pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ y tá Vũ Hán trở lại tiền tuyến chống dịch sau 10 ngày sảy thai
Dòng nhật ký của cô gần đây đã khiến các độc giả vô cùng xúc động: "Các đồng nghiệp thân yêu của tôi, chúng ta vạn người nhưng chung một trái tim, cuối cùng sẽ trở thành người chiến thắng trong trận chiến. Nếu có buồn bã, sợ hãi hay lo lắng, hãy cứ khóc. Khóc xong chúng ta vẫn là hảo hán!"
Hoàng Sam, sinh năm 1992, đã làm công tác điều dưỡng được 7 năm.
Trong công việc, Hoàng Sam rất nhiệt tình và có trách nhiệm, luôn được bệnh nhân và người nhà yêu mến. Cuối năm ngoái, Hoàng Sam vô cùng hạnh phúc khi biết mình có thai. Tuy nhiên, mang thai chưa đầy 2 tháng, cô gái trẻ biết mình có nguy cơ sảy cao, buộc phải làm thủ thuật bỏ thai vào ngày 10/1.
"Con à, mẹ không phải là một người mẹ tốt. Mẹ đã không chăm sóc tốt cho con. Hẹn kiếp sau mẹ vẫn có thể làm mẹ của con"- Hoàng Sam vô cùng đau khổ, đây là một sự thật không thể chấp nhận được đối với Hoàng Sam và gia đình.
Tuy nhiên, trước khi họ lau khô nước mắt, dịch viêm phổi Vũ Hán đã bùng phát và lan rộng khắp nơi. Ban đầu, Hoàng Sam được nghỉ chế độ thai sản 28 ngày, nhưng biết rằng tình hình dịch bệnh đang trở nên ngày càng nghiêm trọng ở quê nhà. Các đồng nghiệp trong khoa đã dốc hết sức chống chọi với dịch bệnh. Hoàng Sam quyết định phải chấn chỉnh lại tinh thần. Cô muốn kề vai sát cánh cùng đồng đội nên đã quay trở lại bệnh viện vào ngày 20/1.
"Y tá trưởng nói rằng việc hút thai rất có hại cho phụ nữ, tôi phải nghỉ ngơi dưỡng sức ở nhà. Nhưng khi nhìn thấy các đồng nghiệp bận rộn vất vả, tôi cảm thấy rằng lúc này mình cần chiến đấu với họ". Sau đó, Bệnh viện Hậu Hồ được chỉ định là bệnh viện chẩn đoán các cơn sốt dịch. Hoàng Sam không do dự mặc quần áo, đeo kính bảo hộ và đeo khẩu trang, thẳng tiến đến tuyến đầu của trận chiến chống dịch bệnh.
"Ngày 26/1, tôi vẫn lo lắng khi biết rằng mình sẽ đến khu cách ly. Tôi không dám nói với gia đình về quyết định của mình. Quần áo cách ly, đồ bảo hộ, màn che mặt, giày, găng tay hai lớp, bước đi có phần lảo đảo. Phòng bệnh rất bận rộn. Tiếng chuông gọi từ các phòng vang lên liên hồi, mọi người bận tới mức không tài nào dừng lại"- Hoàng Sam đã viết trong nhật ký của mình về ngày đầu tiên cô đi làm ở khu cách ly- "Có lẽ cơ thể tôi vẫn còn yếu. Tôi cảm thấy hụt hơi và không thể theo kịp nhịp điệu của mọi người. Tôi thay thuốc và tiêm cho bệnh nhân. Có lẽ đó là lần đầu tiên tôi mặc quần áo bảo hộ, tôi cảm thấy ợ hơi, khó thở và buồn nôn. Có thể cơ thể tôi chưa phục hồi. Đúng vậy, tôi vừa mất đi một em bé. Trong bụng tôi từng có một sinh mạng nhỏ, tôi đã khóc rất lâu mà vẫn không thể từ bỏ sự nuối tiếc này…"
Cứ như vậy, những dòng nhật ký trong chuỗi ngày bận rộn đã giúp Hoàng Sam vẫn còn yếu ớt trở nên thích nghi với môi trường làm việc mới mỗi ngày và điều chỉnh được tâm trạng của bản thân. Hoàng Sam cảm thấy nhẹ nhõm vì giờ đây cô là một chiến binh chống dịch đủ tiêu chuẩn.
Nhật ký viết ngày 5/2, cũng là ngày thứ 11, Hoàng Sam phải vật lộn trong khu cách ly.
Cô viết trong nhật ký vào ngày 5/2: "Mẹ tôi biết rằng tôi đã tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân Covid 19 và bà lo tới mức khóc không ngừng. Làm sao bà có thể chịu đựng khi thấy con gái mình gặp nguy hiểm, bà thà là thay cho tôi, trở thành lá chắn nguy hiểm trước mặt tôi… Nhưng mẹ ơi, luôn có những người phải cầm kiếm lên xông pha chiến trường, không phải vậy sao mẹ? Đất nước đang cần, và chúng con phải tiến lên. Trước những gian nan đau khổ của cuộc sống, luôn đòi hỏi phải có những người ngược dòng tiến lên. Các đồng nghiệp thân yêu của tôi, chúng ta vạn người nhưng chung một trái tim, cuối cùng sẽ trở thành người chiến thắng trong trận chiến. Nếu có buồn bã, sợ hãi hay lo lắng, hãy cứ khóc. Khóc xong chúng ta vẫn là hảo hán!".