pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những hy sinh lặng thầm của "hậu phương" người lính
Vợ chồng chị Trang về thăm quê dịp con trai đầu tròn 2 tuổi
Nhà 4 người mà ở 3 miền
Chị Trang là nhân viên một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai, có chồng đang phục vụ trong Hải quân nhân dân Việt Nam. Họ có với nhau hai mặt con, đứa lớn lên 4 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Chồng chị đang công tác ở đơn vị, chị với đứa nhỏ ở Đồng Nai, đứa con đầu phải gửi cho ông bà ngoại ngoài quê. Mỗi năm, gặp nhau một lần ngắn ngủi. Khi chị có bầu đứa thứ 2, chồng đi công tác xa nhà nên đành lòng để ông bà ở quê trông hộ đứa đầu. Nhà 4 người mà 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có cả. Chị nói trong nghẹn ngào: "Mình yêu xa quen rồi, giờ lấy nhau thấy cũng bình thường. Chỉ tội 2 đứa nhỏ, chúng quấn cha ghê lắm mà gặp cha chỉ tính theo ngày, theo giờ thôi".
Ngày chị có bầu lần đầu, anh đi biền biệt không về, lúc vào phòng sinh cũng không liên lạc được. 1 tuần sau, khi anh có sóng điện thoại mới biết anh đang trực trên biển. Đến khi con đầy tháng, anh về được vài hôm rồi trở lại đơn vị. Thương mình thì ít thương con thì nhiều, nghĩ đến thế chị òa khóc nức nở. Đứa thứ 2, rút kinh nghiệm lần trước đó, anh xin thủ trưởng sắp xếp về với mẹ con, chăm lo đưa chị đi sinh. Khi con cất tiếng khóc chào đời chị cũng thấy được nơi anh giọt nước mắt hạnh phúc. Dù không phải lần đầu làm cha nhưng lần đầu anh được thấy cảnh đứa con chào đời, người bạn đời của mình vượt cạn thành công, lần đầu được ôm đứa con đỏ hỏn trong tay trao cho nó hơi ấm của tình thương.
Day dứt vì một đứa con của chị vẫn phải xa vòng tay cha mẹ, chị thấy có lỗi với con nhiều nhưng vì cuộc sống không thể làm khác được. Chị tâm sự, trong 2 đứa, con lớn chịu thiệt thòi nhiều hơn. 8 tháng tuổi chị phải dứt ruột để ở quê nhờ ông bà trông giúp. Con lớn thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhiều nên hay bất an lắm, cứ sợ bị bỏ rơi. Chị phải gạt nước mắt, nén thương nhớ gửi lại ông bà ở quê tất cả tình yêu thương của mẹ để vào Nam mưu sinh kiếm sống. Rồi mỗi lần nhớ đến đứa lớn chị lại cất lên lời ru cho em nhỏ "Chín tháng tuổi đã lớn hay chưa/Mà trên vai gánh nặng cha ơi/Con ở giữa hai đầu nỗi nhớ/Khát sữa mẹ ngày đầu xa nhớ/Con khóc nhiều nhưng mà con hiểu/Cha trời Bắc một lòng miền Trung/Mẹ phương Nam ngóng trông về quê nhà/Nơi có con thơ đang mong nhớ từng ngày".
Hạnh phúc khi cha về thăm nhà
Rồi năm tháng dần trôi, con chị như hiểu cho cha mẹ, ở nhà với ông bà ngoại ngoan ngoãn nghe lời, mỗi lần được vào chơi với cha mẹ là mừng ghê lắm. Tôi cũng từng được thấy hình ảnh hai đứa trẻ đó vui mừng thế nào khi cha chúng trở về. Đứa anh đang giữ đồ chơi khỏi em lấy mất nhưng thấy cha về cũng vứt vội lại rồi chạy ra nhảy lên người cha và gọi mẹ "Mẹ ơi cha về cha về". Còn đứa em mới một tuổi đi còn chưa sõi nhưng cũng lật đà lật đật vừa đi vừa bò cho nhanh ra cầm lấy ống quần cha đòi bế. Hình ảnh đó rất bình thường nhưng sao thấy thế tôi không cầm được nước mắt vì tôi thấy trong đó nỗi nhớ vô bờ bến, niềm vui đến tột cùng của những đứa con giành cho cha mình. Nghe chị kể mấy ngày sau đó gia đình hạnh phúc lắm, không dứt tiếng cười bao giờ, hai anh em giành nhau chơi với cha, bắt cha làm đủ trò, làm trâu để cưỡi... Những giây phút đó có lẽ là những giây phút hạnh phúc nhất của chị cũng như những đứa con thơ.
Gần đây, người ta thường hay nhắc đến đứa con gái vừa tròn 5 tháng tuổi của đồng chí công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hay hình ảnh em bé ôm di ảnh cha trong vụ 22 chiến sỹ hy sinh do sạt lở đất với ánh mắt ngây thơ, trong sáng chưa hiểu chuyện gì. Các em chưa ý thức được mình vĩnh viễn đã mất đi ai, mất đi tình yêu thương vô bờ bến như thế nào. Càng thương bao nhiêu càng cảm phục bấy nhiêu những người "hậu phương nhí" đó, dù các em còn nhỏ, còn đang tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" nhưng đã biết cảm thông, biết đồng hành cùng mẹ, động viên mẹ, cùng mẹ chờ cha trở về. Trên mảnh đất dài hình chữ S này còn có biết bao nhiêu đứa trẻ phải "nhường" cha cho Tổ quốc. Hy vọng các em sẽ luôn luôn là điểm tựa vững chắc của người lính trong bất kỳ nhiệm vụ nào và niềm tự hào của cha, mẹ trong tương lai.