Những nguyên tắc vàng để kẻ bắt nạt tránh xa con

09/10/2017 - 10:49
Cha mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nguy cơ con bị bắt nạt tại trường bằng cách chủ động giáo dục, định hướng cho con hàng ngày, trang bị cho con kỹ năng sống tự tin, tư duy phản biện.

Dạy con sử dụng “mệnh đề tôi”

Chia sẻ với phụ huynh mới đây về tình trạng trẻ bị bắt nạt, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương- chuyên gia tâm lý, giảng viên khoa Công tác xã hội, trường ĐHSP Hà Nội cho biết, đây là tình trạng phổ biến ở học đường. Nhẹ thì bắt nạt chế giễu, đùa cợt, nặng thì tẩy chay, và cao hơn nữa là bạo lực học đường.

Theo nữ thạc sĩ, cha mẹ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nguy cơ này bằng cách tạo cho con mình những kỹ năng và tâm thế chủ động, tự tin, đồng thời tạo cho con những nguồn lực kết nối hiệu quả.

mai-huong.jpgChuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương (giữa) chia sẻ về cách phòng ngừa trẻ bị bắt nạt. Ảnh: D.H

“Giáo dục kỹ năng sống và các giá trị sống cho con trong gia đình gần như đang bị bỏ trống. Giá trị sống trong gia đình giữa bố mẹ và con cái chính là sự chia sẻ. Nếu con không chia sẻ, cha mẹ sẽ không biết con đang bị bắt nạt”- ThS Mai Hương cho biết.

Điều được bà Mai Hương nhấn mạnh trong việc để con chủ động chia sẻ với bố mẹ, chính là cách sử dụng “mệnh đề tôi”- đó là để con bộc lộ cảm xúc, và hình thành tư duy phản biện.

“Bố mẹ cứ băn khoăn là các con không biết chia sẻ với ai và chia sẻ như thế nào khi bị bắt nạt. Đó là do chúng ta không rõ ràng về nguồn lực cho các con và cũng là hệ quả từ văn hóa cộng đồng (chúng ta không được phép bộc lộ ra bên ngoài, trước đám đông…). Ngay từ khi trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, hãy tạo cơ hội cho con chia sẻ cảm xúc, con có thể buồn vì bị mắng, buồn vì bạn không chơi cùng”- bà Hương nói.

Khi trẻ biết bộc lộ cảm xúc, mẹ hãy rèn cho bé tư duy phản biện, biết thể hiện suy nghĩ của mình, hay còn gọi là thể hiện “mệnh đề tôi” một cách rõ ràng, để từ đó mẹ có định hướng cho con tốt hơn trong việc thể hiện chính con, yếu tố khởi nguồn để tạo nên sự tự tin trong con. Khi trẻ có đủ tự tin, mạnh mẽ bằng nội lực của con, thì không một kẻ bắt nạt nào muốn đến gần con.

Tâm thế tự tin đến từ lời nói

Định hướng cho con sự tự tin bằng việc càng cụ thể, bố mẹ càng giúp khả năng tự nhận thức của trẻ tốt hơn rất nhiều. Trẻ sẽ biết rằng mình là ai (là điểm yếu của trẻ bị bắt nạt), thuộc về đâu hay như thế nào… để đối diện với các vấn đề xung quanh một cách dễ dàng, chủ động hơn.

conbibatnat1.jpgCon càng thiếu tự tin, càng dễ bị kẻ bắt nạt nhòm ngó. Ảnh minh họa 

Cũng theo Ths Mai Hương, lời nói của bố mẹ dành cho con hàng ngày như thế nào có ảnh hưởng quan trọng đến con, tác động trực diện đến con nhiều nhất. Với một đứa trẻ nhút nhát, sự động viên của bố mẹ càng có vai trò quan trọng và thậm chí mang tính quyết định.

“Nếu 20 lần người ta nói với con tôi là con tôi hư hỏng, yếu kém thì tôi sẽ nói với con 100 lần rằng con không hư hỏng. Đó là hàng rào phòng vệ tốt nhất cho con để con thấy mình cứng cỏi, rất mạnh, mình kém môn này nhưng giỏi môn khác… đó là cách gia tăng tự tin cho con”- bà Mai Hương lưu ý.

Dạy con đi thẳng, ánh mắt tự tin

Theo ThS Nguyễn Thị Mai Hương, tạo cho con tâm thế tự tin, thoải mái chính là cách làm đẩy lùi ý chí muốn bắt nạt của những “thế lực” xung quanh. Bằng cách kết nối các nguồn lực của con, mẹ sẽ giúp con phòng được nguy cơ bị bạn bè để mắt và bắt nạt.

“Hãy giúp con phát huy các điểm mạnh: Ánh nhìn phải tự tin, đi thẳng, tư thế mở, mắt nhìn thẳng sẽ khiến năng lượng cơ thể rất lớn và phát đi tín hiệu rằng tôi đang tự tin, không ai có thể uy hiếp được tôi”- bà Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, mẹ hãy hướng dẫn bé cách kết nối các nguồn lực xung quanh để tạo cho mình một hàng rào vững chãi như thầy giám thị, cô giáo. Đơn giản nhất là chiếc điện thoại và các số điện thoại khẩn cấp khi cần để con có thể gọi điện lúc gặp nạn.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm