pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những liệt sĩ trong chiến tranh biên giới Tây Nam sống mãi trong ký ức người thân
Ba nhớ anh đến tận khi nhắm mắt…
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Minh Xi (57 tuổi), liệt sĩ Nguyễn Minh Quang (anh trai của ông) là một người anh rất dũng cảm và yêu thương gia đình. Gia đình ông Xi có 5 anh em, chỉ có liệt sĩ Minh Quang và cha tham gia kháng chiến.
Năm 17 tuổi, ông Minh Quang tạm dừng việc học ở trường, "xếp bút nghiên lên đường ra trận" để tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong TPHCM. Là một người tham gia kháng chiến, mang trong mình thương tích của chiến tranh nên ba của ông Quang xót con, mong con đủ 18 tuổi rồi mới theo cách mạng.
Tuy nhiên, lúc đó ông Quang nhất quyết xin gia đình ký tên để tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong của TPHCM. Nếu gia đình không đồng ý, ông Quang sẽ tự vẫn. Nhìn thấy sự kiên định của con, ba ông đồng ý.
Năm 1977, ông Quang tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam. Gần hai năm sau đó, ông Quang được về phép để tham dự Đại hội ở TPHCM và thăm gia đình.
Một tháng sau lần về thăm, anh mất tại chiến trường ở Campuchia.
Đồng đội đã viết thư, báo tin về cho gia đình. Lúc ấy, cả gia đình gần như suy sụp vì quá thương anh. Cho đến ngày ba tôi mất, ba vẫn nhớ về anh Quang.
Sau nhiều ngày nghe ngóng tin tức và tìm kiếm, gia đình biết anh được đưa về và an nghỉ ở Xa Mát (tỉnh Tây Ninh). Khoảng cách tuổi tác giữa tôi và anh Quang nhỏ nên hai anh em rất thân nhau. Tôi nhớ mãi hình ảnh người anh hiền lành, hiếu thảo và rất thương anh chị em trong nhà.
Hiện tại, tôi vẫn còn gặp một số vấn đề về giấy tờ nên chưa ổn định chỗ ở hoàn toàn. Giờ tôi chỉ mong bản thân ổn định để thờ cúng anh Quang được chu đáo. Những gì anh đã làm cho Tổ Quốc, gia đình rất tự hào, nhớ mãi không quên", ông Minh Xi chia sẻ.
Sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc
Ngày 13/5/1976, ông Nguyễn Kim Long (sinh năm 1954) tham gia lực lượng thanh niên xung phong sau một thời gian cùng đồng đội khai hoang, làm thủy lợi, xây dựng công trường. Đến tháng 8/1978, ông Long lên đường chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam.
Lúc đó, ông là Đội trưởng Liên đội 308 Tổng đội 3. Trong nhà, chỉ có ông Long tham gia quân ngũ, cả gia đình luôn động viên ông cố gắng vì Tổ Quốc.
Ngày 6/1/1979, ông Long mất tại Campuchia và được đưa về nước. Hay tin liệt sĩ Minh Long qua đời, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (77 tuổi, chị gái của ông Long) đau khổ đến tột cùng.
"Tôi và vợ Long đến huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) chờ Long. Ngày đi em lành lặn, đâu ai ngờ ngày về lại buồn đến thế… Nhiều năm liền, tôi không tin Long đã mất. Tôi gần như phát điên, cứ thơ thẩn đi tìm lại em. Mẹ ruột, chồng tôi và vợ Long đã động viên tôi nên tôi mới vượt qua được nỗi đau này.
Ngày đó, tôi đã là mẹ của 6 đứa con. Tôi nhớ mãi lời hứa của em khi còn sống: "hết chiến tranh, em sẽ về làm ăn để lo cho chị và các cháu". Con gái lớn của tôi khi ấy cũng được 10 tuổi, nó nhắc cậu hoài. Lúc nào cũng kể về cậu Long với các em. Nó nói cậu thương chị em mình lắm, có bánh kẹo, vải để may quần áo,.. cậu luôn gửi về cho chị em mình. Nếu còn cậu, chắc cuộc sống của gia đình mình không khổ đâu. Nghe nó nói mà tôi khóc", bà Cúc xúc động.
Ngày ra chiến trường, ông Long vừa mới kết hôn được khoảng 3-4 tháng. Sau khi ông mất, vợ ông lo toan mọi việc từ chôn cất đến thờ cúng, làm đám giỗ,… Gia đình bà Cúc cảm thấy may mắn nhờ có em dâu lo toan mọi việc trong lúc cả gia đình chìm sâu vào nỗi mất mát quá lớn.
Mười mấy năm sau, khi đã ngoài 30 tuổi, em dâu đến gặp bà Cúc xin phép chị cho em được đi thêm bước nữa. Trong lòng bà Cúc rất mừng vì em dâu đã có người chăm sóc sau ngần ấy năm trọn vẹn với mối tình với em trai.
"Hoàn cảnh tôi khó khăn, đông con cái và chồng tôi mất do bệnh. Tôi phải bán hết nhà cửa để lo cho gia đình, giờ tôi ở nhà bà con ở quận 12 (TPHCM). Các con đều đã có gia đình nên tôi cũng muốn tự lo cho bản thân. Số lần tôi chuyển chỗ ở đến nay đã là 20.
Tuy cuộc sống không đầy đủ nhưng tôi thấy bản thân rất may mắn vì nhận được nhiều sự quan tâm, an ủi từ các lãnh đạo, đồng đội của Kim Long. Tôi nghĩ ngoài kia còn nhiều hoàn cảnh kém may mắn hơn tôi, tôi chỉ mong gia đình của các thương binh liệt sĩ đó luôn nhận được sự quan tâm từ mọi người.
Dù đã lớn tuổi nhưng năm nào, tôi cũng đi dự lễ tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trên chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam ở Tây Ninh.
Bà Kim Cúc tâm sự: "Để có được nền hòa bình như hiện tại, thế hệ trước, trong đó có em tôi đã hy sinh. Tôi thương và tự hào về em vì những gì em đã làm cho Tổ Quốc.
Tôi chỉ hy vọng, nếu đất nước cần, các bạn trẻ sẽ sẵn sàng tham gia. Tôi luôn động viên con cháu trong nhà tham gia nghĩa vụ quân sự đầy đủ như một cách cảm ơn đất nước đã cho ta một cuộc sống đủ đầy".