Đăng ký kết hôn cho động vật
Bà Ann Clark, 61 tuổi, đến từ Desborough, Anh, tự gọi mình là một “nhân viên đăng ký kết hôn cho động vật” với công việc chính là tổ chức đám cưới cho thú cưng. Bà đã bắt đầu công việc đặc biệt, đăng tin quảng cáo dịch vụ từ năm 2008. Thật bất ngờ là dịch vụ này được rất nhiều người đón nhận.
Chia sẻ về công việc của mình, bà Ann cho biết, mức giá cơ bản cho một lễ cưới dành cho thú cưng là 150 Bảng Anh (khoảng 4,7 triệu VNĐ) bao gồm địa điểm tổ chức đám cưới trên bãi cỏ, sáng tác lời thề đám cưới... Tuy nhiên hầu hết các chủ vật nuôi đều chi nhiều hơn mức đó. Đám cưới thú cưng thông thường bắt đầu với một bữa ăn sáng tại nhà bà Ann cho cả chủ nhân và thú cưng. Sau đó, khi lễ cưới bắt đầu, “cô dâu” sẽ được dắt đến khu vườn, nơi “chú rể” đang đợi.
Một khách hàng nữ của bà Ann từng “vung” tới 32.000 đô la (hơn 700 triệu đồng) với một cây đàn hạc, một đài phun sô cô la cao gần 2m cùng nhiều chi tiết cầu kỳ khác cho đám cưới của thú cưng của cô.
Trên thực tế, hiện nay, không có cơ quan nào công nhận đăng ký kết hôn cho động tuy nhiên dịch vụ của bà Ann vẫn rất đắt khách và bà cho rằng việc này không có bất kỳ tác hại nào.
Trong khi nhiều người nghĩ đây là một công việc ngớ ngẩn thì với mỗi sự kiện, bà Ann kiếm được cả trăm triệu đồng.
Thụ tinh nhân tạo cho động vật
Hiện thụ tinh nhân tạo cho động vật đã trở thành một công việc phổ biến tại các trang trại, khu vực chăn nuôi vì nhiều lợi ích mà nó mang lại như giảm thiểu chấn thương khi giao phối tự nhiên, giảm nguy cơ truyền bệnh, tăng hiệu quả chất lượng vật nuôi.
Công việc này đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật cao vì việc thụ tinh nhân tạo không phải lúc nào cũng thành công. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phải xem xét việc pha loãng và bảo quản tinh trùng, đặc biệt là với những loài quý hiếm.
Trong quá trình thụ tinh nhân tạo, còn có một công việc khá nhạy cảm và không mấy thú vị đó là thủ dâm cho động vật. Mục đích của công việc này là thu thập tinh trùng phục vụ thụ tinh. Thông thường công việc này được thực hiện bằng máy nhưng trong một số trường hợp phải dùng tay.
Nếm thử thức ăn thú cưng
Những nhân viên nếm thức ăn chuyên nghiệp đều được đào tạo để nhận biết mùi vị mà loài chó yêu thích hay ghét bỏ.
Philip Wells, người nếm chính ở công ty sản xuất thức ăn cho vật nuôi Lily's Kitchen, chia sẻ, ông ất thích công việc này và chưa bao giờ gặp rắc rối gì trong quá trình làm việc. Ông cho biết, thịt dùng trong thức ăn sản xuất cho vật nuôi cũng phải được đảm bảo phù hợp cho con người. Ông cũng khẳng định, công ty ông sử dụng “nguyên liệu sống tươi ngon giống như dành cho con người” trong tất cả các loại thức ăn cho động vật.
Tuy nhiên, Wells cũng thừa nhận có một số loại thức ăn vật nuôi trên thị trường chỉ cần ngửi cũng khiến ông đau bụng.
Mark Gooley, chủ một công ty thức ăn vật nuôi, cho biết: “Nếu bạn không tự mình nếm thử thì làm sao biết thú cưng của bạn thích ăn không? Tôi muốn tìm ra khẩu vị phù hợp, nếu như con người cảm thấy ngon thì thú cưng sẽ cũng thấy ngon, vì thú cưng không thể cho tôi biết được mùi vị thức ăn như thế nào, cho nên phải tự mình thử trước mới biết được mùi vị ngon hay không. Nếu như mùi vị không ngon thì thử lại. Tôi không biết phải giải thích công việc của tôi như thế nào, chỉ cảm giác giống như nhà khoa học khùng điên”.
Được biết, mức thu nhập mỗi năm của nhân viên nếm thức ăn của chó là từ 30.000-75.000 USD (680 triệu – 1,7 tỷ VNĐ)/năm tùy thuộc vào kinh nghiệm trong nghề.
Bác sĩ tâm lý cho động vật
Nhà tâm lý động vật là một chuyên gia làm việc với động vật có vấn đề hành vi. Công việc của họ là khám phá lý do tại sao vật nuôi bị căng thẳng, có biểu hiện, hành động lạ và đưa ra giải pháp cho những vấn đề này dựa trên hiểu biết của họ về tâm lý, hành vi của động vật.
Các bác sĩ tâm lý cho thú cưng thường làm việc với các vật nuôi gia đình, điển hình như chó và mèo, nhưng họ cũng có thể làm việc với nhiều vật nuôi khác như cá hay bò sát, ngựa, thậm chí là gia súc.
Các vị bác sĩ đặc biệt này không chỉ làm việc với thú cưng mà họ còn trao đổi với chủ nhân của chúng để tìm các giải quyết vấn đề.
Bầu bạn với gấu trúc
Gấu trúc là một loài động vật quý hiếm và đặc biệt của Trung Quốc nên chúng được quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng đến mức có hẳn một đội ngũ chuyên chơi với chúng. Một người chăm sóc gấu trúc tại Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn gấu trúc ở Nhã An (tỉnh Tứ Xuyên) có thể kiếm được 32.000 USD (khoảng hơn 700 triệu VNĐ)/năm và được hưởng hàng loạt ưu đãi như sử dụng xe SUV hay miễn phí ăn ở.
Với mức lương cao ngất ngưởng trên, người nhận công việc này chỉ có duy nhất một nhiệm vụ là dành 365 ngày ở bên gấu trúc, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chúng.
Nhà tuyển dụng thường yêu cầu các ứng viên phải từ 22 tuổi trở lên, có kiến thức cơ bản về gấu trúc, ngoài ra còn phải có kỹ năng viết, chụp ảnh tốt.
(Còn nữa)