Những lao động người nước ngoài nào đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam?

21/03/2019 - 19:26
Hiện nay có khoảng 80 ngàn lao động người nước ngoài làm việc ở nước ta. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, các đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khi đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể.

Tại Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật An toàn, vệ sinh lao động về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Tuy vậy, nhiều cá nhân người nước ngoài đang cư trú, làm việc tại Việt Nam và các doanh nghiệp phản ánh còn băn khoăn và chưa rõ về đối tượng nào là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc?

Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Đối chiếu với các quy định hiện hành thì người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau:

Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;

Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ.

Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, bao gồm người lao động là nhà quản lý, Giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định khá rõ về đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2014/NĐ-CP thì “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam”.

Tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có quy định các trường hợp loại trừ - không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể: “Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì: “Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, Giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.”

lao-dong-nguoi-nuoc-ngoai.jpg
Giáo viên người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

 

Đây là lần đầu tiên pháp luật của Việt Nam có quy định về thực hiện BHXH bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo ước tính, hiện nay trên cả nước có khoảng trên 80.000 lao động người nước ngoài làm việc, trong đó đa số được cấp giấy phép lao động (chiếm trên 90% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động).

Tính đến ngày 28/02/2019, tổng số đơn vị tham gia BHXH cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị với số lao động là 51.524 người. Tổng số tiền đóng BHXH của đối tượng lao động này là 100,792 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng triển khai Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, đã có trên 64% lao động thuộc đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc, đó là một kết quả khá khả quan đối với việc triển khai một chính sách mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm