Những nữ doanh nhân năng động trên quê lúa Thái Bình

Hải Linh (thực hiện)
13/10/2023 - 20:39
Tỉnh Thái Bình hiện có hàng trăm phụ nữ tiêu biểu là các chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất, tổ hợp tác... Dù mỗi người một lĩnh vực, song các chị đã đạt được nhiều thành công cho gia đình và xã hội.

Chị Đặng Thị Thùy Linh - Giám đốc công ty TNHH Hoài Phương, thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Năm 2009, tôi bắt đầu bước vào khởi nghiệp kinh doanh. Đến nay, công ty sản xuất, kinh doanh khuôn mẫu và sản phẩm đồ chơi công viên, chậu cảnh của tôi tạo việc làm cho trên 20 lao động. Đặc biệt, tôi luôn dành nhiều ưu tiên và quan tâm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nữ và người khuyết tật của quê hương mình.

Nữ doanh nhân tỉnh Thái Bình: Hạnh phúc khi giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định  - Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Thùy Linh (áo đen) - Giám đốc công ty TNHH Hoài Phương trao đổi với người lao động về các khâu hoàn thành sản phẩm đồ chơi công viên

Thu nhập của người lao động tại Công ty TNHH Hoài Phương của chị ổn định từ 6,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 12 tỷ đồng. Từ chỗ công ty có quy mô mặt bằng sản xuất 1.000m2, nay chị Đặng Thị Thuỳ Linh đã mở rộng xưởng sản xuất lên đến 16.000m2.

Hiện nay Công ty TNHH Hoài Phương đang đầu tư xây dựng thêm dây chuyền chế biến đặc sản cá rô đồng, cung cấp cho hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận, với quy mô 90 tấn/tháng vào năm 2024.

Chị Nguyễn Thị Chiến - Phó giám đốc hợp tác xã Hoa sen Vân Đài, xã Chí Hòa huyện Hưng Hà: Từ người lao động nông thôn ở vùng đất chua trũng xã Chí Hoà, được sự hỗ trợ, đồng hành của Hội LHPN xã và huyện Hưng Hà, cùng một số nhà khoa học, chị Nguyễn Thị Chiến đã mạnh dạn xây dựng, thành lập Hợp tác xã Hoa sen Vân Đài, vừa kết hợp sản xuất, vừa phát huy được tài nguyên bản địa gắn với phát triển du lịch sinh thái của vùng đất quê hương mình.

Chị Nguyễn Thị Chiến tham gia quản lý hợp tác xã có quy mô sản xuất gần 6 ha đầm để trồng sen và chế biến các sản phẩm từ sen. Đến nay, hợp tác xã của chị đã cho ra nhiều loại sản phẩm được người dân ưa chuộng, có 4 sản phẩm đã đăng ký thương hiệu OCOP.

Nữ doanh nhân tỉnh Thái Bình: Hạnh phúc khi giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định  - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Chiến - Phó giám đốc hợp tác xã Hoa sen Vân Đài - khởi nghiệp thành công khi chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa sen, hoa súng và cây cảnh các loại

Những thửa ruộng trước đây cấy lúa, nay đã được chị chuyển đổi thành công sang trồng các loại hoa sen, súng, đỗ quyên và nhiều cây cảnh có gia trị kinh tế khác, tạo cảnh quan thơ mộng, là điểm đến của hàng chục ngàn lượt du khách mỗi năm đến tham quan và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên của tỉnh Thái Bình. 

Tháng 9/2023, chị Nguyễn Thị Chiến có dự án khởi nghiệp đạt giải Khuyến khích tại cuộc thi chung kết Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp cấp vùng các tỉnh miền Bắc, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Hiếu - Chủ cơ sở áo dài Trung Đồng, khởi nghiệp với tà áo dài truyền thống tại quê hương của chồng ở xã Nam Trung, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình).

Chị Nguyễn Thị Hiếu cho biết: "Thời gian đầu mới mở cửa hàng, bản thân tôi là lao động duy nhất. Tôi làm đủ mọi việc từ lên ý tưởng, setup, trang trí, tư vấn bán hàng, chạy quảng cáo, phát tờ rơi, liên hệ đài phát thanh. Điểm bất lợi là cửa hàng ở ngõ sâu của thôn quê, vắng người qua lại. Khi ấy, tôi khởi nghiệp chỉ với hơn 50 triệu đồng, nên tôi tận dụng phòng khách của chính gia đình mình làm cửa hàng. Qua thăm dò tâm lý khách hàng, tôi thấy tâm lý người tiêu dùng đều nghĩ áo dài chỉ may đo mới đẹp, nên việc kinh doanh bán áo dài may sẵn được rất ít người ủng hộ, ngay cả những người thân, bà con lối xóm đều can ngăn tôi".

Nữ doanh nhân tỉnh Thái Bình: Hạnh phúc khi giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định  - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Thị Hiếu - Chủ cơ sở áo dài Trung Đồng 

Năm 2019, chị quyết định xây cửa hàng bên cạnh nhà, rộng gần 150 m2 để kinh doanh. Đến năm 2020, cửa hàng xây lên tầng 2 để phục vụ nhu cầu tăng nhanh chóng về số lượng khách hàng cũng như sản phẩm.

Năm 2022, "Áo dài Trung Đồng" tiếp tục khai trương cơ sở 2, tại 80A Đốc Đen, Trần Lãm, thành phố Thái Bình, nhằm phục vụ chị em các khu vực lân cận và khách hàng các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng… đi lại thuận tiện hơn.

Để có nguồn hàng đáp ứng kịp thời khách hàng, "Áo dài Trung Đồng" đã liên kết với các xưởng may lớn, và tại cơ sở luôn có hơn 30 công nhân cắt may và trang trí áo dài, với mức thu nhập từ 6 triệu đến 10 triệu đồng/tháng/người. Nhân sự của 2 cơ sở áo dài của chị đều duy trì ổn định các bộ phận như: Bán hàng, kế toán, thu ngân, cắt may, là đồ, trang trí, marketing để phục vụ khách hàng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

Chị Nguyễn Thị Bình - phụ nữ khuyết tật xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình, tự lực vươn lên bằng cửa hàng may đo thời trang và kinh doanh. Chị Bình hiện nay là Ủy viên ban Chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Thái Bình.

Dù bị hạn chế về sức khoẻ, đi lại khó khăn, chị đã phải bỏ dở việc đến trường từ sớm. Sau khi nghỉ học, chị nghĩ mình là người khuyết tật thì phải tìm một nghề phù hợp mới đảm bảo được cuộc sống lâu dài, không thể làm gánh nặng cho gia đình. Chị mong một ngày nào đó có thể thay đổi được hoàn cảnh và chị quyết định học nghề may.

Nữ doanh nhân tỉnh Thái Bình: Hạnh phúc khi giúp nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định  - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Bình 

Với tất cả sự nỗ lực cố gắng, kiên trì học hỏi và rèn luyện tay nghề, chị đã trở thành thợ may có tay nghề giỏi, mở được cửa hàng may thời trang cho riêng mình.

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, chị còn đào tạo nghề cho trên 200 lượt người gồm lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động xuất khẩu, học sinh-sinh viên, những người là con em gia đình chính sách xã hội và những người bình thường khác.

Chị Bình cho biết, chị vừa mở thêm cơ sở kinh doanh online, chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp, cùng các mặt hàng gia dụng tiện ích khác để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tăng thêm thu nhập cho gia đình của mình, đồng thời tạo việc làm thêm cho người lao động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm