pnvnonline@phunuvietnam.vn
6 dấu ấn về bình đẳng giới năm 2021
4 thành viên của phi hành đoàn Air India bay qua Bắc Cực
Phi hành đoàn lịch sử
Tháng 1/2021, 4 thành viên nữ của phi hành đoàn Air India đã thực hiện thành công chuyến bay thẳng đường dài đầu tiên khởi hành từ San Francisco (Mỹ), bay qua Bắc Cực và hạ cánh xuống Bengaluru (Ấn Độ) với tổng chiều dài đường bay là 16.000km. Thành tích này đã mở ra giải pháp bay mới giúp tiết kiệm được 10 tấn nhiên liệu.
Ấn Độ là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ nữ phi công trên thế giới. Các hãng hàng không nước này sử dụng gần 12,4% số phi công là nữ, so với mức trung bình của thế giới là 5,4%. Đặc biệt, hãng hàng không Air India hiện có 507 nữ kiểm soát viên không lưu đang làm việc.
Ngoài ra, còn có 210 nữ phi công, bao gồm 103 cơ trưởng đang công tác và làm việc tại Air India. Bà Harpreet A De Singh đã được Air India bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành (CEO) của hãng với vai trò điều hành và quản lý công ty con Alliance Air. Bà trở thành nữ CEO đầu tiên nắm giữ vị trí này của công ty hàng không tại Ấn Độ.
Những vị trí lãnh đạo lần đầu tiên do phụ nữ nắm giữ
Bà Ngozi Okonjo-Iweala đã làm nên lịch sử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Tổng giám đốc WTO vào tháng 3/2021.
Tại Thụy Điển, ngày 29/11, Quốc hội nước này lần thứ 2 bỏ phiếu xác nhận bà Magdalena Andersson (54 tuổi), lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội, Bộ trưởng Tài chính, giữ chức Thủ tướng. Bà Andersson là nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thụy Điển kể từ cuộc bầu cử đầu tiên phụ nữ được tham gia bỏ phiếu.
Trước đó, ngày 26/1, bà Kaja Kallas đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Estonia, trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên kể từ khi quốc gia này giành độc lập năm 1991. Sự bổ nhiệm bà Kallas còn đưa đất nước vùng Baltic trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có cả Thủ tướng và Tổng thống là phụ nữ.
Trong khi đó, bà Fiame Naomi Mataafa trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Samoa vào tháng 5/2021. Bà trở thành người phụ nữ thứ hai trong khu vực Thái Bình Dương lãnh đạo chính phủ, sau khi bà Hilda Heine làm Tổng thống quốc đảo Marshall năm 2016.
Biện pháp tránh thai miễn phí cho phụ nữ dưới 25 tuổi
Tháng 9/2021, Pháp trở thành quốc gia mới nhất trong Liên minh châu Âu (EU) cung cấp biện pháp tránh thai miễn phí. Phụ nữ dưới 25 tuổi ở nước này sẽ được tiếp cận các biện pháp kế hoạch hóa gia đình bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Chính phủ Pháp đã phân bổ 25 triệu USD chi trả cho một số biện pháp tránh thai, bao gồm vòng tránh thai, thuốc viên và que cấy tránh thai, cũng như các xét nghiệm hoặc các thủ tục y tế khác…
Quyết định nói trên của chính phủ Pháp đã được nhiều phòng khám kế hoạch hóa gia đình và phụ nữ ở Pháp ủng hộ. Một số người hy vọng Chính phủ sẽ mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Theo giới quan sát, động thái của Pháp đang đi ngược lại với những gì gây ra nhiều tranh luận ở một số quốc gia khác về vấn đề quyền sinh sản của phụ nữ.
Tại Mỹ, lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc phá thai ở bang Texas. Điều này làm cho bang Texas trở thành một trong những nơi khắc nghiệt nhất đối với phụ nữ trong việc lựa chọn sinh con. Chính phủ Ba Lan cũng đã thực hiện lệnh cấm đối với hầu hết các trường hợp phá thai, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình sau đó.
Đại hội thể thao bình đẳng giới nhất
Olympic Tokyo 2020 được đánh giá là kỳ Thế vận hội bình đẳng giới nhất trong lịch sử khi nữ giới chiếm đến 49% trong tổng số 11.090 vận động viên tham dự thế vận hội, nhiều hơn so với hai kỳ trước đó: Olympic Rio 2016 là 45,6% và Olympic London 2012 là 44,2%. Bên cạnh đó, các nhà tổ chức Olympic Tokyo đã cho phép các bà mẹ đang nuôi con sơ sinh được phép đưa con đến Nhật Bản.
Tổ chức Thể thao Phụ nữ đã công bố một chương trình cam kết hỗ trợ 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng) chi phí chăm sóc con cái cho các cựu nữ vận động viên chuyên nghiệp. Trong đó, có 6 nữ vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 được nhận 10.000 USD/người.
Hỗ trợ 40 triệu nữ sinh đến trường trong vòng 5 năm
Tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 5/2021, các nước thuộc Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã cam kết đầu tư 15 tỷ USD giúp phụ nữ ở các nước đang phát triển. Các chính phủ G7 cũng không ngừng thúc đẩy việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tăng cường phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Khối này cũng đồng ý về việc đặt mục tiêu: Trong vòng 5 năm sẽ giúp hơn 40 triệu trẻ em gái ở các nước có thu nhập thấp và trung bình được đi học; đảm bảo thêm 20 triệu trẻ em gái biết đọc trước 10 tuổi.
New Zealand cho phép phụ nữ sẩy thai nghỉ có lương
Các nhà lập pháp New Zealand đã thông qua đề xuất của nghị sĩ Công đảng Ginny Andersen ngày 24/3. Theo đó, lao động nữ trong nước sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép 3 ngày sau khi bị sẩy thai. Động thái này diễn ra hơn một năm sau khi New Zealand phi hình sự hóa việc phá thai.
New Zealand là quốc gia độc lập đầu tiên cho phép phụ nữ bỏ phiếu vào năm 1893. Những năm gần đây, nước này thông qua một số luật được các nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ ca ngợi, trong đó có các luật nhằm giảm tác động của đói nghèo. Công đảng của Thủ tướng Jacinda Ardern chiếm đa số trong Quốc hội New Zealand và bản thân bà Ardern từ lâu đã coi tiến bộ về quyền phụ nữ là một trong những mục tiêu chính sách hàng đầu của chính phủ.