơ sở y tế, mà các đơn vị ghép tạng trực tiếp đã rất nỗ lực trong thời gian qua, đem lại cơ hội cứu sống cho những người suy mô tạng.
Hiện nay, công việc hiến ghép tạng vẫn nhiều khó khăn, nhiều người dân chưa biết, chưa hiểu, hoặc họ ở quá xa Hà Nội, hoặc các trung tâm thành phố lớn, khiến cho việc đi xác minh thông tin và tiếp cận hiện trường nhiều ca không kịp giờ. Ngoài ra, trong mỗi chúng ta chưa mở lòng mình ra, chưa quan tâm đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc thành thật chia sẻ: Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày nào đó chúng ta hay người thân của mình bị suy mô tạng. Chúng ta sẽ làm mọi cách bán nhà, bán đất… để cứu người thân của mình. Tiền thì đã chuẩn bị, nhưng có tạng hay không mà ghép, liệu có cứu được người thân của mình?
Nhưng nếu bạn đặt bút ký vào đơn tình nguyện hiến tạng, thì 10 năm, 20 năm sau, mọi người thấy chuyện hiến tạng là bình thường, và chúng ta sẵn sàng chia sẻ việc hiến tạng. 20 năm sau chúng ta suy tạng, ngay lập tức chúng ta có nguồn tạng dồi dào, có thể được ghép ngay. Cậu bé 16 tuổi sẽ có cơ hội sống nếu được ghép tim ngay...
Chỉ có điều, từ mỗi chúng ta có cởi mở lòng mình hay không? Có sẵn sàng vào cuộc với hiến, ghép tạng cho chính bản thân, người thân gia đình chúng ta hay không?