pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những loại thực phẩm kỵ nhau khi nấu nước dùng dashi cho bé
Ăn dặm kiểu Nhật là một trong những phương pháp được nhiều mẹ Việt ưa chuộng. Đây là phương pháp vừa đảm bảo sự khoa học, lại gần gũi trong cách chế biến với văn hóa Việt Nam.
Có thể nói điểm nổi bật nhất trong ăn dặm kiểu Nhật là dùng nước dashi trộn vào cháo và các món khác cho bé. Đây là loại nước nấu từ rong biển, cá bào hoặc từ rau củ quả, phổ biến nhất trong thực đơn ăn dặm kiểu Nhật là nước dashi nấu từ rau củ quả.
Khi chế biến đồ ăn dặm cho bé, nhất là ở thời kỳ đầu khi chưa nên dùng muối hay các gia vị khác để nêm đồ ăn cho trẻ thì việc sử dụng nước dùng dashi là một lựa chọn rất an toàn, vừa giúp bổ sung khoáng chất, vừa đem lại sự thơm ngon, vị ngọt đậm đà cho món ăn của bé.
Tuy rau củ là nhóm thực phẩm chứa nhiều hàm lượng chất xơ và vitamin cần thiết cho trẻ nhưng không phải loại thực phẩm nào cũng có thể kết hợp với nhau, thậm chí nếu không biết sẽ vô tình dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ, dưới đây là một số nguyên tắc các mẹ cần lưu ý để tránh các loại rau củ kỵ nhau khi nấu nước dashi cho bé đạt hiệu quả nhất.
Khoai tây, khoai lang và cà chua
Cả ba loại quả đều thuộc dạng thực phẩm lành tính, nếu ăn cùng một lúc thì dạ dày của bé sẽ khó hấp thu, dẫn đến khó tiêu, đầy hơi, thậm chí là tiêu chảy cho trẻ.
Bí đỏ với cải bó xôi
Mặc dù khi ăn riêng sẽ mang lại nhiều dinh dưỡng cho cơ thể nhưng khi kết hợp thì hàm lượng enzyme có trong bí đỏ sẽ làm bão hòa và phá hủy lượng lớn vitamin C có trong cải bó xôi, làm giảm đồng thời giá trị dinh dưỡng của cả hai thực phẩm.
Cà rốt với củ cải trắng
Tương tự với bí đỏ và cải bó xôi, tuy cả hai đều là loại củ tốt cho cơ thể nhưng khi kết hợp chúng lại với nhau thì lại không tốt cho bé, cụ thể hàm lượng vitamin C có trong củ cải trắng rất cao sẽ bị phân hủy bởi enzyme trong cà rốt dẫn đến lượng dinh dưỡng bị mất đi, còn gây nguy cơ khó tiêu, chướng bụng ở trẻ nhỏ.
Trên đây là các loại rau củ kỵ nhau khi nấu nước dashi phổ biến nhất mà các mẹ bỉm cần lưu ý, mọi người có thể sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác chỉ cần tránh một số trường hợp như trên, ngoài ra để bổ sung thêm các vitamin cần thiết cho trẻ thì các mẹ có thể tham khảo các loại rau không có vị đắng, chát như nước luộc rau cải ngọt, susu, bắp cải...
Các bước chế biến nước dashi cho bé ăn dặm
Các mẹ có thể tham khảo cách làm nước dùng dashi theo các bước sau:
- Rau củ quả chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rửa sạch, thái khúc. Tùy theo sở thích của các bé mẹ có thể chọn các loại rau củ quả khác nhau như cà rốt, khoai tây, su su, mướp, bí xanh, ngô, bắp non, mía, củ cải, bắp cải, cải thảo, súp lơ... Lưu ý không chọn loại củ quả có vị chát.
- Cứ 250g rau củ quả tươi mẹ thêm 800ml nước. Bao nhiêu rau củ quả thì nhân số ml nước lên. Bỏ rau củ quả cùng nước vào nồi nấu trong 20 phút cho rau củ chín mềm là được. Sau đó tắt bếp, lấy rau củ quả đã chín ra nghiền, rây cho bé ăn, phần nước còn lại chính là nước dùng dashi để nấu cháo cho bé.
- Nước nấu xong để nguội, lọc qua rây để loại bỏ những mảnh vụn đồ ăn và trữ đông cho bé ăn dần. Tuy nhiên, nên nhớ càng để lâu nước dùng dashi càng mất vị nên mẹ chỉ nên trữ đông nước dashi và dùng trong vòng 1 tuần trở lại.
Khi nấu cháo, thêm 15-20ml nước dashi đã nấu (tùy độ đặc loãng của cháo) để tăng khẩu vị món ăn cho bé. Hoặc mẹ cũng có thể thêm nước dashi vào rau củ nghiền rồi cho bé ăn.