pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc, giáo dục trẻ em vùng dân tộc
Các đại biểu thăm khu vực trưng bày các kết quả hoạt động thực hiện của dự án 5 năm qua
Ngày 20/12, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tổng kết Dự án "Vì một thế giới đảm bảo quyền Trẻ em và bình đẳng cho Trẻ em gái" giai đoạn 2017 – 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối giữa 03 điểm cầu (Hà Nội, thành phố Lai Châu và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Dự án như một chương trình thí điểm được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn thực hiện tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) và huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) từ 2017 – 2021. Dự án tập trung vào việc thúc đẩy hệ thống chăm sóc, giáo dục an toàn và thân thiện với trẻ em thông qua hai hợp phần: (1) Chăm sóc, giáo dục trẻ thơ và (2) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai đối với trẻ em, được thực hiện tại tỉnh Lai Châu và Kon Tum.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương điều hành hội thảo theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Minh Trang
Đồng hành cùng với Hội LHPN Việt Nam triển khai Dự án, gồm: Tổ chức Plan International Việt Nam, Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live &Learn) ; UBND huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu; UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT; sở GD&ĐT và Hội LHPN tỉnh Lai Châu, Kon Tum.
Trải qua 5 năm thực hiện, Dự án đã đạt các mục tiêu đặt ra và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng hưởng lợi như: trẻ em, giáo viên, cha mẹ, tình nguyện viên, Hội viên phụ nữ, chính quyền địa phương...
Cụ thể, việc nhân rộng mô hình, sáng kiến dựa vào cộng đồng và thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em đã góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác trẻ em tại địa phương, như: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các xã dự án (từ 25,68% năm 2017 xuống 14,37% năm 2021); Tỷ lệ trẻ lớp 2 tại xã dự án đạt chuẩn môn Tiếng Việt là 94,30%, môn Toán đạt 96,35%; các chuyên đề Giáo dục mầm non đảm bảo bình đẳng giới được áp dụng vào giảng dạy tại địa bàn dự án; 100% các chỉ tiêu hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai đều đạt kết quả theo yêu cầu của Dự án.
Các hoạt động của dự án đã có tác động tích cực đến nhận thức và chuyển đổi hành vi của cha mẹ, giáo viên, chính quyền địa phương. Hội LHPN các cấp đã triển khai hoạt động giáo dục làm cha mẹ và thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc, giáo dục trẻ em gắn với thực hiện công tác gia đình của Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022 và nhân rộng Nhóm cha mẹ gắn với sinh hoạt chi hội và thực hiện Đề án 938.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn nhiều trẻ dưới 3 tuổi chưa được ra lớp; Trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế cơ hội tiếp cận với các dịch vụ có chất lượng về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí…
Bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp tiếp tục triển khai duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình, sáng kiến hỗ trợ cha mẹ chăm sóc phát triển trẻ em gắn với thực hiện công tác gia đình của Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022 - 2027 và thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về công tác gia đình.
Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cũng đề nghị các ngành, các cấp tiếp tục lan tỏa, nhân rộng các mô hình hiệu quả từ dự án gắn với nhiệm vụ của ngành và thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế Xã hội của địa phương; phối hợp chia sẻ, vận động, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ toàn diện chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới.