Những người "gieo mầm số" giữa đại ngàn Đakrông

Văn Long
28/04/2025 - 13:37
Những người "gieo mầm số" giữa đại ngàn Đakrông

Chị Hồ Thị Giang (trái), Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã A Vao, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.

Những thành viên tổ công nghệ cộng đồng tại xã A Vao vẫn lặng lẽ mang công nghệ số vào từng bản làng xa. Không chỉ mở lối cho người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, họ còn gieo hy vọng về một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau.

Cầu nối số từ bản làng đến đời sống

Chiều muộn trên triền núi A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), khi ánh nắng cuối ngày chỉ còn vương nhẹ trên những tán cây rừng, chị Hồ Thị Giang, Phó Bí thư Đoàn xã A Vao lại khoác ba lô lên vai, đi từ trung tâm xã vào các bản làng xa thẳm.

Trong chiếc ba lô bạc màu ấy là điện thoại, sạc dự phòng, sổ tay ghi chép – hành trang lặng lẽ mang công nghệ chạm tới từng mái nhà sàn nơi đại ngàn. Sinh ra và lớn lên tại xã A Vao, chị Giang thấu hiểu sâu sắc những thiệt thòi do thiếu thông tin.

"Ngày xưa, mẹ tôi đi xin trợ cấp học bổng cho tôi mà không biết thủ tục, nên nhiều lần bị bỏ sót. Bây giờ, tôi muốn bà con không còn phải lỡ cơ hội chỉ vì không biết cách tra cứu hay làm hồ sơ nữa", chị Giang chia sẻ.

Những người "gieo mầm số" giữa đại ngàn Đakrông- Ảnh 1.

Nhiều học sinh đã biết sử dụng điện thoại ở xã A Vao

Từ khi Dự án 6 được triển khai, chị Giang cùng các thành viên trong tổ công nghệ được tập huấn bài bản, kỹ năng sử dụng điện thoại, máy tính bảng, cách tra cứu thông tin chính sách, phòng tránh lừa đảo trực tuyến... Họ chia nhau vào từng bản, từng nhà, kiên trì như những người thầy vỡ lòng, dạy bà con từ thao tác bấm nút cho đến cách gửi tin nhắn.

"Có lần tôi phải mất 2 ngày để dạy một cụ bà cách mở Zalo và gọi video cho con gái đang làm ăn xa. Khi cụ bấm được nút gọi, nghe tiếng con qua màn hình nhỏ, cụ khóc nức nở. Tôi cũng không cầm được nước mắt", chị Giang kể.

Bà Hồ Thị Mé, người dân tộc Vân Kiều, vui vẻ khoe: "Trước kia nghe ai nói có tiền hỗ trợ là tin đại, nhiều khi bị lừa. Giờ mình biết vào Zalo nhắn tin hỏi cán bộ xã, còn tự điền đơn xin hỗ trợ được luôn, nhờ các cô chú tổ công nghệ chỉ dẫn".

Dự án 6 không chỉ mang công nghệ đến với bản làng, mà còn gieo niềm tin vào khả năng tự chủ của người dân.

Những người "gieo mầm số" giữa đại ngàn Đakrông- Ảnh 2.

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện ĐaKrông

Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông, cho biết, không ai hiểu dân bằng chính người dân. Các thành viên tổ công nghệ cộng đồng là cầu nối mềm mại và gần gũi nhất để đưa công nghệ đến đúng người, đúng cách.

"Đội ngũ này phần lớn là đoàn viên thanh niên, cán bộ hội phụ nữ, giáo viên về hưu hoặc những thanh niên đi làm ăn xa trở về. Họ không chỉ mang tri thức mà còn mang cả tấm lòng gắn bó với bản làng", ông Liệu cho hay.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đakrông, trên địa bàn huyện có 84 tổ công nghệ cộng đồng, với gần 600 thành viên.

Không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số

Chị Hồ Thị Ca Chịu, cán bộ văn hóa xã A Vao, cho biết, điều quý giá nhất ở tổ công nghệ cộng đồng là sự nhiệt tình, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ, họ vẫn đi để hỗ trợ bà con, từ khai báo y tế đến đăng ký bảo hiểm.

Nhờ lực lượng này, thói quen tiếp cận thông tin chính thống dần bén rễ trong các thôn bản heo hút. Người dân bớt đi lại, tránh được các chiêu trò lừa đảo trực tuyến và chủ động hơn trong việc nắm bắt các chính sách mới.

"Chúng tôi không giỏi công nghệ như kỹ sư ở thành phố, nhưng hiểu được bà con cần gì, sợ gì, quen với cái gì. Nhờ vậy, mỗi thao tác mình dạy, bà con có thể nhớ và áp dụng vào đời sống hằng ngày", chị Chịu nói.

Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, cho biết, trên địa bàn xã A Vao hiện tại có 7 tổ công nghệ cộng đồng, trong đó mỗi thôn, bản có 1 tổ, 1 tổ còn lại thuộc UBND xã, do Chủ tịch UBND xã A Vao làm tổ trưởng, thành viên bao gồm: Chủ tịch Hội LHPN xã, Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ văn hóa xã. Các tổ công nghệ cộng đồng tại các thôn, bản, cũng có thành viên tương tự như vậy.

Những người "gieo mầm số" giữa đại ngàn Đakrông- Ảnh 3.

Trụ sở xã A Vao

"Vai trò của các tổ công nghệ cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số được đánh giá cao. Những tổ này đã giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, nắm bắt và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc hàng ngày.

Tổ công nghệ cộng đồng là cầu nối đưa công nghệ đến từng mái nhà, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng và chính xác. Nhờ đó, bà con không còn bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số", ông Nhiếp chia sẻ.

Giữa đại ngàn Đakrông, trong từng ngôi nhà sàn nhỏ bé, những thành viên của tổ công nghệ cộng đồng vẫn miệt mài từng ngày. Không chỉ mang công nghệ về bản, họ còn mang theo hy vọng về một tương lai tươi sáng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau chỉ vì thiếu thông tin.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm