Biến thể Lambda có đáng lo ngại?

Kim Ngọc (Tổng hợp)
12/08/2021 - 10:20
Biến thể Lambda có đáng lo ngại?

Ảnh minh họa

Biến thể Lambda hiện đã lây lan ra hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới. Hôm 15/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định Delta là một "biến thể đáng lo ngại”, trong khi Lambda ở mức độ thấp hơn - "biến thể đáng quan tâm".

Biến thể Lamba đã xuất hiện ít nhất ở 40 quốc gia

Tính đến thời điểm hiện nay, biến thể Lambda, hay C.37 đã lây lan ra hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới. Biến thể Lambda lần đầu tiên được xác định ở Peru vào tháng 12/2020, sau đó lây lan sang các nước Argentina, Brazil, Colombia, Ecuador, Mexico, kể cả Vương quốc Anh.

Trong những tháng gần đây, Lambda đã trở thành biến thể thống trị ở Argentina, Chile và Colombia. Theo thống kê của WHO, khoảng 81% người nhiễm COVID-19 ở Peru kể từ tháng 4/2021 là nhiễm biến thể Lambda.

Hôm 15/6, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định Delta là một "biến thể đáng lo ngại", trong khi Lambda ở mức độ thấp hơn - "biến thể đáng quan tâm".

Biến thể Lambda - mối đe dọa mới với thế giới - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiêm vaccine cho một phụ nữ ở Peru. Ảnh: Getty

Ở châu Á, hôm 7/8, tờ Japan Times đưa Nhật Bản phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể Lambda. Theo đó, biến thể được phát hiện ở một phụ nữ khoảng 30 tuổi trở về từ Peru tại sân bay quốc tế Haneda vào ngày 20/7.

Tính đến ngày 6/8, đã có 8 trường hợp được xác nhận về biến thể Lambda ở Anh. Phần lớn trong số này có liên quan đến các chuyến du lịch nước ngoài, theo phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Công cộng Anh (Public Health England - PHE). Không có trường hợp nào được báo cáo ở Anh trong vòng 4 tuần qua.

Hiện tại, cũng có một số cảnh báo nguy cơ bùng phát các ca nhiễm Covid-19 biến thể Lambda tại Mỹ khi Bệnh viện Houston Methodist Hospital báo cáo trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào tháng trước. Theo đó, việc giải trình tự gen đã xác định 1.060 trường hợp mắc Covid-19 do biến thể Lambda gây ra ở Mỹ. Mặc dù con số này thua xa các ca nhiễm gây ra bởi biến thể Delta - chiếm khoảng 83% các trường hợp mới ở Mỹ, các chuyên gia cho biết Lambda là một biến thể đang được theo dõi chặt chẽ.

Chuyên gia nói gì về biến thể Lambda?

Theo CNN, biến thể Lambda này gần như không đáng lo ngại như biến thể Delta vốn đang làm gia tăng số ca bệnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, các nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến thể này có những đột biến khiến khả năng lây truyền nhanh hơn so với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.

Tiến sĩ Gregory Poland, chuyên gia nghiên cứu vaccine tại Mayo Clinic ở Minnesota, Mỹ, cho rằng, bất cứ lúc nào một biến thể được xác định và chứng minh có khả năng lây nhiễm nhanh chóng đều phải được quan tâm. Các biến thể và những đột biến từ biến thể đó vẫn phát sinh và xuất hiện. Câu hỏi đặt ra là, những đột biến đó có mang lại lợi thế nào cho virus và gây bất lợi cho con người không? Câu trả lời với biến thể Lambda là có.

Biến thể Lambda - mối đe dọa mới với thế giới - Ảnh 2.

Biến thể Lamba đã xuất hiện ít nhất ở 40 quốc gia. Ảnh: Reuters

Theo Tiến sĩ Preeti Malani, Đại học Michigan, Mỹ, vẫn chưa biết chắc chắn Lambda có thể lây lan như thế nào và mức độ hoạt động của vaccine tốt như thế nào. Cho đến nay, có vẻ như Lambda có khả năng lây lan cao hơn so với virus SARS-CoV-2 ban đầu, giống với Delta và các biến thể khác.

Tuy nhiên, tiến sĩ lưu ý những nghiên cứu cho thấy, các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng bảo vệ. Với Covid-19, mọi chuyện đều có thể thay đổi nhanh chóng, vì vậy, việc kiểm soát lây lan dịch bệnh nói chung sẽ giúp kiềm chế biến thể Lambda. Ngoài ra, ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine và miễn dịch cộng đồng: "Nếu không kiểm soát được sự lây lan của SARS-CoV-2, sẽ có nhiều biến thể hơn trong tương lai. Cách duy nhất là tiêm chủng trên diện rộng để kiểm soát sự lây lan và ngăn chặn đột biến tiếp theo của SARS-CoV-2. Đó là cuộc chạy đua giữa việc tiêm chủng vaccine trên toàn thế giới và sự phát triển của các biến thể mới ít khả năng phản ứng ngược hơn".

Nghi vấn biến thể Lambda kháng vaccine

Hiện tại, vẫn chưa có dữ liệu chính xác về mức độ bảo vệ của vaccine chống lại biến thể Lambda và các nhà khoa học cho biết, họ cần nghiên cứu thêm về điều này.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm thấy biến thể Lambda có khả năng lây nhiễm cao và kháng vaccine hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2 xuất hiện từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Trong các thí nghiệm, họ phát hiện rằng, 3 đột biến của biến thể Lambda, gồm RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S, có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa sau khi tiêm các loại vaccine Pfizer, Moderna và Sinovac-CoronaVac. Hai đột biến bổ sung, T76I và L452Q, khiến biến thể Lambda có khả năng lây nhiễm cao. Mặc dù vẫn chưa rõ liệu biến thể này có nguy hiểm hơn biến chủng Delta hiện đang đe dọa nhiều quốc gia hay không, nhà nghiên cứu cấp cao Kei Sato của Đại học Tokyo lưu ý rằng "Lambda có thể là một mối đe dọa tiềm tàng đối với xã hội loài người".

Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc lưu ý rằng, vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Lambda. Cụ thể, Zhuang Shilihe, một chuyên gia ở Quảng Châu cho biết, nghiên cứu mới nhất ở các nước Nam Mỹ như Peru và Chile đã chỉ ra vaccine COVID-19 của Trung Quốc vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới.

Song song đó, cũng có tín hiệu lạc quan khi một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định với Reuters, biến thể Lambda có lẽ đang dần suy yếu. Cụ thể, tiến sĩ Eric Topol, giáo sư y học phân tử và giám đốc Scripps Research Translational Institute ở La Jolla, California, cho biết, dựa trên GISAID - cơ sở dữ liệu theo dõi các biến thể SARS-CoV-2, tỷ lệ nhiễm biến thể Lambda mới được báo cáo đã giảm xuống, một dấu hiệu cho thấy biến thể này đang suy yếu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm