Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống

Phương Liên
21/02/2020 - 08:19
Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống
Họ là những "bảo bối" luôn được cha mẹ nâng niu bảo vệ. Nhưng hôm nay, họ lại là người tiến lên để bảo vệ người khác. Đây là câu chuyện về một nhóm các thiên thần áo trắng sinh vào những năm 95 đang chiến đấu anh dũng ở Vũ Hán.
Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 1.

Hùng Hoan, sinh năm 1997, Y tá, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc

Trong thư gửi bố mẹ, cô gái trẻ viết: "Bố mẹ ơi, con vẫn ổn, nhưng con nhớ bố mẹ. Con cũng rất lo cho bố mẹ, lo bố mẹ sống không tốt, lo bố mẹ không đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đợi mọi việc xong xuôi, con sẽ về nhà, sẽ ôm bố mẹ thật chặt".

"Tôi tốt nghiệp ra trường vào tháng 6/2019, sau đó tới phòng khám làm việc vào tháng 7. Là một y tá mới, tôi có cơ hội luân chuyển trong 2 năm và đã làm việc ở bất cứ nơi nào thiếu nhân viên. Do khoa nhiễm trùng thiếu người, tôi đã tới đây làm việc, cho đến khi dịch bệnh bùng phát.

Tôi còn nhớ ngày 29/1, chúng tôi giao ban lúc 0:30 sáng. Khi đó, đồng nghiệp nói với tôi rằng, tình hình của cô Xia giường số hai và cô Zong giường 9 đang rất nghiêm trọng, cần được chú ý đặc biệt. Cứ sau 10-15 phút, tôi lại đảo qua xem một lần. Khoảng 3h sáng, khi tôi quay lại, vừa đến cửa phòng tôi nhìn thấy bệnh nhân giường 9 đang ngồi dậy, đầu ngửa ra sau, dường như đang không thở được.

Tôi lao vào và hét lên: "Cô ơi! Cô có nghe thấy không?". Tôi nhanh chóng đỡ đầu, siết chặt mặt nạ oxy, kiểm tra mạch và thấy mạch đập mạnh và nhanh. "Vẫn còn sự sống!", tôi chỉnh đầu giường cao lên để cô có chỗ dựa, oxy trong máu trên màn hình đang hiển thị tăng dần. Tôi vội vã quay lại phòng điều trị ngay lập tức, ngón tay run rẩy, nhưng tôi vẫn cố bình tĩnh bấm điện thoại để báo cho bác sĩ.

Tôi chạy lại để quan sát tình hình và lại hét lên: "Cô ơi, cô có nghe cháu không, nghe thấy thì phản ứng đi?". Lúc này, bệnh nhân có một chút phản ứng, độ bão hòa oxy trong máu tăng dần từ hơn 60%, và sau đó lên 80%. Bác sĩ bảo tôi cần máy thở. Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành máy thở. Bình thường, tôi đều nhờ các anh chị khác giúp đỡ. Nhưng lúc đó, sự cấp bách không cho phép tôi rút lui. Sau khi được kết nối với máy thở, bệnh nhân không hợp tác do khó chịu. "Cô ơi, cô có thể hợp tác với cháu không, làm theo cháu bảo, thở ra, hít vào, thở ra, hít vào...". Vì không hợp tác, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng hôn mê nông và cuối cùng đành dùng mặt nạ để hít oxy.

Tôi nắm lấy tay cô ấy và nói: "Cô ơi, cô phải mạnh mẽ, nhất định phải kiên trì". Tôi không ngừng động viên bệnh nhân. Cô ấy cũng rất cố gắng, sau đó từng chút một, toàn bộ cơ thể cô được giải cứu khỏi tình trạng thiếu oxy cực độ. Sáng hôm sau, khi bệnh nhân tỉnh dậy, tôi nói với cô ấy: "Mạng của cô là chúng cháu đã cố gắng hết sức để cứu vãn từng chút một, cô nhất định phải kiên cường, có chúng cháu ở đây!". Cô ấy nhìn tôi gật đầu.

Trước đây, tôi làm y tá là vì tốt nghiệp xong thì cần phải có công việc để làm, sống một cuộc sống tuân thủ quy tắc. Nhưng sau sự cố này, tôi phát hiện ra rằng, y tá là người mà rất nhiều người khác cần tới, vì vậy chúng tôi phải đứng vững ở vị trí này".

Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 3.

Chi Mạn Mạn, sinh năm 1997, y tá của đội y tế Giang Tô cứu trợ Hồ Bắc

Chi Mạn Mạn viết cho bố mẹ: "Bố mẹ ơi, con ở Vũ Hán mọi thứ đều ổn, đừng lo lắng, hãy đợi con về nhà. Vũ Hán cố lên! Trung Quốc cố lên! Nhất định chiến thắng!!!!!".

"Tôi là một y tá trong Khoa phẫu thuật tim mạch theo dõi ICU của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Giang Tô. Vào tối ngày 12/2, lãnh đạo nói rằng đang cần một nhóm tình nguyện 150 người. Tôi cảm thấy Vũ Hán cần chúng tôi rất nhiều và tôi đã đăng ký ngay lập tức. Vào 6 giờ sáng ngày hôm sau, danh sách xuất hiện và tôi đã ở đó!

Trước khi lên máy bay, tôi đã gửi một tin nhắn cho bố: "Bố ơi, con đi Vũ Hán đây". Ông nói, sao tôi không nói sớm! Tôi nói rằng tôi vốn không muốn cho ông biết. Cùng ngày, mẹ tôi biết chuyện và khóc rất nhiều.

Bố tôi thương tôi. Khi nhìn thấy ảnh tôi gửi từ bệnh viện, ông đã hỏi tôi tại sao người khác cắt tóc còn tôi lại cạo trọc đầu? Tôi nói làm như vậy công việc thuận tiện, không dễ bị lây nhiễm và mỗi ngày từ viện về nhà cũng dễ gội đầu hơn. Ông cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tại sao tôi lại cạo đầu, tôi là một thiếu nữ, sẽ mất rất nhiều thời gian để tóc mọc lại.

Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 4.

Khi nhìn thấy ảnh tôi gửi từ bệnh viện, ông đã hỏi tôi tại sao người khác cắt tóc còn tôi lại cạo trọc đầu?

Tôi không dám gọi video call. Có một lần tôi đội mũ và gọi về nhà, sau đó thì không bao giờ gọi video call cho bố mẹ nữa. Tôi nói với cậu em cắt tóc rằng hãy cạo trọc đi. Nhưng ban đầu cậu ấy không nỡ xuống tay, chỉ cắt ngắn tới mang tai. Trước đây tóc của tôi dài ngang eo. Sau khi cắt, tôi nhìn vào gương và không nhận ra mình, tự hỏi "Đây là ai?". Nhưng rồi nhìn lại lần nữa, tôi thấy mình đẹp trai và ngầu. Đồng nghiệp đều bảo tôi quả là một người tàn nhẫn!

Hôm trước, tôi đã ở lại bệnh viện hơn 6 giờ để điều trị cho bệnh nhân, đo nhiệt độ và xử lý các yêu cầu của bác sĩ. Trong mỗi lần điều trị, tôi sẽ gõ cửa trước và bệnh nhân sẽ nói: "Được rồi, tôi đã đeo khẩu trang, bạn có thể vào trong". Đôi khi họ lại tốt bụng nói với tôi: "Cô gái, đừng qua đây, đừng chạm vào tôi!". Sau khi tôi làm xong việc, họ lại nói cảm ơn tôi. Tôi cảm thấy rằng tâm lý của mọi người tích cực, lạc quan.

Thực ra, ban đầu tôi đã hơi lo lắng rằng mình sẽ không thể làm đủ tốt, tôi sợ cản trở cả đội. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, tôi nghĩ tôi vẫn có thể, tôi rất tự tin! Tôi cảm thấy rằng trước đây mình rất ích kỷ, luôn gây rắc rối cho cha mẹ mỗi ngày. Sau khi dịch bệnh kết thúc, điều tôi muốn làm nhất là quay về nhà, gặp gia đình mình".

Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 5.

Châu Quế Linh, sinh năm 1995, Y tá, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đồng Tế trực thuộc Đại học Y khoa Đồng Tế

Châu Quế Linh cũng an ủi bố mẹ bằng bức thư khẳng định "Con vẫn ổn, bố mẹ hãy yên tâm!".

"Sáng ngày 16/1, tôi nhận được thông báo hỗ trợ khu cách ly của phòng khám. Tôi vừa mới nghỉ ca đêm và đang trên đường trở về để chuẩn bị cho đám cưới của một người bạn vào ngày hôm sau. Lúc đó tôi đành phải nói lời xin lỗi với cô ấy và vội vã quay lại Vũ Hán.

Nhìn bộ quần áo bảo hộ vốn chỉ được thấy trên tivi, tôi vừa phấn khích vừa lo lắng. Đi thật chậm, cử động nhẹ nhàng, trong bộ đồ bảo hộ, chúng tôi giống như nhân vật hoạt hình Đại Bạch. Các bác sĩ trong khoa đều cao 1.8m, mặc vào trông đã to béo, huống chi là chúng tôi.

Khi tôi mới đến khu cách ly, hầu hết mọi bệnh nhân đều phải sử dụng máy thở, điều này quá khó khăn. Sương mù trên kính và sự ngăn cách từ găng tay cao su khiến cho việc tiêm vốn đơn giản trở nên khó khăn. Sau đó, chúng tôi ngày càng tiếp xúc nhiều bệnh nhân, dần dần cũng biết cách.

Gần đây, nhiều bệnh nhân được nhập viện điều trị khiến áp lực của các phòng khám đã giảm đi rất nhiều. Ban đầu, mỗi người chịu trách nhiệm trông 15-16 bệnh nhân nặng, bây giờ thì chỉ còn trông 7-8 bệnh nhân nhẹ, thi thoảng còn có thể nói chuyện phiếm với các cô chú lớn tuổi trong phòng bệnh.

Hai ngày nay có một cụ ông 80 tuổi tới, ông không chịu uống thuốc cũng không cho tiêm, cũng không cho xoay người. Chúng tôi trò chuyện với ông mỗi ngày. Giờ đây ông cụ cũng đã nghe lời, còn chủ động đề nghị tôi đo các dấu hiệu sinh tồn. Tôi cảm giác như ông cụ là một đứa trẻ lớn tuổi, hi vọng chúng tôi có thể bên ông nhiều hơn.

Sau khi trải qua giai đoạn chăm sóc bệnh nhân này, tôi cũng có một sự thay đổi rõ rệt trong tâm lý. Lúc mới đến khu bệnh, trên Weibo và Tiktok của tôi đều là những thông tin về tình hình dịch bệnh, càng đọc càng hoảng loạn. Nhưng bây giờ, nhìn những các đồng nghiệp bận rộn và vật lộn xung quanh, tôi tràn đầy năng lượng mỗi ngày.

Thực ra, trước tết tôi đáng lẽ cũng phải trở về quê để làm đám cưới. Trước khi Vũ Hán đóng cửa, bạn trai tôi cũng đã về quê trước. Chỉ còn lại một mình tôi ở đây. Anh ấy sợ tôi buồn, ngày nào cũng động viên, an ủi tôi. Tôi muốn nói với anh ấy: Đợi dịch bệnh kết thúc, chúng ta hãy kết hôn!"

Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 6.

Cao Đình Hi, sinh năm 1997, y tá của đội y tế Giang Tô viện trợ Hồ Bắc

Trong bức thư gửi cha mẹ ở quê nhà, Cao Đình Hi đã viết: "Là một nhân viên y tế, đương nhiên trách nhiệm của con là phải đi tiên phong trong cuộc chiến chống dịch bệnh, và nhiệm vụ của chúng con là cứu mạng sống của những người bị bệnh. Bố mẹ hãy đợi khi hoa nở chim hót, bệnh dịch bị đẩy lùi, con gái sẽ trở về, ở bên bố mẹ!".

"Tôi là một y tá trong Khoa chăm sóc và hồi sức của Bệnh viện Nhân dân số hai Thường Châu.

Vào ngày 27/1, mùng 3 Tết, khi bố đang tiễn tôi lên đường đi làm, Y tá trưởng đột nhiên gọi và hỏi tôi có đến Vũ Hán để hỗ trợ được không. Bố tôi rất ủng hộ, tôi cũng muốn đi, bởi vậy lúc đó đã đăng ký ghi danh luôn.

Trước khi rời đi, bố mẹ đã nhét cho tôi rất nhiều khẩu trang, đều là hàng không đạt tiêu chuẩn, nhưng tôi vẫn cầm đi để họ an tâm. Vào ngày 31/1, chúng tôi thực sự đã đến chiến trường. Đối tác là Bệnh viện Nhân dân số 1 của quận Giang Hạ. Ngày đầu tiên đến phòng bệnh, từ khu khử trùng đến khu cách ly là một quãng đường dài. Mặc dù đã làm đủ 3 bước bảo vệ, tôi vẫn rất sợ hãi và hoảng loạn. Ngay khi ra khỏi thang máy, tôi cảm thấy mình bị ô nhiễm, cảm thấy toàn thân đều có virus, nhưng tôi vẫn bước về phía trước.

Những nữ anh hùng áo trắng 9x ở Vũ Hán: Sau dịch bệnh, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống - Ảnh 7.

Khi vào việc, sẽ không còn thời gian để lo lắng

Vùng đệm này là con đường dài nhất mà tôi đã đi. Sau khi vào khu cách ly, khi tôi thấy các y tá địa phương đang bận và nghe thấy bệnh nhân ho, tôi lập tức vào guồng, căn bản là không có thời gian để lo lắng. Tôi được chỉ định vào khu cách ly ở tầng 25, có các bệnh nhân nặng và nhẹ. Hai y tá ở trong một nhóm, và mỗi người chịu trách nhiệm cho 16 bệnh nhân. Mỗi ca là 4 tiếng, nhưng thêm cả thời gian để mặc và cởi đồ bảo hộ, khử trùng… thì phải mất khoảng 6 tiếng.

Công việc của tôi là chọc đờm, xông đờm, đo các dấu hiệu sinh tồn, thay đổi dịch truyền cho bệnh nhân và giúp họ sử dụng máy thở. Chúng tôi đi lại không ngừng 4 tiếng đồng hồ. Sau khi mặc quần áo bảo hộ, tôi thấy bước đi khá nặng, thậm chí còn nghe thấy tiếng ma sát cơ thể và cả tiếng thở của chính mình. Bây giờ thì tôi đã quen, bước đi rất nhanh và nhịp nhàng.

Bình thường tôi đi làm 8 tiếng, tính ra mỗi ngày phải tới 15.000 bước. Bây giờ tôi tính được mình đã đi 10.000 bước trong 4 giờ. Đầu gối của tôi bị nhức mỏi. Ngoài ra, tôi còn cảm thấy bức bối, đổ mồ hôi liên tục, khi mồ hôi khô rồi thì thấy lạnh sống lưng, rồi lại đổ mồ hôi, cơ thể cứ ở trong trạng thái nóng lạnh liên hồi.

Tuy nhiên, nhìn thấy đôi mắt của bệnh nhân chứa đầy mong muốn hồi phục, mọi áp lực và sợ hãi của tôi biến mất. Họ thường khiến tôi thấy cảm động. Vào ngày 14/2, khi tôi đang giúp một bệnh nhân điều chỉnh lại máy thở, anh ấy không thể nói, nhưng lại giữ tay tôi và gật đầu thể hiện lòng biết ơn. Tôi có thể nhìn ra điều đó từ ánh mắt của anh ấy. Có những bệnh nhân biết tôi không phải là người Hồ Bắc mà tới từ Giang Tô, họ nói với tôi 4 chữ: "Tình yêu vô biên". Điều đó khiến tôi cảm thấy rằng những gì tôi làm là có ý nghĩa. Đúng vậy, tình yêu thương của người Trung Quốc ở tại thời điểm này có thể vượt biên giới các tỉnh thành.

Tôi tin rằng sau dịch bệnh này, nhiều người sẽ trân trọng mỗi ngày được sống và mọi khoảnh khắc với những người thân yêu của họ".

Nguồn: Ifeng
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm