Những cột mốc đáng nhớ đánh dấu sự gia tăng dân số thế giới

Nhu Thụy
11/07/2021 - 08:43
Những cột mốc đáng nhớ đánh dấu sự gia tăng dân số thế giới

Công dân thứ 7 tỷ là bé Danica May Camacho

Thế giới đã có công dân thứ 7 tỷ là bé Danica May Camacho (người Philippines). Việc tìm ra bé gái "7 tỷ" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới.

6h35 sáng 11/7/1987 là cột mốc đáng nhớ đánh dấu dân số thế giới chính thức là 5 tỷ người với sự ra đời của một cậu bé người Nam Tư Matej Gaspar tại thành phố Zagreb (thủ đô của Croatia ngày nay). Đây được coi là một dấu mốc mới trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và tử thần để tồn tại và phát triển của con người. Không chỉ vậy, sự ra đời của công dân thứ 5 tỷ còn là hồi chuông báo động về tốc độ gia tăng dân số quá nhanh và sự phát triển quy mô lớn của dân số thế giới.

Dân số Thế giới

Công dân thứ 5 tỷ là cậu bé người Nam Tư Matej Gaspar

Nhận thức được mối nguy hiểm do bùng nổ dân số gây ra đối với con người và môi trường, Diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) tháng 11/1989 đã quyết định lấy ngày 11/7 hàng năm làm Ngày Dân số Thế giới, nhằm nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Đây là dịp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và sự quan tâm đúng mức về tình hình dân số thế giới và những rủi ro mà con người và môi trường phải đối mặt. 

Mặt khác, cần kiểm soát tốc độ gia tăng dân số "nóng" hiện nay, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sống, mất cân bằng sinh thái và không đủ điều kiện thực hiện các quyền cơ bản của con người như học hành, việc làm, dinh dưỡng, nhà ở và bảo vệ sức khỏe. Từ đó, các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia và các cá nhân cần có nhận thức, suy nghĩ và hành động đúng đắn về vấn đề này, đưa ra các phương pháp hữu hiệu, khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo nhiều biện pháp nhằm kiểm soát sự bùng nổ dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống như cũng như hạn chế ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

Trước đó, người thứ 4 tỷ ra đời năm 1974, người thứ 3 tỷ ra đời năm 1959, thứ 2 tỷ vào năm 1927 và thứ 1 tỷ vào năm 1805.

Dân số Thế giới

Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan bế công dân thứ 6 tỷ của thế giới là Adnan Nevic sinh ngày 12/10/1999

Công dân thứ 6 tỷ của thế giới là Adnan Nevic sinh ngày 12/10/1999 tại Sarajevo (Bosnia). Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã đến thành phố này chụp ảnh cùng cậu bé mới sinh. Bức ảnh cậu bé nằm trong vòng tay ông Kofi Annan khi đó xuất hiện trê n các báo lớn khắp thế giới. Điều đáng chú ý là Adnan Nevic được sinh ra đúng vào thời điểm số lượng người trẻ tuổi trên thế giới đông đảo, chưa từng có với hơn 1 tỷ người từ 15 - 24 tuổi.

Dân số Thế giới

Công dân thứ 7 tỷ là bé Danica May Camacho (người Philippines) sinh ngày 31/10/2011

Ngày 31/10/2011, thế giới đã có công dân thứ 7 tỷ là bé Danica May Camacho chào đời lúc 23 giờ 58 tại bệnh viện công Jose Fabella thuộc thủ đô Manila (Philippines), nặng 2,5 kg. Danica đã được LHQ công nhận là thành viên thứ 7 tỷ đồng thời tuyên bố ngày 31/10/2011 là "ngày 7 tỷ người". Việc tìm ra bé gái "7 tỷ" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới. UNFPA hy vọng có thể nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, nữ quyền và bất bình đẳng giới thông qua chiến dịch "ngày 7 tỷ người".

Tên của Danica có nghĩa là ngôi sao buổi sớm. Bé là đứa con thứ hai của bà Camille Dalura và chồng là Florante Camacho. Cả hai đã chào đón những quan chức cấp cao của LHQ đến thăm và tặng một bánh kem đặc biệt cho con gái họ. Gia đình Danica cũng nhận được một học bổng tài trợ cho việc học hành của bé từ những người hảo tâm và một ít tiền để giúp họ mở một cửa hàng. 

Dân số Thế giới

LHQ đã gửi tặng một chiếc bánh mừng sự kiện bé Danica trở thành công dân thứ 7 tỷ của trái đất

Theo tờ The Guardian, các đứa trẻ từng được LHQ chọn để đánh dấu cột mốc dân số thế giới trước đây đã phàn nàn rằng tổ chức quốc tế này quên lãng họ sau đó. Gia đình Adnan Nevic và Matej Gaspar đã than phiền rằng LHQ chọn con họ làm biểu tượng nhưng sau đó lại bỏ mặc không quan tâm tới số phận của chúng. Cha của Adnan Nevic ốm đau triền miên với bệnh ung thư ruột kết và không thể làm việc. Mẹ của em đã bị mất việc trong một nhà máy dệt, còn Adnan được chẩn đoán có một lỗ thủng nhỏ trong tim. Thu nhập của cả gia đình chỉ có 350 USD/tháng và không thể chữa bệnh cho cậu. 

Đáng lẽ sau khi chọn Adnan làm công dân thứ 6 tỷ, LHQ nên quan tâm như đến thăm, đặc biệt là vào ngày sinh nhật và tạo điều kiện cho em học hành. Nhưng từ ngày Adnan được người đứng đầu LHQ bế trên tay cho tới nay, LHQ chưa từng biết đứa bé thứ 6 tỷ trên hành tinh hiện sống như thế nào. Trường học và thầy giáo của Adnan biết em là một số đếm vĩ đại - 6 tỷ - vì tên của em được nêu lên trong sách giáo khoa của lớp 6 và tất cả chỉ có vậy. 

Dân số Thế giới

Adnan Nevic khi lớn lên


Cứ mỗi một giây trôi qua, thế giới lại chào đón thêm 2 trẻ ra đời. Dân số thế giới hiện ở mức 7,8 tỷ và dự kiến đạt mốc 8 tỷ vào năm 2023, 9 tỷ vào năm 2050 và 10 tỷ vào năm 2100.



UNFPA đã chọn chủ đề cho ngày Dân số Thế giới 11/7/2021 là "Quyền và lựa chọn là câu trả lời: Dù là bùng nổ hay giảm sút tỷ lệ sinh, giải pháp nằm ở việc ưu tiên sức khỏe sinh sản và quyền cho tất cả mọi người".

Ở cấp độ toàn cầu, UNFPA dự báo có tới 47 triệu phụ nữ ở 114 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình không thể áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại nếu tình trạng phong tỏa kéo dài 6 tháng, kéo theo sự ngưng trệ cung ứng dịch vụ do COVID-19, mà hệ lụy của nó là tạo ra 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn.

Một xã hội lành mạnh và hiệu quả là một xã hội mà ở đó, phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Một người phụ nữ có thể làm chủ cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Nhân ngày Dân số Thế giới, hãy hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là thiết yếu. Bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái và những hậu quả đó có thể kéo dài trong suốt cuộc đời của họ.

Nguồn: UNFPA, Guardian
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm