Những hướng đi mới trong điều trị bệnh Parkinson

Phương Thanh (dịch)
13/04/2020 - 12:35
Những hướng đi mới trong điều trị bệnh Parkinson
Parkinson là hội chứng rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến thứ hai trên thế giới, sau bệnh Alzheimer (một bệnh lý về não, tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi). Căn bệnh này hiện chưa có thuốc chữa trị. Mới đây, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ đã mở ra một hướng điều trị mới cho căn bệnh này.

Nguyên nhân nào gây ra Parkinson?

Theo tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), não của bệnh nhân mắc Parkinson sẽ dần thoái hóa theo thời gian. Bệnh thường phổ biến ở độ tuổi trên 50. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mắc bệnh, tế bào não có nhiệm vụ sản sinh chất dẫn truyền thần kinh của bệnh nhân bị thoái hóa và chết đi dẫn đến giảm sút dopamine (DPM). Dopamine giúp truyền tế bào thần kinh từ tế bào này sang tế bào khác, từ đó giúp não chỉ huy và kiểm soát cử động của các cơ bắp, đặc biệt là tay, chân và mặt. Khi thiếu dopamine, cơ bắp không vận động bình thường theo chỉ đạo của não, từ đó gây ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson.

Theo Parkinson’s UK (tổ chức từ thiện hỗ trợ nghiên cứu và điều trị Parkinson ở Anh), hiện vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên ngân gây nên tình trạng thoái hóa và chết dần của tế bào não sản sinh dopamine. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và các yếu tố môi trường có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh trong não.

Triệu chứng của bệnh Parkinson

NHS cho biết, một trong những triệu chứng đặc trưng của Parkinson là run không ý thức. Theo đó, run thường xảy ra ở tay hoặc chân và người bệnh không thể tự chủ điều khiển triệu chứng này. Hơn nữa, run thường xảy ra khi tay hoặc chân đang ở trạng thái nghỉ, tức là khi tay, chân không hoạt động. Một số triệu chứng đặc trưng khác của Parkinson bao gồm cứng cơ và chuyển động cơ chậm hơn bình thường.

Bên cạnh đó, các triệu chứng khác của bệnh cần được chú ý bao gồm khó khăn trong việc giữ thăng bằng, đau các dây thần kinh, mất ngủ, đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường, trầm cảm và lo lắng.

Theo thống kê từ NHS, khoảng 145 000 người ở Anh mắc Parkinson. Điều này có nghĩa là cứ 350 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Đáng ngạc nhiên, cứ 20 bệnh nhân mắc Parkinson sẽ có một người xuất hiện triệu chứng từ rất sớm, ở khoảng 40 tuổi. Ngoài ra, theo Parkinson’s UK, tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn 1,5 lần so với tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới.

Những hướng đi mới trong điều trị bệnh Parkinson - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Điều trị Parkinson

Cho đến thời điểm hiện tại, các nhà nhiên cứu vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm Parkinson. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát thông qua quá trình điều trị.

Hiện nay, sử dụng thuốc là hình thức điều trị phổ biến nhất cho các bệnh nhân Parkinson. Theo tổ chức Parkinson’s UK, thuốc sử dụng trong điều trị Parkinson giúp tăng lượng dopamine đến não và kích thích hoạt động tạo dapomine của các tế bào não. Tùy theo từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ kê các loại thuốc với cường độ khác nhau.

Theo NHS, sử dụng thuốc cho các bệnh nhân Parkinson có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, tuy nhiên không thể làm chậm quá trình phát triển bệnh. Để tăng khả năng điều trị, bệnh nhân Parkinson có thể kết hợp sử dụng thuốc với các liệu pháp khác như vật lý trị liệu, tập luyện thể dục, áp dụng chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh. Với một số rất ít các trường hợp, bệnh nhân phải được tiến hành phẫu thuật não để cải thiện tình trạng sức khỏe.

Một số phương pháp giúp phòng bệnh Parkinson

Để giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson, mọi người cần có chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp. Có thể áp dụng một số phương pháp như: tránh xa môi trường độc hại; có chế độ tập luyện thể dục phù hợp với cơ thể; không sử dụng nhiều chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu, bia; hạn chế đồ uống có gas hoặc có cồn, …

Các bác sĩ vẫn khuyên rằng, nếu nghi ngờ mình đã có dấu hiệu của Parkinson, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng của mình và có hướng điều trị tốt nhất.

Phương pháp mới giúp cải thiện hiệu quả điều trị Parkinson

Trong một báo cáo của Viện Gladstone (tổ chức nghiên cứu y sinh độc lập và phi lợi nhuận ở Mỹ, nghiên cứu các phương pháp phòng ngừa, chữa trị các bệnh về thần kinh, virus, tim mạch), Tiến sĩ Steven Finkbeiner đã tiến hành thí nghiệm dùng một protein đơn có tên Nrf2 để đưa mức protein gây bệnh trong tế bào về mức bình thường.

Những rối loạn trong hoạt động của tế bào não ở bệnh nhân Parkinson được gây ra bởi các protein hoạt động sai. Các protein này có mức độ hoạt động cao hơn bình thường, gây ra rối loạn và cuối cùng giết chết các tế bào thần kinh. Sử dụng protein Nrf2 có thể đưa mức hoạt động của các protein sai về mức bình thường, giúp ngăn ngừa chết tế bào.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nhiều thời gian và nghiên cứu để đưa ra kết luận liệu Nrf2 có phải là phương pháp chữa trị dứt điểm Parkinson.

Ngoài ra, phương pháp điều trị Parkinson bằng cách cấy tế bào gốc cũng đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Với liệu pháp này, tế bào gốc sẽ được cấy vào các bệnh nhân để giúp tạo ra dapomine thay thế các tế bào đã bị thoái hóa hoặc chết.

Tiến sĩ Tilo Kunath, một trong những nhà nghiên cứu tế bào gốc hàng đầu thế giới đánh giá cao phương pháp này. Đây có thể là liệu pháp tế bào an toàn và có hiệu quả cao đối với bệnh Parkinson, giúp nâng cao hiệu quả chữa trị. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nhiều thời gian và nghiên cứu để có thể đưa phương pháp cấy tế bào gốc vào chữa trị rộng rãi cho các bệnh nhân Parkinson.


Nguồn: The Independent
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm