pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những người cháu Gen Z tự hào "flex" về chiến công của cha ông
Thời gian qua, trào lưu "Flex" đã làm khuynh đảo cộng đồng mạng. "Flex" được hiểu là hành động khoe một điều gì đó, tự hào về một điều gì đó một cách văn minh. Nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" đã tăng lên hàng triệu thành viên trong một thời gian ngắn. Từ "trào lưu Flex" này, cộng đồng được truyền những cảm hứng tích cực, thấy được nhiều người trẻ có thành tích học tập đáng nể, luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, một vài người trẻ đã tự hào "flex", khoe về những người ông của mình, là những cựu chiến binh, những thương binh đã góp một phần xương máu cho Tổ quốc. Những pha "flex" này nhận được sự hưởng ứng, nhận những lời tri ân, những lời chúc của rất nhiều những người trẻ khác.
Bạn Hoàng Cường viết: "Ông nội mình năm nay 95 tuổi, mình flex hộ ông. Ông sinh năm 1928, năm 17 tuổi đánh Pháp, một mình hạ gục mấy thằng Tây ở bờ sông.
Năm 40 tuổi tham gia đánh Mỹ, bị đạn bay vào mù cả hai mắt, bom đạn lấp hết người, chỉ còn cánh tay giơ lên trên mặt đất, may có đồng đội kéo lên, thương tật 95%. Huân chương kháng chiến nhiều vô kể nhưng bị lũ lụt cuốn trôi hết.
Năm nay 95 tuổi, hơn 50 năm sống mù loà, nhưng ông vẫn luôn vui vẻ, yêu đời, một lòng yêu nước, là chỗ dựa vững chắc cho con cháu, không than phiền, trách cứ.
27/7 sắp đến mong nhận được nhiều lời chúc từ các bạn cho thế hệ đã hy sinh quá nhiều cho Tổ quốc hoà bình".
Bài viết này của Hoàng Cường đã nhận được 179 nghìn lượt like, trong đó tròn 100 nghìn cư dân mạng "thả tim" vào bài viết. Những lời chúc "Chúc ông bạn luôn khỏe mạnh", "Thật là tuyệt vời, đây không phải flex, đây là sự tự hào"... đã được cộng đồng mạng gửi đến người ông thương binh của bạn Hoàng Cường.
Ở một "tus" khác, bạn Việt Dũng tự hào khoe tác phẩm ảnh của ông mình: Cố nhiếp ảnh gia Triệu Đại - người từng là phóng viên ảnh của Báo Quân đội Nhân dân. Phóng viên ảnh quân đội Triệu Đại là người đã chụp những hình ảnh ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ, hình ảnh chiến sĩ bộ đội ta vẫy cờ trên nóc hầm tại Điện Biên Phủ. Những tác phẩm ảnh này là những tư liệu lịch sử quý giá. Báo Quân đội Nhân dân và báo Phụ nữ Việt Nam đều đã ra đời trong hoàn cảnh làm báo ngay tại mặt trận. Người ông nhà báo chiến trường của Việt Dũng đã bị thương, bị mảnh đạn văng vào đầu, để lại di chứng về sau. Ông đã mất lâu rồi, Việt Dũng và gia đình mình vẫn luôn tự hào về người ông của mình.
Trong các bài viết "flex" về những người ông chiến sĩ, rất nhiều bạn trẻ khác cũng đã phản hồi "khoe" về người ông của mình. Bạn Nguyễn Huy viết: "Flex ông nội mình cũng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ , tuy tuổi tác ông cũng đã cao nhưng may mắn là ông vẫn còn mạnh khỏe sống cùng con cháu". Bạn Đào Trang tự hào khoe: "Ông mình 95 tuổi, 75 năm tuổi Đảng. Ông vẫn mạnh khỏe đi du lịch cùng cháu gái. Mãi yêu, mãi thương".
Bạn Đức Hoàng chia sẻ: "Tôi thì flex ông mình đã để lại một phần xương máu tại chiến trường và dù chỉ còn 1 tay vẫn nhìn máy tính bảng để vẽ cho cháu. Ông từng đi viết bằng khen".
Hàng trăm, hàng nghìn những lời tri ân "Biết ơn những người đã ngã xuống, đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc, để chúng ta ngày hôm nay được sống trong hòa bình", "Những flex chất lượng và đáng tự hào, chúng ta ngày hôm nay không bao giờ quên ơn những thương binh liệt sĩ đã ngã xuống vì Đất nước", "Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tri ân và tưởng nhớ"...
Đằng sau những "flex" chất lượng, là sự tự hào của giới trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, là tình cảm gia đình, là sự biết ơn sâu sắc. Giới trẻ ngày nay vừa giỏi, vừa năng động, tích cực, và những "flex" kiểu này khiến tất cả chúng ta đều cảm thấy ấm lòng.