Những điều cần biết để phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ

Bài, ảnh: An Khê
01/02/2024 - 11:05
Những điều cần biết để phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ
Chị Lê Thị Vân (28 tuổi) mang thai được 6 tuần và thấy mệt mỏi kéo dài. Chị cứ nghĩ mình bị ốm nghén nên không đi kiểm tra. Đến tuần thứ 9, chị mới đến bệnh viện khám thai thì được các bác sĩ xét nghiệm, chẩn đoán chị mắc đái tháo đường thai kỳ.

Trường hợp của chị Vân không phải là hiếm gặp bởi đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) thường không có triệu chứng điển hình. Hầu hết các trường hợp được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm sàng lọc trong suốt quá trình mang thai. Bệnh lý tiến triển thầm lặng, các dấu hiệu của bệnh cũng dễ nhầm lẫn với triệu chứng ốm nghén.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc ĐTĐTK đã tăng từ 3,9% (năm 2004) lên 20,9% (năm 2017). Những đối tượng có nguy cơ cao mắc ĐTĐTK gồm: người thừa cân, béo phì; tiền sử gia đình có người bị đái thái đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất; tiền sử sinh con từ 4kg trở lên; tiền sử bất thường về dung nạp glucose, bao gồm tiền sử ĐTĐTK trước, glucose niệu dương tính. ĐTĐTK xuất hiện vào khoảng tuần thứ 24-28 của thai kỳ, khi nhau thai bắt đầu sản xuất một lượng lớn các hormone gây kháng insulin và sẽ biến mất sau khi sinh 6 tuần.

ĐTĐTK nếu không được phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều tai biến nặng nề cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai, trong và sau khi sinh như sẩy thai, tiền sản giật, thai chết lưu, hội chứng suy hô hấp cấp, tử vong chu sinh, thai to gây đẻ khó. Phụ nữ bị ĐTĐTK có nguy cơ tăng huyết áp, đặc biệt có nguy cơ mắc đái tháo đường type 2, sau này có khả năng tái phát mắc ĐTĐTK ở lần mang thai tiếp theo. Trẻ sơ sinh của những bà mẹ có ĐTĐTK có nguy cơ hạ glucose máu, hạ canxi máu, vàng da, khi trẻ lớn hơn sẽ có nguy cơ béo phì và mắc đái tháo đường type 2.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, nên tầm soát sau sinh 6-12 tuần cho các bệnh nhân ĐTĐTK để xác định đái tháo đường, rối loạn dung nạp glucose, nhằm thay đổi lối sống hay sử dụng thuốc, giảm nguy cơ bị đái tháo đường về sau. Đối với trẻ sơ sinh, ngay sau khi sinh, trẻ cần được chăm sóc và theo dõi sát để phát hiện nguy cơ hạ đường huyết. Trẻ cần được thử glucose huyết tương mao mạch trong vòng 2 giờ sau sinh và có xử trí phù hợp; đồng thời cần được theo dõi tình trạng thân nhiệt, tim mạch, hô hấp để phát hiện kịp thời hội chứng suy hô hấp cấp, hạ thân nhiệt. Đối với thai phụ ĐTĐTK cũng cần làm các xét nghiệm để đảm bảo lượng glucose huyết tương ổn định.

- Theo khuyến cáo của bác sĩ, thai phụ nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, kiểm soát cân nặng phù hợp trong thai kỳ và thường xuyên khám thai định kỳ để phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Thai phụ cần chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung chất xơ và thực phẩm như ngũ cốc, yến mạch… hạn chế chất béo, thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.

- Trước khi mang thai, phụ nữ cần điều chỉnh lối sống để phòng, chống bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đặc biệt là những trường hợp có nguy cơ cao như đã sinh con trên 3,5kg; trên 30 tuổi, thừa cân béo phì, tiền sử thai sản bất thường…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm