pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều thú vị khi mua nhà tại Canada
Tâm lý an cư, lạc nghiệp
Canada là đất nước rộng lớn, đa dạng về văn hóa, giáo dục cơ bản được miễn phí, y tế tốt và có chính sách nhập cư khá cởi mở. Chính bởi vậy, cộng đồng người gốc Việt định cư tại Canada khá lớn. Theo tham khảo từ một số nguồn thì ước tính hiện có khoảng hơn 250 nghìn người Việt, gốc Việt sinh sống tại Canada.
Cộng đồng người Việt tại Canada liên tục tăng với việc người Việt Nam sang định cư hoặc đi du học, làm việc tại nước này. Người Việt tại Canada gắn bó, với nhiều các hoạt động cộng đồng.
Chị Huyền Trang – một người đã sang định cư tại Canada - cho biết: "Người Việt Nam sống tại nhiều thành phố tại Canada như Montreal, Toronto, Ottawa, Oakville, Vancouver. Tâm lý an cư lạc nghiệp, có nhà riêng để ổn định cuộc sống lâu dài là tâm lý chung của người châu Á. Người Việt Nam và Trung Quốc là chăm mua nhà ở Canada nhất.
Với cộng đồng người Việt thì như tôi thấy, phụ nữ - người vợ trong nhà - thường là người quan tâm sâu sát nhất đến những biến chuyển của thị trường nhà đất, của lãi suất ngân hàng, và cũng thường là người quyết định việc mua nhà. Sinh viên du học, định cư ngắn thì thuê nhà, còn với 1 gia đình, mua được nhà vẫn là ổn nhất. Nhiều người mẹ Việt phải nói là "siêu nhân" trong việc mua nhà, quyết tâm rất cao và quyết đoán trong việc này".
Theo một số người Việt sống tại Canada, mức giá trung bình nhà đất tại Toronto và Vancouver là 1 triệu CAD, tương đương khoảng gần 18 tỉ đồng (CAD là đơn vị tiền tệ của Canada, thường được gọi là đô la Canada; tỉ giá hiện tại, 1 CAD tương đương 17.800 VND).
Gia đình chị Nguyễn Thái Thanh gồm 5 người, vợ chồng và 3 con nhỏ. Sang định cư tại Canada mới khoảng hơn 5 năm nhưng bà mẹ 3 con này đã có tới 3 lần mua nhà. Hành trình mua nhà được chị gọi là "hành trình từ nợ 170 nghìn CAD lên khoản nợ hơn 1tr CAD".
Đặt câu hỏi với chị rằng "ôm khoản nợ 1 triệu CAD này có mệt không?", chị Thanh trả lời rất dứt khoát: "Sợ gì, với lại mình có thu nhập từ nhà cho thuê để trả nợ ngân hàng".
Với chị Thanh, quyết định mua nhà từ trước dịch Covid-19 (năm 2019) là quyết định đúng đắn, bởi khi đó lãi suất ngân hàng cho vay mua nhà thấp và nhà đất chưa "sốt" tại Canada. Từ sau dịch đến hiện tại, nhà đất ở Canada sốt nóng, giá tăng lên và lãi suất ngân hàng đã tăng nhiều. Hành trình mua nhà mà chị Thái Thanh chia sẻ dưới đây cho thấy nhiều điểm thú vị, qua đó cho thấy sự khác biệt trong giao dịch bất động sản tại Canada.
Chị Thanh kể: "Căn nhà đầu tiên tôi mua là căn hộ gồm 2 phòng ngủ nằm ở Vancouver. Nhà sát công viên, cách trường học của các con và chỗ làm của tôi 10 phút đi bộ. Căn này tôi mua giá 810 nghìn CAD. Thời điểm đó, chúng tôi có 20% còn lại 80% ngân hàng cho vay. Thuế sang tên là 15 nghìn CAD. Gia đình tôi ở đó từ tháng 7/2019 đến tháng tháng 11/2020, bán giá 890 nghìn CAD, tiền phí cho người môi giới là 28 nghìn CAD.
Căn nhà thứ 2 tôi mua vào tháng 2/2021, có 3 phòng ngủ. Nhà nằm ở Burnaby (ngay sát Vancouver), gần trung tâm mua sắm lớn, giá 930 nghìn CAD, thuế sang tên là 20 nghìn CAD nữa. Nhà mới cách nhà cũ 20 phút lái xe nên con tôi vẫn học ở trường học cũ được, tôi làm ở chỗ làm cũ. Chúng tôi ở từ 2/2021 đến 7/2022 và bán với giá 1 triệu 123 nghìn CAD.
Căn nhà thứ 3 chúng tôi mua vào tháng 9/2022, với giá 1 triệu 600 nghìn CAD, tương đương khoảng 28 tỉ đồng tiền Việt. Nhà đất, có 4 phòng ngủ, 2 phòng tắm và 1 nhà phụ phía sau với 1 phòng ngủ để cho thuê. Để mua căn nhà này, tôi đã vay 1 triệu CAD, thời hạn vay là 25 năm. Mức giá 1,6 triệu CAD cho căn nhà như thế này theo tôi là gần như rẻ nhất Vancouver, bởi giờ những căn nhà như thế này giá rất cao.
Căn nhà này thì nhà chính được xây dựng từ năm 1962, đã cách đây 60 năm rồi nên về ở thì chúng tôi có sửa lại. Người thân, bạn bè ở Việt Nam nghe thấy nói nhà xây 60 năm thì luôn ngạc nhiên. Tại Canada, nhà xây chủ yếu bằng gỗ, nhưng hàng trăm năm vẫn cứ tốt, không cần sửa chữa lớn. Căn nhà phụ được xây năm 2019, hiện cho thuê và mang lại nguồn thu ổn định.
Người bán nhà phải trả phí môi giới cho cả bên mua lẫn bên bán
Sau 3 lần mua nhà thì, chị Thanh đã rất rõ quy trình mua nhà ở Canada, với khá nhiều điểm thú vị, trong đó có cả việc được "mặc cả thoải mái".
Với người mua, việc đầu tiên là tìm môi giới (realtor). Đây là người đại diện cho mình. Người môi giới này sẽ liên hệ với môi giới của bên bán và giúp soạn hợp đồng trả giá. Bên này mua bán nhà đều qua môi giới chứ không mua bán trực tiếp. Người bán và người mua không biết nhau, mọi thứ thông qua người môi giới. Khi bán được nhà, người bán phải trả phí cho cả môi giới của mình và của người mua. Luật sư chỉ tham gia vào trong khâu cuối cùng để làm các thủ tục pháp lý liên quan đến thanh toán tiền và làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Để mua bán nhà, người mua sẽ trải qua quy trình trả giá và chốt mua bán. Người mua thích cái nhà nào thì sẽ soạn hợp đồng mua bán, ký tên và gửi sang cho môi giới của người bán. Người bán đồng ý thì ký tên vào đó, coi như hợp đồng có giá trị pháp lý luôn. Nếu không đồng ý thì trả giá lại bằng cách chỉnh sửa những gì không đồng ý rồi ký nháy vào đó và gửi trả lại cho người mua. Cứ thế trả giá qua lại, ký nháy vô cùng nhiều lần trên cái hợp đồng đó. Mỗi lần gửi hợp đồng đi thì thường có thời gian là 12 tiếng để suy nghĩ và phản hồi, hết thời gian đó mà không thấy trả lời gì tức là giao dịch không thành công.
Ở bên nhà mình trước đây, khi đi chợ, đi mua sắm, các bà các mẹ vẫn hay trả giá, mặc cả, giờ đây việc mặc cả như xưa ít đi nhiều rồi vì có giá chung. Qua bên này, mua bán nhà cửa vẫn cứ được trả giá qua lại, nói vui như ở nhà là "cứ mặc cả thoải mái".
Trong hợp đồng mà người mua gửi sang cho người bán có thể kèm các điều kiện, chẳng hạn như "tôi sẽ mua cái nhà này với giá này, với điều kiện là ngân hàng cho tôi vay tiền", "với điều kiện là tôi được kiểm tra nhà xem có ổn không", "tôi sẽ mua với điều kiện là tôi bán được cái nhà đang ở"… và phải đưa ra các mốc thời gian cụ thể của các điều kiện này để cho người bán biết. Trong lúc thị trường nóng sốt thì người mua đôi khi bỏ hết các điều kiện, chỉ đưa ra giá thôi, người bán đồng ý là hợp đồng có hiệu lực, giao dịch thành công luôn, không phải chờ đợi.
24h sau khi hợp đồng có hiệu lực là người mua phải đặt cọc, thường là 5% giá trị căn nhà. Nếu không đặt cọc và không xin gia hạn thì hợp đồng bị "bể" và có nguy cơ bị kiện. Nếu người mua đã đặt cọc rồi mà vì lý do nào đó không mua được nhà nữa thì mất luôn tiền cọc và có nguy cơ bị kiện. Việc kiện tụng tại Canada là rất rắc rối, tốn tiền và tốn rất nhiều thời gian nên chẳng ai muốn điều này xảy ra.
Trên hợp đồng mua bán nhà sẽ nói rõ ngày nào là ngày thanh toán hết tiền nhà và ngày nào nhận nhà. Tất cả đều được thỏa thuận trong hợp đồng, muốn thay đổi gì thì phải có sự đồng ý của đôi bên bán mua, làm phụ lục rất rõ và 2 bên cùng ký vào.
Chuyển sang Canada định cư là đến một đất nước xa xôi và rộng lớn, nhưng thân thiện và rộng mở cơ hội. Có lẽ chính bởi vậy, những người phụ nữ Việt đã luôn có sự quyết đoán hơn, táo bạo hơn trong việc mua một căn nhà, để từ đó ổn định cuộc sống, xây dựng tổ ấm bên những người thân yêu.