Những đứa trẻ sống sót sau sóng thần ở Indonesia nguy kịch vì sốt cao, mất nước
26/12/2018 - 11:06
Nhiều trẻ em may mắn sống sót sau cơn sóng thần kinh hoàng ngày 22/12 vừa qua tại Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng sốt cao, mất nước do các nguồn cung thuốc và nước ngọt tại đây đang dần cạn kiệt.
Rizal Alimin, một bác sĩ làm việc cho Tổ chức phi chính phủ Aksi Cepat Tanggap, chia sẻ với tờ The Telegraph: “Rất nhiều trẻ em bị bệnh sốt, đau đầu và chúng tôi không có đủ nước"."Chúng tôi còn rất ít thuốc và không có đủ nước sạch. Bọn trẻ cần thức ăn và mọi người đang phải ngủ trên sàn nhà”, bác sĩ Rizal nóiHàng trăm thi thể đã bị bỏ lại thối rữa trên đường phố. Những con đường cũng bị sóng thần làm hư hỏng nặng, thêm vào đó, những cơn mưa xối xả khiến xe cứu thương vô cùng khó khăn trong việc đưa các thi thể đi khỏi nơi bị mắc kẹt.Ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia, cho biết đường và cầu dẫn đến một số ngôi làng đã bị cắt đứt, hư hỏng nặng khiến việc tiếp tế trở nên vô cùng khó khăn. Quân đội, nhân viên chính phủ và tình nguyện viên đang tiến hành tìm kiếm các thi thể dọc theo các bãi biển và đựng thi thể bằng túi màu vàng, cam và đen, để những gia đình có người thân bị mất tích đến xác định danh tính.Harmensyah, một trong những người tham gia cứu trợ thảm họa, chia sẻ: “Tôi hiểu sẽ khó khăn như thế nào nếu những người tị nạn không nhận được thức ăn nhưng điều quan trọng nhất với chúng tôi bây giờ là cứu sống càng nhiều người càng tốt và sơ tán các thi thể trước khi chúng bắt đầu phân hủy”.Tại một số nơi, những giáo dân đã tụ tập và cầu nguyện cho những người đã tử vong trong ngày Giáng sinh. Ngày 25/12, mục sư Markus Taekz cho biết, Giáo hội của ông tại khu vực năm nay không ăn mừng Noel với những bài hát vui vẻ. Thay vào đó, chỉ có khoảng 100 người xuất hiện trong đêm Giáng sinh, thông thường con số này là gấp đôi. Anh Riefian Fajarsyah, trưởng nhóm nhạc Seventeen, đã phải chứng kiến 3 thành viên cùng nhóm mình thiệt mạng khi cơn sóng thần ập đến khi họ đang biểu diễn trên bãi biển Tanjung Lesung vào ngày 22/12. Đau đớn hơn, chính vợ của anh là cô Dylan Sahara cũng đã tử vong trước sinh nhật thứ 26 của mình trong chính đêm nhạc đó khi cô đến xem anh biểu diễn.Ngày 25/12, anh Riefian đã đăng tải video anh đang chạm vào quan tài của cô cùng những lời tình cảm đầy đau thương trên Instagram: “Cô ấy không hoàn hảo và tôi cũng vậy, nhưng cô ấy không bao giờ ngừng cố gắng trở thành người vợ tốt nhất. Tôi không thể yêu cầu nhiều hơn”. Được biết, Sahara là con gái của một chính trị gia nổi tiếng người Indonesia, đồng thời là một nữ diễn viên và nhân vật truyền hình.Câu chuyện bi thảm của anh Udin Ahok (46 tuổi) giữa lựa chọn cứu vợ hay cứu mẹ già và con xảy ra tại ngôi làng Way Muli, trên bờ biển Sumatra, cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Khi cả gia đình vừa đi ngủ, một bức tường nước đã phá tan nhà anh. Qua hoảng sợ, anh cố gắng đến gần vị trí của người mẹ 70 tuổi đang ngủ và đứa con trai 1 tuổi của mình nhưng sau đó, anh lại thấy vợ mình đang bị xoáy nước cuốn đi. Anh lao đến, đưa vợ đến nơi an toàn và họ đã sống sót sau cơn sóng thần kinh hoàng nhưng mẹ và con của anh đã tử vong. Thi thể của họ được tìm thấy dưới đống đổ nát. “Tôi không có thời gian để cứu mẹ và con trai mình”, anh Ahok vừa khóc vừa kể với AFP tại nơi sơ tán, “Tôi rất tiếc. Tôi chỉ có thể hy vọng họ đã được về bên Chúa”.Được biết, cơn sóng thần kinh hoàng này là kết quả của một vụ phun trào và sạt lở đất trên Anak Krakatau hay còn gọi là “Đứa con của Krakatoa” - một hòn đảo núi lửa hình thành vào đầu thế kỷ 20 gần nơi xảy ra vụ phun trào Krakatoa năm 1883 giết chết hơn 30.000 người và màn tro bụi đã biến ngày thành đêm , đồng thời làm giảm nhiệt độ toàn cầu.Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ thay thế hoặc sửa chữa tất cả các thiết bị phát hiện sóng thần. Phát ngôn viên của Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia, ông Nugroho thừa nhận trên Twitter rằng mạng lưới phao phát hiện sóng thần của quốc gia này đã không hoạt động kể từ năm 2012 vì bị tàn phá và thiếu hụt ngân sách.Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý của Indonesia, Dwikorita Karnawati, lại cho rằng sóng thần có khả năng bị gây ra bởi hoạt động của núi lửa Anak Krakatau và do đó không thể được cảm nhận bằng các cảm biến mà cơ quan này chịu trách nhiệm theo dõi.Trước đó, hàng ngàn người được cho là đã bị giết bởi một trận động đất và sóng thần tấn công đảo Sulawesi vào tháng 9 và một trận động đất trước đó trên đảo Lombok cũng đã cướp đi sinh mạng của 505 người vào tháng 8.