Những loại rau có thể trị chứng mất ngủ của dân văn phòng

15/09/2019 - 10:09
Thực phẩm chứa nhiều Magiê sẽ giúp giảm thiểu chứng bệnh mất ngủ như rau mồng tơi, rau bina (spinach), rau muống, rau dền, trái bơ, hạnh nhân, hạt bí, chocolate, lúa mạch… hoặc Tryptophan có nhiều trong thịt gà, lạc...
Chị Trang năm nay 39 tuổi, nhân viên văn phòng của một cơ quan nhà nước. Gần đây chị hay bị khó ngủ, thường ngủ rất muộn và thức giấc lúc 1-2 giờ sáng rồi không thể ngủ lại được. Gần sáng lại ngủ thiếp đi do mệt nên ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và sức khỏe.
 
Giấc ngủ không sâu khiến chị cả ngày mệt mỏi. Chị Trang cho biết cuộc sống của mình vẫn diễn ra bình thường không có gì biến động, nhưng bỗng nhiên lại bị mất ngủ như vậy thì cũng lạ. Do mất ngủ triền miên nên thỉnh thoảng chị có dùng thuốc ngủ nhưng không yên tâm nếu lạm dụng thuốc ngủ.
 
ngu-1-1546344040710207329724.jpg
Căng thẳng về tâm lý làm tăng hoạt động của toàn bộ cơ thể dễ dẫn đến mất ngủ và stress 
 
Trong cuộc sống công nghiệp hiện nay, đặc biệt là dân văn phòng, chứng bệnh này có xu hướng trẻ hóa, thậm chí nhiều bạn trẻ chỉ 20-30 tuổi đã bị bệnh mất ngủ dày vò. 
 
Theo các chuyên gia tâm lý, mất ngủ thường kèm theo stress. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến mất ngủ và stress, trong đó áp lực công việc (dù công việc đó được yêu thích) chiếm tỷ lệ khá lớn. Mất ngủ và stress có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng vừa là nguyên nhân, vừa là đòn bẩy của nhau. Stress tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương làm phóng thích nhiều chất nội tiết (adrenalin, cortisol...) để giúp cơ thể huy động khả năng thích ứng.
 
Tác động này với cường độ cao hoặc với cường độ nhỏ nhưng kéo dài sẽ dẫn đến ức chế quá mức làm cơ thể rơi vào tình trạng suy sụp. Căng thẳng về tâm lý làm tăng hoạt động của toàn bộ cơ thể, dẫn đến tiêu thụ rất nhiều oxy và năng lượng khiến gốc tự do ở người bị mất ngủ và stress luôn ở tình trạng báo động.
 
5f796ba37242951ccc53.jpg
Thạc sỹ Lâm Khắc Kỷ - Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm Đại học Công nghiệp TP.HCM 
 
 
Thạc sỹ Lâm Khắc Kỷ - Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm Đại học Công nghiệp TP.HCM phân tích cụ thể trường hợp của chị Trang như sau: Chứng khó ngủ của chị mới xuất hiện gần đây và không kèm theo các bệnh lý khác nên có thể do tâm lý hoặc có thay đổi thói quen ăn uống gần đây như ăn no hoặc sử dụng các nước uống có tính sinh nhiệt - giàu năng lượng.
 
Một vài lời khuyên cơ bản về dinh dưỡng dành cho chị là nên ăn nhẹ (không nhiều đạm, chất béo no và bột đường) vào buổi chiều tối. Kiêng các thực phẩm có thể gây kích thích thần kinh hay dạ dày dẫn đến mất ngủ như café, trà, trà sữa, nước uống nhiều đường và có gas…..
 
Một số lời khuyên về dinh dưỡng chị có thể tham khảo như: Thực phẩm chứa nhiều Magiê sẽ giúp giảm thiểu chứng mất ngủ như rau mồng tơi, rau bina (spinach), rau muống, rau dền, trái bơ, hạnh nhân, hạt bí, chocolate, lúa mạch… hoặc Tryptophan có nhiều trong thịt gà, lạc...
 
Chất này có thể gây buồn ngủ do làm tăng nồng độ serotonin trong não... Các loại cá giàu acid béo Omega-3 đã được nghiên cứu là rất hữu ích trong việc điều chỉnh chu trình giấc ngủ như cá hồi, cá ngừ, cá bơn halibut hoặc các loại hạt giàu Omega-3 như mè, hạnh nhân, bí ngô... Có thể sử dụng chúng 4 giờ trước khi ngủ.
 
rau-den_1600x1200.jpg
Rau dền là loại rau phổ biến trong các bữa ăn của mọi gia đình. Rau dền có vị ngọt, tính mát, chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
 
 
Cũng theo các chuyên gia, biện pháp khắc phục chứng mất ngủ cho dân văn phòng không có gì tốt hơn là thay đổi chế độ làm việc theo hướng cân bằng làm việc và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tích cực tập thể dục thể thao theo quan điểm của y học hiện đại, hoặc thực hành các phép tập luyện của y học cổ truyền như khí công, dưỡng sinh, yoga, cân ma đạt kinh, vẩy tay, tập thiền...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm