Những cuộc tìm con đẫm nước mắt

19/08/2017 - 09:14
Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng theo ước tính, có khoảng 20.000 tới 200.000 trẻ em Trung Quốc mất tích mỗi năm. Đây là vấn nạn nhức nhối khiến bao gia đình vật vã trong hành trình tìm lại con đầy nước mắt.
Nỗi đau khó lành trong lòng con trẻ
 
Vào một buổi trưa tháng 10 cách đây 12 năm, cô bé Cheng Ying (5 tuổi) đứng đợi mẹ ở cổng trường lúc tan học. Tuy nhiên, mẹ cô bé đến muộn. Sợ mẹ bận lo tiệc ở nhà nên Ying quyết định tự đi bộ về nhà chỉ cách trường một bến xe buýt. Bất hạnh thay, khi đi ra khỏi cổng trường được 100m, Ying đã bị những kẻ lạ mặt bắt cóc và đưa lên một chiếc xe taxi.
 
Sự việc đó đã cướp mất thời thơ ấu của Ying gần 1 thập kỷ. Em là một trong hàng trăm nghìn trẻ em Trung Quốc bị mất tích trong 4 thập kỷ qua. Không có số liệu đáng tin cậy nhưng người ta ước tính khoảng 20.000 tới 200.000 trẻ em Trung Quốc mất tích mỗi năm. Dẫu là quốc gia đông dân nhất thế giới với hơn 1 tỷ người nhưng số trẻ em bị bắt cóc này cũng tạo nên vết thương khó lành trong xã hội. Những đường dây buôn bán trẻ em trở thành nỗi khiếp sợ của mọi người và đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh thương tâm.
tim-con-bi-bat-coc-2.jpg
Hình ảnh những trẻ em bị bắt cóc mà cha mẹ mỏi mòn tìm kiếm

Bắt nguồn từ hủ tục tặng con cho gia đình người thân hiếm muộn, việc bắt cóc hành hoành nhiều nơi vì thu lợi lớn. Theo chuyên gia Anqi Shen đến từ đại học Teesside (Anh quốc), ở những vùng nông thôn hẻo lánh, một đứa trẻ trai có thể được bán với giá 18.000 USD.

May mắn hơn những đứa trẻ khác, Ying là trường hợp hiếm hoi được đoàn tụ lại với cha mẹ. Sau khi bị bắt cóc, Ying bị đưa tới nhà của một phụ nữ chuyên buôn bán trẻ em. Ở đó có nhiều đứa trẻ bị giam giữ. “Em bị đánh và bỏ đói”, Ying kể lại ngày tháng địa ngục như vết thương khó lành trong lòng em.
 
Năm 7 tuổi, Ying đã từng trốn thoát và chạy tới sở cảnh sát báo mình bị bắt cóc và mong tìm về cha mẹ. Tuy nhiên, cảnh sát chẳng tin lời một đứa trẻ nên mang trả em về cho kẻ đang giam giữ em. Từ đó, Ying mất niềm tin vào mọi người và cuộc sống khi chẳng ai chịu lắng nghe lời em nói. Cuối cùng, Ying bị bán cho một gia đình vô sinh hành nghề kinh doanh mật ong ở tỉnh lân cận, nằm cách nhà cô bé vài trăm km. Dù không chấp nhận họ làm cha mẹ nhưng Ying chẳng còn cách nào khác.
 
Trong khi đó, cha mẹ ruột của em phải sống những ngày tháng đau buồn kể từ khi mất con. Trở lại thời điểm trước, người mẹ tới trường lúc 12 giờ10 nhưng không thấy con, mẹ Ying nghĩ cô bé tới nhà bạn nên trở về nhà mà không chút lo lắng. Tuy nhiên, cảm thấy điều gì đó bất ổn, mẹ Ying gọi cho chồng để đi tìm con. Chạy vội tới lớp học nhưng không thấy con gái ở đó, cả thế giới như sụp đổ trước mặt người cha. “Mọi thứ trong cuộc đời tôi đang diễn ra rất suôn sẻ và tốt đẹp. Tuy nhiên, khi con gái mất tích, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn”, cha của Ying nói.
 
Tìm con trong tuyệt vọng
 
Gia đình Ying tìm tới cảnh sát để báo án nhưng cảnh sát không tiếp nhận những trường hợp trẻ em biến mất khi chưa đủ 24 tiếng. Rồi sau đó, cảnh sát cũng chẳng mấy quan tâm tới trường hợp của Ying. Anh Cheng Zhu - Cha của Ying lang thang trên phố tìm con. 70 người thân, bạn bè của gia đình cũng được huy động để tham gia cuộc tìm kiếm nhưng chẳng có tin tức gì về Ying. Đó là khởi đầu cho một cuộc tìm kiếm đẫm nước mắt kéo dài suốt cả thập kỷ.

Anh Cheng Zhu bỏ việc và lang thang khắp đất nước để tìm con trong đau đớn. Ông phát tờ rơi, hỏi thăm hay đăng tin trên truyền thông và Internet với hy vọng tìm thấy cô con gái nhỏ. Có lúc người bố khốn khổ còn bị cảnh sát bắt và đuổi khỏi địa phương với cáo buộc “gây rối trật tự” hay bị những kẻ lưu manh lừa tiền. Tuy nhiên, khát vọng tìm con của ông chưa bao giờ vơi bớt.
 
Trong hành trình tìm con, anh Cheng Zhu đã đồng hành cùng anh Wu Xinghu, một ông bố có con trai 1 tuổi bị bắt cóc đêm 19/12/2008.
wu-xinghu-1.jpg
Vợ chồng anh Wu Xinghu với tấm hình con trai bị bắt cóc

“Ngày tồi tệ đó chẳng khác gì với những ngày khác. Khi thấy tôi đi làm về, Jiacheng xòe tay đòi bế. Nó còn chưa biết nói nhưng tôi nhớ mọi cử chỉ và sự biểu cảm của nó”, anh Xinghu kể về buổi tối cuối cùng ở bên cậu con trai nhỏ. Vài giờ sau, Jiacheng bị bắt cóc từ chính chiếc giường của gia đình.Mỗi lần nhớ lại ngày con bị bắt cóc, anh Xinghu lại cảm thấy thấy bàng hoàng.

 
Cầu nối giúp các gia đình đoàn tụ cùng con
 
Được thành lập từ năm 2007, một trang web có tên Baobeihuijia (Trẻ về nhà) đã thu hút được 36.741 bố mẹ mất con và 30.370 trẻ em bị bắt cóc cần tìm bố mẹ. Đây chính là cầu nối giúp 1.963 gia đình được đoàn tụ. Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng một cơ sở dữ liệu ADN để giúp các bậc cha mẹ có thể tìm được con cái mất tích.
 
Tuy nhiên, những câu chuyện với kết thúc có hậu dường như cũng không nhiều. Cheng Ying là một trường hợp hiếm hoi. Ở tuổi 15, khi được cho một chiếc điện thoại thông minh, Ying đã lên mạng để tìm cha mẹ. Bị bắt cóc lúc 5 tuổi nhưng điều duy nhất Ying nhớ được là “Dabaiyang”. Em lên mạng hỏi mọi người Dabaiyang có phải là tên làng hay con phố nào không. Mọi người giúp em trả lời Dabaiyang là một vùng ngoại ô Tây An. Có lần, Ying kể câu chuyện đời mình cho một phụ nữ trên mạng và em đã được chia sẻ, cảm thông. Thật may là người phụ nữ đó đã giúp em tìm ra người cha mải miết tìm con suốt 10 năm trời. Bà cũng tạo điều kiện giúp đỡ hai cha con có thể tiếp xúc với nhau sau nhiều năm dài ly biệt.
cheng-zhu-cheng-ying-1.JPG
Hai cha con Cheng Zhu và Cheng Ying đoàn tụ bên nhau

Ying chắc chắn đó là cha mình nhưng cha em lại tỏ ra thận trọng vì ông quá nhiều lần bị những kẻ giả mạo lừa đảo. Quá quen với sự thất vọng, cha cô bé chọn cách tiếp cận từ từ để biết đây có phải con mình hay không. Sau 3 ngày trò chuyện, Ying hỏi cha: “Cha có biết con có vết sẹo trên tay từ bao giờ không?”. Anh Zhu lúc này mới nhớ lại rằng chính Ying đã tự mình nghịch dao nên bị cứa vào tay khi Ying 2 tuổi. Vết sẹo đó chỉ có vợ chồng anh biết nên đây là vết tích giúp anh nhận ra con gái. 10 ngày sau, Ying trở lại với gia đình, nơi em từng bị cướp đi và sống hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ và hai em. Ying mong lớn lên sẽ học đại học gần nhà vì em không muốn phải xa gia đình mình thêm một lần nào nữa.

wu-xinghu-2.jpg
Anh Wu Xinghu rong ruổi trên mọi ngã đường để tìm con

Tuy nhiên, anh Wu Xinghu không có may mắn như anh Cheng Zhu và những cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng của người cha khốn khổ vẫn sẽ tiếp tục mà chưa biết tới hồi kết. Anh Xinghu đã đi hàng trăm con phố, trải qua không biết bao nhiêu cung đường để tìm đứa con bé bỏng bị bắt cóc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm