pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cơ sở mầm non biến mất trong đại dịch
Một cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại TP Thủ Đức (TPHCM) đóng cửa vì dịch bệnh Ảnh: Mạnh Tùng
Chủ trường lao đao
Khi thành phố Hà Nội có thông tin sẽ cho học sinh mầm non đi học trở lại vào đầu tháng 3/2022, nhiều phụ huynh liên lạc với trường mầm non của con để xác nhận thông tin mới biết trường đã giải thể. Có nơi trường cửa khóa, then cài và không liên lạc được.
Tại Hà Nội, các nhóm, lớp nhỏ lẻ đổ vỡ hàng loạt. Chủ trường có thể vẫn giữ lại mặt bằng đã thuê nhưng đã chuyển sang kinh doanh thực phẩm, cửa hàng tạp hoá, quán ăn, hoặc cho thuê lại để bù lỗ. Đáng lo là nhóm, lớp tan rã nhiều nhất lại là nơi tiếp nhận trẻ của những gia đinh có mức thu nhập thấp, con công nhân lao động.
"Cô giáo cũ của con cho biết, cô đã chuyển nghề. Nhiều giáo viên và cả ban giám hiệu của trường cũng đã nghỉ việc", một phụ huynh ở Lạc Trung (Hà Nội) chia sẻ. Theo vị phụ huynh này, anh lên các diễn đàn phụ huynh mầm non mới biết rất nhiều cơ sở, nhất là các nhóm, lớp đã giải thể. Không ít phụ huynh như anh cảm thấy hoang mang không biết tới đây học sinh đi học trở lại thì phải gửi con ở đâu.
Cô Thúy Hằng, chủ một hệ thống mầm non ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết những ngày này, điện thoại của cô liên tục nhận được thông tin của các chủ trường khác rao chuyển nhượng cơ sở, bán đồ dùng, thiết bị để giải thể. Những cơ sở mầm non quy mô vừa và nhỏ rất khó trụ lại khi bước sang năm thứ 3 của đại dịch.
Thời điểm đỉnh dịch ở Hà Nội, sự tuyệt vọng của nhiều chủ trường mầm non tư thục cũng chạm đáy. Vì phía trước họ mù mờ, không biết khi nào mở cửa trở lại được. "Dừng lại hay tiếp tục oằn lưng bù lỗ" là điều khiến nhiều chủ trường cân não.
Cô Quỳnh Nga, Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi thơ 2 (Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội), cho biết khi trường phải đóng cửa năm thứ 2 liên tiếp, cô và gia đình đã phải thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng trang trải tiền thuê mặt bằng. Hy vọng trường học mở cửa trở lại sau Tết lần nữa tiêu tan, mới đây, cô Nga tiếp tục vay bên ngoài với lãi suất cao để xoay xở. "Đã cố một thời gian dài, giờ ngừng lại thì tiếc nhưng tiếp tục thì không biết cố được đến bao giờ", cô Nga chia sẻ.
Hai vợ chồng anh Tiến, chị Lan, chủ một cơ sở mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã mở trường được 5 năm. Trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, anh chị mở thêm một cơ sở khác được vài tuần thì phải đóng cửa. "Mỗi cơ sở đầu tư ban đầu khoảng trên 1 tỷ đồng. Sau gần 10 tháng duy trì, đầu năm 2022, chúng tôi phải trả lại mặt bằng một cơ sở. Giờ chúng tôi đang tính chuyển sang kinh doanh cái khác ở cơ sở còn lại để trả nợ. Vì hy vọng tiếp tục mở trường nên giờ chúng tôi nợ đầm đìa", anh Tiến cho biết. Vợ chồng anh đang rao bán đồ dùng, đồ chơi ở cả hai cơ sở, cái gì không bán được thì mang cho để giải phóng mặt bằng.
Cô Nguyễn Thanh Huyền, chủ hệ thống mầm non Ong Việt, dù được giảm 50% chi phí cho thuê mặt bằng nhưng một năm cô Huyền vẫn phải chi cho tiền thuê mặt bằng hơn 130 triệu đồng/cơ sở. Ban đầu, cô còn có chi phí hỗ trợ giáo viên, thuê người lau dọn nhưng bây giờ tiền đã cạn.
Sẽ thiếu giáo viên mầm non?
Không kể những cơ sở nhỏ, những trường mầm non tư thục có từ 2 đến hơn 10 cơ sở cũng đang điêu đứng vì phải bù lỗ và đương nhiên họ không thể có kinh phí để giữ chân giáo viên. "Chỉ tính từ đợt dịch thứ 4 thì đã 11 tháng liên tục trường mầm non đóng cửa. Trước đó thì bập bõm, vài tuần học, vài tháng nghỉ. Những người kiên nhẫn, gắn bó với nghề lắm cũng phải dao động. Không chỉ kiếm việc tạm thời, nhiều giáo viên mầm non đã bỏ việc hàng loạt. Chúng tôi có 14 cơ sở ở Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội. Tuy chưa thống kê cụ thể nhưng có ít nhất 1/4 số giáo viên của toàn hệ thống đã bỏ việc", cô Lương Thị Thuận, Phó ban điều hành hệ thống mầm non Lá phong xanh, cho biết.
Theo những chủ trường mầm non chất lượng cao, việc đổ vỡ đội ngũ giáo viên là thiệt hại mà phải rất lâu họ mới có thể khắc phục được. "Để có một đội ngũ đáp ứng yêu cầu chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở phân khúc cao, chúng tôi phải đào tạo bổ sung trong một thời gian dài. Bây giờ nếu được mở cửa trở lại, chúng tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Có nghĩa là bắt đầu đăng tin tuyển dụng, rồi đào tạo lại. Hiện tại, do chưa biết lúc nào được mở cửa nên trường cũng chưa dám triển khai tuyển mới giáo viên. Tôi e rằng, sau đại dịch, nghề giáo viên mầm non sẽ là một trong những nghề thiếu giáo viên mà không có nguồn tuyển. Cũng bởi nghề giáo viên mầm non, trường đóng cửa là các cô ra đường", cô Tuyết Lan, một chủ trường mầm non ở Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ.
Cô Lan cho biết, hiện hệ thống trường của cô chỉ cố duy trì mức lương khiêm tốn cho ban giám hiệu và 1 nhân viên kỹ thuật. "Trước tôi còn thuê người quét dọn theo giờ nhưng bây giờ đã dừng. Nhiều khi vợ chồng tôi tự đến lau dọn, mở cửa cho thoáng khí để bàn ghế, đồ dùng không ẩm mốc", cô Lan cho biết.
Bài sau: Làm thế nào giúp hệ thống mầm non ngoài công lập phục hồi?