pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cha mẹ cần biết khi "chữa bệnh" ích kỷ cho con
Ảnh minh họa
Chị Huyền cho biết, con trai chị là đứa trẻ khá hiếu thắng. Nếu va chạm với bạn khác thì lập tức con xảy ra cãi cọ, thậm chí đánh bạn. Con rất ghét phải chờ đợi và chịu đựng. Nếu con phải chờ đợi ai, dù đó là bố mẹ, ông bà, con cũng tỏ ra khó chịu, cắm cảu, ném thứ nọ, đá thứ kia. Con không có sự lễ phép hay nhường nhịn người khác.
Nếu người lớn sai vặt con, con sẽ hỏi vặn lại rằng tại sao mình phải làm và thậm chí nhiều lần con còn nói dối để có lợi cho mình. Sau khi chơi xong, nếu mẹ nhắc dọn dẹp phòng thì con chỉ dọn đúng những món đồ vừa chơi xong.
Biết rõ tính xấu của con như vậy nên chị Huyền rất lo sau này con sẽ gặp nhiều vấn đề khi ra ngoài xã hội. Chị thường xuyên lớn tiếng quát nạt khi thấy con lúc nào cũng ích kỷ, bo bo cho riêng mình. "Con chỉ biết tới bản thân mình thôi sao. Con cứ giữ khư khư như vậy thì ai thích nổi con!".
Theo bác sĩ tâm lý trẻ em Cheonseok Suh (Hàn Quốc), với những trẻ ít khả năng đồng cảm, khi gặp phải sự công kích, trẻ sẽ phản ứng một cách quyết liệt. Cách mà nhiều cha mẹ nói với con, phê phán con như cách nói của chị Huyền cũng thể hiện thái độ công kích con mạnh mẽ. Bản thân trẻ thiếu khả năng tiếp nhận, nghiền ngẫm lẫn khả năng tự suy xét lại bản thân trước những công kích của người khác. Bố mẹ mong muốn con sẽ có thể tự nhìn nhận được bản thân mình nhưng con lại chỉ thấy bố mẹ đang công kích mình. Càng bị bố mẹ quát mắng nhiều thì tình trạng của con càng trở nên trầm trọng. Trong trường hợp bị quát mắng quá nhiều, trẻ sẽ có cảm giác thiệt thòi rằng mọi người chỉ ghét mình.
Điều mà bố mẹ cần làm là nuôi dưỡng khả năng đồng cảm trong trẻ lớn mạnh hơn. Trong quá trình nuôi dạy con, bố mẹ dễ áp đặt thứ gọi là "giáo dục cấm đoán" để ngăn trẻ không được làm gì đó. Ngược lại, có phương pháp giáo dục để giúp con có năng lực làm gì đó, gọi là "giáo dục nuôi dưỡng năng lực".
Phương pháp chung để nuôi dưỡng khả năng của trẻ, thứ nhất, cha mẹ cần kiên trì dạy con những gì con có thể tiếp nhận. Thứ hai, giúp con thực hành những phương pháp được dạy vào thực tế. Thứ ba, luôn dành lời khen ngợi như phần thưởng cho con khi con thành công. Một điều cũng rất quan trọng là bố mẹ có thể trở thành tấm gương cho con noi theo.
Phương pháp để nuôi dưỡng khả năng đồng cảm của trẻ cũng tương tự như vậy. Đầu tiên, cha mẹ hãy kiên trì lắng nghe con nói. Trong lòng mẹ chắc chắn sẽ bực bội đôi chút nhưng hãy công nhận những ý kiến của con, sau đó có thể bắt đầu gợi ý cho con rằng: "Đúng là con sẽ thấy rất ấm ức. Mẹ cũng buồn lắm. Mẹ hiểu rõ cảm xúc và suy nghĩ của con nhưng chúng ta có thể suy nghĩ theo cách này nữa được không? Con nghe thử xem thế nào nhé!". Hoặc có thể nhẹ nhàng đưa ra một đề nghị: "Bố đồng ý với những suy nghĩ của con nhưng bố chỉ lo là nếu cứ làm như vậy con sẽ gặp bất lợi. Chúng ta thử suy nghĩ theo cách này nhé!".
Bố mẹ không nên khiến con có cảm giác bố mẹ đang áp đặt rằng những lời của bố mẹ mới là đúng. Bố mẹ chỉ nên thể hiện thái độ cảm thấy đáng tiếc khi đứng trên lập trường của con và gợi ý một phương án thay thế phù hợp.
Tiếp theo, bố mẹ hãy kiên trì cho con thấy thái độ luôn đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, hành động. Trước tiên, hằng ngày, bố mẹ hãy suy nghĩ dựa trên lập trường của con, thấu hiểu tâm trạng của con. Sau đó là luyện tập thấu hiểu suy nghĩ của người khác.
Cuối cùng, hãy cùng con nói về cảm giác của những người có mặt trong các sự việc liên quan đến con. Có thể, con sẽ có cảm giác nghi ngờ phải chăng lúc nào bố mẹ cũng đứng về phía người khác. Những lúc đó, cha mẹ hãy nói với con rằng: "Người chỉ huy là người luôn biết cách thấu hiểu suy nghĩ của mọi người. Luôn hiểu mọi người nghĩ gì. Bố tin con có thể trở thành người chỉ huy tốt. Vì vậy, con hãy thử suy nghĩ về cảm xúc của người khác nhé. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là con cứ nhất nhất phải nghe theo suy nghĩ của các bạn". Tất nhiên, bố mẹ sẽ không thể thuyết phục con chỉ với 1, 2 lần. Nhưng nếu bố mẹ không bỏ cuộc và luôn thể hiện sự đồng cảm để tác động đến con thì chắc chắn con sẽ cho thấy sự tiến bộ của mình.