pnvnonline@phunuvietnam.vn
3 nhà khoa học trẻ lên tiếng vì bình đẳng giới trong STEM
Trợ lý nghiên cứu Bouchra Benghomari tại phòng thí nghiệm trường Đại học Rockefeller, thành phố New York, Mỹ
Khả năng tiếp cận hạn chế đến giáo dục ở trẻ em gái là điều mà Bouchra Benghomari, Shubhi Sinha và Anna Stacy, ba nhà khoa học trẻ có chung niềm đam mê Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), muốn thay đổi. Ba cô gái đều là tình nguyện viên của UNICEF và ủng hộ Đạo luật "Giữ nữ sinh đến trường", đạo luật kêu gọi chính phủ Mỹ giải quyết các rào cản như tảo hôn, mang thai sớm thông qua các khoản đầu tư và phối hợp giữa các cơ quan chính phủ.
Stacy đang học ngành Vật lý tại trường Đại học Case Western Reserve (Ohio, Mỹ) với dự định theo đuổi lĩnh vực Y dược trong tương lai. Benghomari tốt nghiệp Cử nhân Sinh học tế bào & phân tử, chuyên ngành Y tế Toàn cầu tại Đại học Northeastern (Massachusetts) năm 2021 và hiện làm trợ lý nghiên cứu tại Đại học Rockefeller (New York, Mỹ). Sinha là sinh viên Đại học Indiana (Indiana, Mỹ), nơi cô theo đuổi bằng Cử nhân Sinh học tế bào và phân tử, chứng chỉ về Khoa học thần kinh.
Con đường không bằng phẳng
Thực tế, con đường của 3 cô gái trẻ luôn đầy rào cản vì vấn đề mất cân bằng giới trong lĩnh vực STEM. Stacy nói rằng các lớp vật lý của cô có rất ít nữ, hầu như các giáo sư đều là nam. Điều này không chỉ giới hạn ở trường học mà còn trong môi trường làm việc.
Benghomari cho biết, trong ngành Y học học thuật, phụ nữ chiếm chưa đến 25% giảng viên STEM và gần 15% biên tập viên xuất bản các bài báo khoa học. Điều này dẫn đến chênh lệch năng lực đáng kể. Đại diện và cơ hội của phụ nữ trong công việc ít được công nhận hơn.
Sinha đang làm kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT). Cô cho biết nơi cô làm việc có dưới 30% nhân viên EMT và nhân viên y tế là nữ. Sinha nhận thấy, sự bất bình đẳng giới của ngành Dịch vụ y tế khẩn cấp ảnh hưởng đến việc chăm sóc khẩn cấp cho các bệnh nhân nữ.
Hỗ trợ từ cộng đồng và khả năng tiếp cận giáo dục
Nhờ hỗ trợ từ cộng đồng và các cố vấn, Stacy, Benghomari và Sinha luôn kiên trì theo đuổi ước mơ. Cả ba đều nhận ra rằng, nếu không có hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và khả năng tiếp cận giáo dục, họ sẽ không thể theo đuổi sự nghiệp khoa học.
Ở trường đại học, Stacy tham gia câu lạc bộ "Phụ nữ trong Vật lý", nơi cho phép các thành viên kết nối, cộng tác, thảo luận về những thách thức hay chia sẻ nguồn lực và cơ hội. Không chỉ được nghe về nghiên cứu của bạn bè, Stacy còn có thể tìm hiểu về sự nghiệp, thách thức và thành công của những nhà vật lý nữ.
Trong khi đó, Sinha chia sẻ rằng hỗ trợ từ gia đình và trường học có thể tạo ra khác biệt lớn về niềm tin của trẻ em gái, rằng các em có thể làm được.
Nhớ lại quãng thời gian tham gia "Câu lạc bộ khoa học dành cho nữ sinh" ở Boston, nơi Benghomari được tiếp xúc với các nhà khoa học nữ khi còn là học sinh lớp 3, cô nói: "Đó là lần đầu tiên tôi gặp và nhìn thấy các nhà khoa học ngoài đời. Tôi ngạc nhiên về tất cả những điều thú vị mà họ biết và trên hết, họ đều là phụ nữ. Trải nghiệm này đã thay đổi toàn bộ quan điểm của tôi về khoa học và những gì tôi có thể làm được".
Góp tiếng nói ủng hộ trẻ em gái theo đuổi STEM
Ba nhà khoa học trẻ luôn cống hiến hết mình vì giáo dục cho trẻ em gái. Benghomari tham gia cố vấn để khuyến khích trẻ em gái theo đuổi STEM, trong khi Sinha có thời gian vận động cho Luật về giáo dục ở trẻ em gái. Cả ba đều hy vọng những việc họ làm có thể góp phần đảm bảo trẻ em gái được tiếp cận với giáo dục và bản thân sẽ trở thành hình mẫu cho những người quan tâm đến khoa học.
Với Benghomari, cô mong các cô gái không nên nản lòng, bất cứ ai cũng có thể theo đuổi STEM. "Là một phụ nữ trong lĩnh vực do nam giới thống trị, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những thành kiến, định kiến và ý kiến tiêu cực. Bạn nên biết một điều quan trọng là nếu một người phủ nhận ý kiến của bạn, sẽ có 10 người khác đánh giá cao tiếng nói của bạn và hỗ trợ các phương tiện cần thiết để bạn thành công", Sinha cho biết.