Những đứa trẻ thất thế khi học trực tuyến

Kim Ngọc
31/03/2022 - 17:46
Những đứa trẻ thất thế khi học trực tuyến

Một học sinh ở Hồng Kông (Trung Quốc) tham gia lớp học trực tuyến trong đại dịch

Những trẻ em cần giáo dục đặc biệt không chỉ ngày càng khó bắt kịp bạn bè, mà nhiều em còn đang thụt lùi và mất đi những kỹ năng khó đã học được khi phải học trực tuyến trong thời gian dài.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019, nhiều trường học trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines đến Malaysia và Ấn Độ, đều đóng cửa tùy theo mức độ, chuyển sang mô hình học trực tuyến. Sự chuyển đổi này khiến các bậc phụ huynh lo lắng và tìm nhiều biện pháp đảm bảo một nền giáo dục liên tục cho con cái.

Tuy nhiên, ảnh hưởng nặng nề nhất là những trẻ vốn đã gặp khó khăn trong học tập, và việc học trực tuyến với các em đặc biệt thách thức hơn. Trong đại dịch Covid-19, hàng chục triệu phụ huynh khu vực châu Á-Thái Bình Dương có con em cần giáo dục đặc biệt. Theo các nhà giáo dục, mặc dù bất kỳ đứa trẻ nào cũng khó tập trung khi học ở nhà, nhưng với một đứa trẻ mắc chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) thì điều đó gần như không thể. Mối nguy hiểm không chỉ là những đứa trẻ cần giáo dục đặc biệt ngày càng khó bắt kịp bạn bè, mà nhiều em còn đang thụt lùi và mất đi những kỹ năng khó đã học được.

Tại Hồng Kông, khi trường học đóng cửa do Covid-19, số lượng trẻ em cần các dịch vụ đặc biệt tăng đáng kể. Bree Crockett, giám đốc điều hành một trung tâm cung cấp các dịch vụ tâm lý, liệu pháp nói, ngôn ngữ và vận động, cho biết: Trẻ em được giới thiệu đến trung tâm để nhận hỗ trợ tăng theo cấp số nhân. Nguyên nhân một phần là do học trực tuyến không phù hợp với những trẻ em cần mức độ giám sát cao.

Theo Cục Giáo dục Hồng Kông, trước đại dịch, khoảng 57.000 học sinh ở Hồng Kông có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Những học sinh này bao gồm các em gặp khó khăn trong học tập như mắc ADHD, rối loạn phổ tự kỷ, suy giảm khả năng nói và ngôn ngữ, khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khuyết tật thể chất, khiếm thị và bệnh tâm thần.

Trong khi đó, đầu tháng 2/2022, tại Philippines, một hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên khi một cậu bé 12 tuổi mắc chứng tự kỷ 3 lần cố gắng treo cổ tự tử. Khi đi học, cậu bé bị bạn bè cùng lớp bắt nạt, nhưng khi trường học đóng cửa và cậu chuyển sang học trực tuyến, tình hình càng tồi tệ hơn vì các thành viên trong gia đình không đồng hành cùng cậu bé.

Mona Veluz, chủ tịch quốc gia của Hiệp hội Tự kỷ Philippines, cho biết: Đại dịch đã khiến những trẻ em cần giáo dục đặc biệt đứng trên "vách đá" vì không có bạn bè, dịch vụ hỗ trợ và khả năng cải thiện. Ngay cả trước đại dịch, các dịch vụ cho người khuyết tật ở Philippines đã không đồng nhất. Trường công lập chỉ mới đưa ra chương trình giáo dục đặc biệt trong thập kỷ qua, trong khi hầu hết trường tư thục vẫn phản đối điều này.

Nạn nhân bất đắc dĩ của học trực tuyến

Tác động của việc trường học đóng cửa với trẻ em có nhu cầu đặc biệt khác nhau tùy theo điều kiện. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với các em, học trực tuyến là chuyện không hề dễ dàng. Trẻ tự kỷ thường đặc biệt khó tập trung, nhanh mất hứng thú, dễ phân tâm và thường bị ảnh hưởng do mất tương tác trực tiếp với bạn bè và giáo viên.

Anita Prasad từ trường chuyên về giáo dục đặc biệt ở Noida (Ấn Độ), cho biết: Trẻ em tự kỷ trở nên thu mình, không muốn nói chuyện, ở trong phòng và từ chối tham gia các lớp học trực tuyến. Chúng cô đơn và nhớ bạn bè, ngay cả những đứa trẻ từng thích đi học cũng không thể nhìn vào màn hình máy tính để học.

Anjali Verma, sống ở New Delhi, người mẹ có con trai tự kỷ 11 tuổi, cho biết con cô không thể học các lớp học trực tuyến. Cậu bé từng hét lên khi thấy cô bật máy tính. Một ngày khác, đứa trẻ lên cơn động kinh vì quá căng thẳng khi nhìn vào màn hình trong thời gian dài.

Tại Malaysia, nơi trường học bị đóng cửa trong gần nửa đầu năm 2021, nhiều bậc cha mẹ có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng gặp vấn đề tương tự. Nur Aisyah Mazlan, 40 tuổi, có con trai 10 tuổi mắc rối loạn trên, cho biết căn bệnh đã hạn chế rất nhiều khả năng chú ý của cậu bé. Việc chuyển sang học trực tuyến không giúp ích được gì vì con cô không thể tập trung vào màn hình hoặc thậm chí không thể nhận ra giáo viên.

Khi các trường học mở cửa trở lại ở Malaysia, những đứa trẻ này phải học lại cách hòa nhập với bạn bè khiến các em có thể hoảng sợ. "Những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ và có những vấn đề về giác quan, chúng đã quen với việc chỉ học một mình trên máy tính, giờ lại phải đến lớp học ồn ào, học cùng nhiều người. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của các em", nhà tâm lý học trẻ em Katyana Azman, Bệnh viện Pantai Kuala Lumpur (Malaysia), nói.

Nguồn: SCMP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm