Những dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Anh Quân
29/08/2020 - 17:48
Những dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bìa trái) tại cuộc họp nội các ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/7/2020. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Cùng điểm lại những mục tiêu chủ chốt trong chính sách cải cách kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe cũng như những thành tựu đạt được sau khi triển khai chính sách này.

Khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012, ông đã cam kết “làm hồi sinh” nền kinh tế nước này với một chính sách cải cách kinh tế có tên Abenomics.

Sau khoảng 8 năm điều hành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, ông Abe đã thông báo quyết định từ chức vào chiều 28/8 vì lý do sức khỏe.

Dưới đây là những mục tiêu chủ chốt trong chính sách cải cách kinh tế Abenomics cũng như những thành tựu đạt được sau khi triển khai chính sách này:

Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có

Tiếp quản trở lại vị trí Thủ tướng Nhật Bản sau nhiệm kỳ đầu tiên ở cương vị này trong giai đoạn 2006-2007, ông Abe đã đạt được một thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) để cơ quan này thực hiện một chính sách nới lỏng tiền tệ chưa từng có.

Những dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - Ảnh 2.

Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng quốc tế Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mục tiêu của chính sách trên là giảm chi phí đi vay, khuyến khích các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cá nhân, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức mục tiêu 2% để chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài kể từ thập niên 1990 của kinh tế Nhật Bản.

Chính sách của BoJ đã giúp tăng cường sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Nhật Bản bằng việc giảm giá đồng nội tệ, song mục tiêu lạm phát vẫn “ở ngoài tầm với.”

Kinh tế Nhật Bản đã dần phục hồi và giá cả ở nước này tăng chậm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các dự báo.

Nhật Bản thậm chí đã rơi vào tình trạng giảm phát trong giai đoạn 2015-2016, và trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chi tiêu chính phủ “mạnh tay”

Những nỗ lực của BoJ đi cùng với các biện pháp kích thích kinh tế dưới hình thức chi tiêu chính phủ quy mô lớn - "mũi tên" thứ hai trong chính sách cải cách kinh tế Abenomics (gồm 3 "mũi tên").

Nhật Bản đã chi hàng trăm tỷ USD kể từ năm 2013, nhất là để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên toàn quốc, trong đó có cơ sở vật chất phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020.

Các khoản chi tiêu này đã thúc đẩy doanh thu và đầu tư vào hoạt động kinh doanh, các thị trường tài chính và bất động sản và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong vài năm.

Tuy vậy, nỗ lực này cũng không ngăn được nền kinh tế Nhật Bản đi “chệnh hướng” vài lần.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản sụt giảm trong giai đoạn 2014-2015 trước khi phục hồi trở lại và nền kinh tế nước này lại rơi vào suy thoái trong năm 2020 ngay trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Với dân số già hóa thường có xu hướng tiết kiệm hơn là chi tiêu, tiêu dùng của Nhật Bản vẫn ở mức thấp trong một thời gian dài.

Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng của Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của hai lần tăng thuế tiêu dùng vào các năm 2014 và 2019.

Các nhà kinh tế luôn cảnh báo rằng việc tăng thuế nói trên sẽ đẩy kinh tế Nhật Bản vào tình trạng “thụt lùi.”

Tuy vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn triển khai để tăng nguồn thu ngân sách khi tỷ lệ nợ tính trên GDP của Nhật Bản hiện ở mức cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại kinh tế và Nhật Bản phài lùi kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo sang năm 2021 và nguồn thu từ ngành du lịch sụt giảm, Chính phủ Nhật Bản đã công bố các biện pháp kích thích kinh tế mới có quy mô lớn.

Dù vậy, Giáo sư Sayuri Shirai hiện làm việc tại Khoa quản lý chính sách của Đại học Keio và là cựu thành viên ban lãnh đạo BoJ cho rằng tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản đang giảm do chính phủ thiếu quan điểm về hồi phục “xanh” và các sáng kiến kỹ thuật số.

Những cải cách cơ cấu

Hai “mũi tên” đầu tiên trong số ba “mũi tên” của chính sách cải cách kinh tế Abenomics có thể không mang lại hiệu quả nếu không có “mũi tên” thứ ba là cải cách cơ cấu.

Một mục tiêu chủ chốt là thị trường lao động của Nhật Bản với mô hình của giai đoạn bùng nổ dân số hậu chiến tranh, trong đó người lao động có thể hy vọng có việc làm suốt đời cùng với nhiều lợi ích kèm theo ở một trong những doanh nghiệp lớn của Nhật Bản.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, những nỗ lực thay đổi mô hình quá cũ này và khuyến khích sự linh hoạt lớn hơn đã diễn ra quá chậm.

Những dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - Ảnh 3.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 20/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhà kinh tế Masamichi Adachi của UBS ban đầu cho rằng Chính phủ Nhật Bản đã trì hoãn thời gian bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa để chuẩn bị cho các cải cách cơ cấu “khá đau đớn.”

Song thực tế là Nhật Bản đã không sử dụng thời gian một cách hợp lý để thực hiện những cải cách cơ cấu.

Hiện có một vài điểm sáng trong việc điều hành chính sách kinh tế-xã hội của Nhật Bản bao gồm số lượng nữ giới và người cao tuổi tham gia lực lượng lao động đang gia tăng và Chính phủ Nhật Bản nới lỏng một phần chính sách nhập cư nghiêm ngặt, qua đó có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động “kinh niên.”

Tuy nhiên, bà Shirai cho rằng nhiều cải cách của Nhật Bản không đủ mạnh để nâng cao hiệu suất lao động.

Ngoài ra, dịch COVID-19 đã cho thấy không chỉ khu vực doanh nghiệp dễ tổn thương của Nhật Bản mà còn hệ thống các dịch vụ công trực tuyến chưa tương xứng và việc triển khai chậm chạp các chính sách của chính phủ.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm