Những nhân vật nữ chính kiên cường trong văn của Trần Thu Trang

Hạ Đan
17/03/2024 - 21:00
Những nhân vật nữ chính kiên cường trong văn của Trần Thu Trang

Nhà văn Trần Thu Trang

Nổi tiếng từ sớm và không giấu mơ ước trở thành một Quỳnh Dao của Việt Nam, Trần Thu Trang là cái tên quen thuộc của văn học mạng thời kỳ đầu. Những tiểu thuyết của cô đều nằm trong danh sách bán chạy như: “Phải lấy người như anh”, “Cocktail cho tình yêu”, “Để hôn em lần nữa”, “Độc thân cần yêu”... Mới đây, nhiều người khá ngạc nhiên khi Trang chuyển vai, từ nhà văn thành dịch giả.

"Phụ nữ không cần phản chiếu ánh sáng của người khác"

Khi thấy cái tên Trần Thu Trang đồng dịch giả trên bìa sách "Người nối nghiệp chân chính" (tác giả: Hà Phong Xuy, NXB Hội Nhà văn), tôi quả thật có chút không dám chắc đây có phải là tác giả của những câu chuyện tình yêu từng làm rộn ràng thị trường sách cho giới trẻ khoảng hơn chục năm trước không. 

Đem chuyện này nói với Thu Trang, cô cười bảo: "Chính tôi cũng ngạc nhiên. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ, nếu tên mình có xuất hiện trên bìa cuốn này thì nhất định sẽ phải kèm chữ "hiệu đính". Vì thú thật, tôi thấy ngại khi tự xưng là dịch giả với trình độ tiếng Trung tự học, bắt đầu từ việc hát mấy bài nhạc phim TVB. Nhưng công việc dịch thuật nói chung thì không xa lạ với tôi. Bạn đọc theo dõi tôi từ những ngày đầu đều biết tôi đã dịch khá nhiều truyện ngắn của các tác giả nữ người Mỹ thời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: Kate Chopin, Alice Dunbar, Shirley Jackson… từ trước khi viết xong truyện ngắn đầu tay của tôi. Nhờ việc dịch, tôi đọc các tác phẩm kỹ hơn và học được rất nhiều về kỹ thuật viết: cách kể chuyện, cách dùng từ, cả những khuyết điểm có thể tránh. Cảm giác khi dịch giống như ta được chứng kiến quá trình sáng tác ở khoảng cách gần và tốc độ chậm".

Những nữ chính trong sách của Trần Thu Trang (kể cả tác phẩm dịch) đều nhất quán ở sự kiên cường, mạnh mẽ vượt lên nghịch cảnh đến mức mọi khó khăn hay nỗi đau đều không thể mài mòn sự độc lập và khả năng yêu thương ở họ. Giới trẻ ngày nay gọi những mẫu người này là "nữ cường nhân". Thái Vân, cô gái tỉnh lẻ trong "Phải lấy người như anh" là như thế. Hoài Đan tưởng mỏng mảnh, dễ vỡ trong "Cocktail cho tình yêu" là người như thế. Hai nhân vật nữ xuất hiện xuyên suốt trong "Người nối nghiệp chân chính" cũng lại là những "nữ cường nhân" như thế dù mỗi người "cường" theo một cách. Nhân vật nữ chính (CEO Soái Ninh) thì cứng cỏi, mạnh mẽ với tham vọng thương trường lồ lộ ra nên gây ấn tượng hơn. Nhân vật nữ thứ (kiến trúc sư Diệp Như Vy) cũng "cường" nhưng theo cách ít gây sốc, gần gũi với phụ nữ bình thường hơn.

"Điểm chung là họ phải kiên cường vì hoàn cảnh số phận bắt buộc, chứ nếu dòng đời không xô đẩy, chắc họ cũng mềm yếu như bánh bèo cả thôi. Ngoài đời, tôi gặp rất nhiều "nữ cường nhân", đa số giống nhân vật Diệp Như Vy, không có tuyên ngôn gì to tát nhưng lặng lẽ gánh vác rất nhiều trách nhiệm nhọc nhằn cả trong gia đình cũng như ở nơi làm việc, tạo dựng và giữ gìn rất nhiều giá trị tốt đẹp cho đời", Trần Thu Trang chia sẻ.

Khi tôi hỏi Trang muốn gửi gắm điều gì đến những bạn đọc qua cuốn sách này, nữ tác giả sinh năm 1982 thẳng thắn: "Tôi chỉ là một trong hai người chuyển những điều tác giả muốn gửi gắm từ tiếng Trung sang tiếng Việt mà thôi. Tình cờ là tác giả Hà Phong Xuy bằng tuổi tôi, có lẽ vì thế nên nhiều điều tác giả viết trong cuốn này cũng hợp ý tôi.

Xin trích một đoạn ở lời cuối sách mà cô ấy viết riêng cho độc giả Việt Nam: "Phụ nữ hoàn toàn có thể dựa vào năng lực của mình để có được hạnh phúc, chứ không phải thụ động chờ đợi, càng không dựa vào việc yếu đuối nhu nhược để làm hài lòng người khác, nhận lấy sự ban ơn. Phụ nữ không phải là Mặt Trăng, không cần phản chiếu ánh sáng của người khác. Chúc mỗi cô gái đều tỏa sáng lấp lánh như ánh mặt trời trong thế giới của riêng mình".

Trần Thu Trang là một trong những tác giả tiên phong của văn chương trên mạng khoảng đầu những năm 2000

Trần Thu Trang là một trong những tác giả tiên phong của văn chương trên mạng khoảng đầu những năm 2000

Hạnh phúc của một cô gái độc lập

Đã hơn một thập niên kể từ khi "Phải lấy người như anh" - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Trần Thu Trang - bước từ thế giới mạng ra đời thực, Trang nói rằng quan niệm về tình yêu và hạnh phúc của cô về cơ bản vẫn không thay đổi, rằng: "Tôi vẫn thấy tình yêu dựa trên sự phù hợp về tâm hồn và tương đối no đủ về vật chất sẽ có xác suất mang lại hạnh phúc cao nhất".

Nhớ thời điểm sau khi liên tục xuất bản 4-5 đầu sách và "Cocktail cho tình yêu" được hãng phim Đông A chuyển thể thành phim truyền hình dài tập, Trang khi đó đã ra trường nhiều năm và vẫn độc thân. Mỗi ngày cô đều phải ứng phó với những câu hỏi muôn thuở: "Bao giờ lấy chồng", "khi nào cho ăn cỗ"... Rồi người ta bàn tán, bình phẩm về cái lựa chọn một mình ấy. Ấm ức, Trang treo lên trang cá nhân một câu nói đậm tinh thần phản kháng: "Không có xứ nào lạ như xứ mình, gái có chồng có con nhưng không hạnh phúc được coi là bình thường, gái hạnh phúc nhưng không chồng không con thì coi là bất thường". Nhiều độc giả nữ thẳng thắn bày tỏ ủng hộ quan điểm này. 

Trang giải thích: "Tôi nói câu đó đơn giản vì muốn nêu ra một hiện tượng là hạnh phúc của phụ nữ thường bị áp đặt quá. Các ông bố, bà mẹ thường không cần biết con gái có thực sự cần cái mà họ (phụ huynh) coi là hạnh phúc hay không. Ai cũng nghĩ hạnh phúc là phải như thế này mà không được như thế khác. Trong khi tôi thì nghĩ, thế này hay thế khác đều được, miễn là bản thân mình thấy ổn. Tôi có nhiều bạn có chồng con, cũng có nhiều bạn độc thân. Tôi không hô hào người độc thân phải có gia đình, cũng không cằn nhằn người có gia đình vì không chịu độc thân. Trạng thái hôn nhân của họ có thay đổi cũng không sao, miễn là trạng thái hạnh phúc về cơ bản không thay đổi là được rồi".

Về sau, vì nhiều lý do, Trang viết ít đi, số đầu sách xuất bản thưa dần. Cô dành nhiều thời gian để trải nghiệm cuộc sống và đi đó đây. Những bài viết chia sẻ về việc đi du lịch một mình của Trang cũng đạt số người theo dõi và chia sẻ rất lớn. Lại có đoạn Trang mở quán bán xôi. Nhưng sau tất cả, có lẽ việc viết và tạo ra một thế giới tình cảm vừa thực tế vừa không thiếu mơ mộng mới là công việc cô yêu thích nhất. Trang nói rằng, việc dịch và tham gia hầu hết các công đoạn xuất bản một cuốn tiểu thuyết đầy tính hiện thực nhưng vẫn có những đoạn à ơi tình tứ như "Người nối nghiệp chân chính" cũng là một cách cô cố gắng để không rời xa nghề chữ nghĩa và thể loại sáng tác ưa thích của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm