Những đứa trẻ "bị bỏ lại" ở Trung Quốc

23/02/2018 - 07:25
Dù di cư cùng cha mẹ hay ở lại quê nhà, những đứa trẻ ở các vùng thôn quê có cha mẹ đi làm ở các thành phố lớn - hay còn gọi là những đứa trẻ "bị bỏ lại" - đều phải đối mặt với nhiều bất lợi, trong đó đặc biệt nhất là quyền học tập.

Chen Yuyang (5 tuổi, quê Hà Nam, có cha mẹ kinh doanh tại Bắc Kinh) tự nhận bản thân em may mắn hơn các bạn cùng hoàn cảnh khi em được học tập tại trường Tiểu Học Louzizhuang - một trường công lập chấp nhận trẻ ngoại tỉnh ở phía đông bắc Thủ đô Bắc Kinh.

“Cháu may mắn vì cháu được trường trả tiền ăn. Cha mẹ cháu không phải lo lắng về học phí và các chi phí khác. Cháu cũng được tiêm phòng tại phòng khám của trường và được hưởng những đặc quyền khác như đi tham quan”, Chen chia sẻ.

Cậu bé Wang Fuman đã được nhiều nhà hảo tâm yêu cầu giúp đỡ sau khi hình ảnh này của em được lan truyền.

Cậu bé Wang Fuman với mái tóc đóng băng sau 1 giờ đi bộ dưới trời mưa tuyết để đến trường đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù sau đó Wang đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tuy nhiên cha em, anh Wang Gangkui không hề cảm thấy lạc quan về tương lai của gia đình. Chia sẻ với trang China Daily, anh cho biết: “Sẽ chẳng có gì thay đổi cả, chúng tôi vẫn nghèo và vợ tôi vẫn không liên lạc với tôi và các con. Mọi người sẽ sớm quên chúng tôi mà thôi”.

Theo ước tính, hiện Trung Quốc có hơn 60 triệu trẻ em “bị bỏ lại” ở nông thôn khi cha mẹ chúng lên các thành phố lớn làm ăn, khoảng 36 triệu trẻ em dưới 18 tuổi di cư cùng cha mẹ lên thành phố. Tuy nhiên, hầu hết những đứa trẻ này đều sớm cảm nhận được chúng không được coi là một phần của các thành phố lớn khi chúng phải đối phó với sự coi thường của người thành phố và những khó khăn trong học tập, sinh hoạt.

Không có hộ khẩu Bắc Kinh hay bất kỳ giấy tờ cần thiết để được nhập học vào các trường học thành phố, vì vậy cứ 5 trẻ di cư thì 4 trẻ buộc phải học tại các trường tư thục mà không được hưởng bất kỳ đặc quyền nào.


Nhiều lao động nhập cư không có đủ giấy tờ cần thiết để cho con theo học tại các trường học trên thành phố vì vậy họ đành phải để con học tại các trường dành cho học sinh di cư.

Một nghiên cứu toàn diện năm 2013 tại hơn 300 trường công lập, trường dành cho trẻ di cư ở Bắc Kinh và các trường học ở vùng nông thôn tỉnh Thiểm Tây cho thấy, trung bình, số lượng giáo viên giỏi tại trường học ở nông thôn gấp 2 lần tại các trường học dành cho trẻ di cư ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó, mặc dù tồn tại ở một nơi giàu có hơn nhiều nhưng trường học cho trẻ di cư ở Bắc Kinh lại nghèo nàn về vật chất, chẳng hạn như máy tính và phòng khám, hơn cả các trường ở nông thôn.

Trước phân tích trên, chính quyền trung ương đã nhận thức sâu sắc về những rủi ro mà những đứa trẻ di cư – thế hệ sẽ tạo ra sự thịnh vượng và ổn định xã hội của Trung Quốc trong tương lai – phải gánh chịu.

Vì vậy, năm 2016, một kế hoạch với mục tiêu giúp 100 triệu người Trung Quốc ở nông thôn được sinh sống tại thành phố vào năm 2020 ra đời. Để đạt được con số này, một số giải pháp đã được đưa ra, chẳng hạn như cho phép nhiều trẻ di cư học dự bị hoặc thi vào các trường Đại học Quốc gia ở các thành phố mà các em cư trú.

Quảng Đông là một trong số ít các tỉnh đã nới lỏng các hạn chế về đăng ký học ở trường công cho trẻ di cư cùng cha mẹ. Ngoài ra, nhiều trường đại học hàng đầu Trung Quốc tại Bắc Kinh và Thượng Hải cũng dành nhiều suất học cho sinh viên ngoại tỉnh.

Tuy nhiên, việc tạo điều kiện cho trẻ di cư cùng cha mẹ lên các thành phố lớn vẫn là thách thức khi chính quyền Bắc Kinh tăng cường giảm số người di cư trong thành phố sau vụ cháy dữ dội ở quận Đại Hưng vào tháng 11 năm ngoái. Việc này khiến nhiều lao động suy nghĩ đến việc trở về quê nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm