pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dạy con nói "không" khi ai đó muốn chạm vào vùng riêng tư của trẻ
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh có xu hướng giáo dục sớm cho trẻ, các bé bước vào độ tuổi 2-4 đã có thể hoàn toàn học các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống. Một trong số đó chính là cách bảo vệ bản thân trước nguy hiểm rình rập từ bên ngoài như người xấu, bắt cóc, lạc đường... Việc tiếp xúc sớm với các kiến thức như thế này được cho rằng hoàn toàn cần thiết và có ích, giúp trẻ bảo vệ bản thân nếu rơi vào các tình huống nguy hiểm.
Chúng ta cần có 1 thái độ rõ ràng khi nói đến vùng riêng tư của 1 đứa trẻ và tôn trọng là nó là bất khả xâm phạm bởi bất kì ai, trừ những trường hợp đặc biệt như bác sĩ cần khám sức khỏe của trẻ. Do đó, các trò đùa nghịch như "cho cô xem tí nào, gì mà bé xíu" hay 1 dạng đụng chạm vào các vùng như mông, ngực và bộ phận sinh dục dù cố ý hay vô ý là không được phép. Là cha mẹ, chúng ta cần khẳng định quan điểm này và bảo vệ trẻ.
Theo bác sĩ Anh Nguyễn, Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard, trẻ từ 2 tuổi có thể nhận biết các vùng riêng tư này. Bạn nên đọc sách và dùng hình ảnh để dạy trẻ về chúng. Bạn cũng nên cho trẻ biết ai có thể chạm và khi nào. Ví dụ, bé gái phần ngực, vùng kín, bẹn là những phần riêng tư. Khi con bị bệnh, bác sĩ và các cô y tá có thể thăm khám cho con. Đó là cách giáo dục trẻ hiểu về sự riêng tư. Việc dạy này đơn giản dạy trẻ về ngôn ngữ, cách nói lên những phần "riêng tư" đó, để khi trẻ bị lạm dụng vào những phần đó, trẻ biết kể chính xác về vị trí đó.
Dạy trẻ 3 bước an toàn khi trẻ từ 2,5 tuổi là cần thiết để giảm các vấn đề xâm hại
Bước 1: Sau khi đã giáo dục trẻ về phần riêng tư của cơ thể. Hãy dạy trẻ biết nói lớn như "không, con không thích bác chạm vào", "phần này của riêng con mà" khi ai đó (dù người lạ/quen) cố ý chạm vào những chỗ đó. Hãy dạy trẻ cách phản ứng "không", nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn. Về luật bảo vệ quyền trẻ con, việc đùa giỡn trên các phần riêng tư của trẻ là không được cho phép.
Việc nói lớn "không" cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé ở bước 2.
Bước 2: Sau khi bé nói lớn "không" ở trên. Bạn dạy bé cách bỏ chạy về phía 1 người lớn khác.
Bước 3: Dạy trẻ kể chính xác ai đó chạm vào vị trí nào. Việc dạy cách nói chính xác vùng riêng tư của trẻ sẽ giúp trẻ kể chính xác vấn đề.
Không tỏ thái độ thái quá, bực tức, hãy luôn giữ bình tĩnh, lắng nghe hết câu chuyện. Bạn chỉ nên khuyên bé là: "Con của mẹ, con làm đúng, thân thể là của con, những phần riêng tư của con không ai được chạm vào, lần sau con hãy làm như vậy nếu có ai đó chạm vào nhé!".
3 bước trên rất cần thiết cho các bé nhỏ, đặc biệt dưới 7 tuổi vì lúc này việc dạy bé ý thức về những phần riêng tư của bé là rất thuận lợi. Hơn nữa, trẻ hiểu về riêng tư và không chạm sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn cách xử lý khi trẻ lớn hơn.
4 vùng riêng tư người lạ không được phép chạm vào
Đó là 4 bộ phận trên cơ thể: Miệng, Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông. Trong đó có "3 Vùng Kín" (hay còn gọi là vùng đồ bơi, vùng đồ lót) là Ngực, Phần giữa 2 đùi và Mông. Mẹ cần dạy bé tuyệt đối không để ai được phép chạm vào những vùng nhạy cảm này.
Mẹ có thể giải thích với con đó là những bộ phận riêng tư và bí mật không phải ai cũng có quyền xem. Giải thích với con rằng ba mẹ có thể thấy con ở trần, còn những người khác thì không. Nếu trẻ còn nhỏ, cần mẹ hỗ trợ tắm mỗi ngày, nhân dịp chỉ có hai mẹ con, mẹ có thể thủ thỉ: ''Mẹ có thể chạm vào vùng kín của con. Ngoài mẹ ra không ai được phép sờ. Bất cứ ai sờ vào vùng kín của con như vậy đều là người xấu''. Khi con thấy người lạ có ý định chạm vào, con phải hét lên hoặc đẩy người xấu ra.
Quy tắc 5 ngón tay
Một trong những quy tắc an toàn cơ bản nhất, dễ nhớ nhất để bảo vệ trẻ là QUY TẮC 5 NGÓN TAY. Quy tắc này sẽ giúp trẻ xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, từ đó đưa ra định hướng giao tiếp phù hợp, tránh bị lạm dụng, mua chuộc. Mẹ hãy cố gắng dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để dạy con điều này.
- Ngón cái - gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột: Những người này có thể ôm hôn, tắm, ngủ chung hay làm vệ sinh giúp bé khi còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín mà không cần sự trợ giúp nữa.
- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình: Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa. Nhưng chỉ dừng lại ở đó! Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ bơi”, bé sẽ hét to và gọi mẹ.
- Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ: bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi. Ngoài ra, không được phép cho họ chạm vào mình.
- Ngón áp út – người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu: bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
- Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to hoặc phản kháng quyết liệt để thông báo với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, khi bé đi khám bệnh, bác sĩ có thể khám cho bé nhưng chỉ khi có sự đồng ý của mẹ và bé. Còn khi bé đi chơi mà không có mẹ bên cạnh thì bé không đồng ý cho ai đụng vào người mình. Và tuyệt đối không nhận quà từ người lạ, không đồng ý cho người lạ chụp hình nếu chưa xin phép mẹ. Những kỹ năng này sẽ giúp cho bé có sự hiểu biết nhất định về việc cần phải bảo vệ bản thân khỏi những nguy hiểm ngoài xã hội.
Nếu con nghe lời và hoàn thành những điều bố mẹ dạy thì đừng tiếc lời khen cho con. Nếu bé chưa làm đúng thì cũng không nên trách phạt hay nặng lời mà nhẹ nhàng khuyên bảo, mong con rút kinh nghiệm cho lần sau. Như thế, bé sẽ biết ơn và học được kĩ năng mới nhanh chóng hơn.