Những điều cha mẹ cần ghi nhớ để dạy con ở bậc tiểu học

Hiểu Đan
15/05/2023 - 15:26
Những điều cha mẹ cần ghi nhớ để dạy con ở bậc tiểu học
"Giáo dục không gì khác hơn là nuôi dưỡng những thói quen tốt". Học sinh lớp 1, 2 giống như một tờ giấy trắng chưa từng được viết nên rất dễ uốn nắn.

Bậc tiểu học là giai đoạn vô cùng quan trọng cho quá trình phát triển tư duy, nhận thức và ổn định nhân cách của trẻ. Trong đó, lớp 1 và lớp 2 được xem là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ, mang ý nghĩa quyết định và là sự khởi đầu cho cả quá trình học tập lâu dài. Nếu cha mẹ lơ là, không tận dụng giai đoạn này để trau dồi thói quen học tập của trẻ có thể ảnh hưởng cả bậc tiểu học và những năm tháng sau này.

Vậy những thói quen nào nên phát triển cho trẻ? Trong giai đoạn này, cha mẹ cần lưu ý điều gì? Dưới đây là một số lời khuyên từ những giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục:

3 chữ cần ghi nhớ

- Chờ đợi

Rất nhiều cha mẹ luôn hy vọng con cái có thể trong nháy mắt trở nên hiểu chuyện, cải thiện điểm số... mà không biết rằng trẻ cũng cần từ từ lớn lên. Một trong những kỹ năng quan trọng cần rèn luyện khi làm cha mẹ đó là học cách kiên nhẫn.

Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng trẻ em không thể phát triển tất cả các loại thói quen tốt cùng một lúc và làm tốt mọi thứ cùng một lúc.

Giáo viên chủ nhiệm nói: Có quy tắc 3 - 3 cực quan trọng ở trường tiểu học, phụ huynh cần lưu ý - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

- Hỏi

Một phụ huynh kể: Mỗi buổi chiều, khi lũ trẻ nhà tôi đi học về, tôi đều hỏi chúng một câu giống nhau: "Hôm nay con đã đối xử tốt với ai nào?". Đôi khi, các con sẽ suy nghĩ rất lâu và cẩn thận, cuối cùng trả lời rằng chúng đối xử tốt với cô giáo, bởi không ai bị nhắc nhở vì tội nói chuyện riêng trong giờ học. Những lần khác, chúng thi nhau kể về hành động tử tế đã làm trong ngày

Sau khi trẻ đi học về, hãy trò chuyện với trẻ nhiều hơn: Hỏi con xem hôm nay ở trường có điều gì thú vị hay không, con học hành vui vẻ hay có gì khúc mắc. Kể về những chuyện vui giúp trẻ trở nên hạnh phúc, phấn khởi. Còn khi trẻ gặp điều không suôn sẻ trong ngày hôm đó, trẻ sẽ học được cách lạc quan đối mặt và dũng cảm tiến về phía trước.

Cảm xúc của trẻ rất quan trọng, kiểu giao tiếp chân thành này có thể để cha mẹ dễ dàng hiểu con, kịp thời nắm bắt những sự việc phát sinh. Nếu thực sự bận rộn với công việc, bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái vào những ngày cuối tuần, thay vì lúc nào cũng cầm điện thoại di động và thờ ơ với con cái.

- Khuyến khích

Cha mẹ phải khuyến khích con cái nhiều hơn, điều này có thể tạo ra động lực tốt cho bản thân của trẻ. Đừng luôn so sánh con mình với con người khác, sẽ làm tổn hại đến sự tự tin của trẻ.

Ba điều nên làm tốt

Trong nhiều trường hợp, cha mẹ thường chú ý đến kết quả học tập của con cái hơn là sự phát triển nhân cách. Học lực là quan trọng, nhưng ở trường tiểu học, có ba điều quan trọng hơn học lực.

- Điều quan trọng đầu tiên: Sự quan tâm

Hứng thú là “người thầy đầu tiên”, chỉ khi có hứng thú thì trẻ mới có động lực học tập. Vì vậy, mối quan tâm của cha mẹ không nên chỉ bao gồm thành tích học tập mà còn bao gồm cả những sở thích khác ngoài việc học.

Tiểu học là giai đoạn trẻ nhận biết và luôn tò mò về thế giới, cha mẹ nên nắm bắt để giúp trẻ tìm ra điểm yêu thích và phát triển năng khiếu. Hãy khuyến khích trẻ tiếp xúc nhiều hơn, kiên trì hơn trong việc theo đuổi đam mê.

- Điều quan trọng thứ hai: Thói quen tốt

Giai đoạn này, có ba thói quen cần rèn luyện ở trẻ: thói quen sắp xếp thời gian hợp lý, thói quen chăm chú nghe giảng trên lớp và thói quen độc lập đọc và suy nghĩ.

Muốn vậy, cha mẹ phải hy sinh một phần thời gian nghỉ ngơi để đồng hành cùng con.

Cha mẹ có thể cùng con làm bài tập, cùng con đọc sách, tập cách tra cứu thông tin, đặt câu hỏi để con suy nghĩ.

- Điều quan trọng thứ ba: Không khí gia đình

Môi trường gia đình rất quan trọng trong sự phát triển nhân cách. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có bầu không khí hài hoà, mối quan hệ giữa cha mẹ êm ấm thường có tính cách vui vẻ và lạc quan hơn, thành tích học tập tốt hơn.

Điều quan trọng nữa là cần mở rộng tầm nhìn của con bằng cách sắp xếp thời gian cho con đi ra ngoài, đến những địa điểm du lịch, bảo tàng, công viên…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm