Tìm hướng đi mới từ nguyên liệu thảo dược bản địa

An Khê
12/10/2023 - 21:41
Tìm hướng đi mới từ nguyên liệu thảo dược bản địa

Chị Nguyễn Thị Thu Trang và các sản phẩm của mình

Khi xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng thịnh hành thì ngành dược liệu càng đối mặt với sức cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1990) đã tìm ra hướng đi mới, khác biệt cho sản phẩm của mình để đứng vững trên thị trường.

"Trong khi chúng ta xuất bán dược liệu thô với giá rẻ nhưng lại nhập dược liệu "rác" để sản xuất các sản phẩm trong nước cho người Việt mình sử dụng. Điều này thật đáng tiếc. Chính vì vậy, tôi luôn ấp ủ khát khao xây dựng được vùng dược liệu sạch tại Gia Lai để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm tốt cho sức khỏe, giúp nâng cao giá trị của dược liệu Việt", chị Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Hướng đi mới từ nguyên liệu thảo dược bản địa - Ảnh 1.

Từ số vốn ít ỏi, chị Thu Trang đã có được thương hiệu riêng và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ trên địa bàn

Chị Thu Trang sinh ra và lớn lên ở vùng đất Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Tốt nghiệp THPT, chị rời quê hương vào TPHCM học ngành Công nghệ sinh học (Đại học Nông Lâm), sau đó tiếp tục lấy bằng Thạc sĩ Sinh học tại Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Công nghệ sinh học, chị có cơ hội làm việc tại một số cơ quan nhà nước, công ty tư nhân với các dự án về nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu.

Suốt 4 năm làm việc, chị được đi thực tế nhiều nơi, được tiếp xúc, học hỏi nhiều kiến thức về dược liệu với nhiều chuyên gia, điều đó đã nhen nhóm tình yêu, niềm đam mê của chị với cây dược liệu.

Năm 2017, với số vốn ban đầu gần 300 triệu đồng tích góp được sau 4 năm làm việc và vay mượn thêm của bạn bè, người thân, chị quyết định nghỉ việc về quê, thuê 1ha đất trồng đinh lăng cùng một số loại cây dược liệu khác như sâm bố chính, hà thủ ô… Từ nguồn dược liệu chất lượng, chị nghiên cứu sản xuất ra sản phẩm Linh Lăng trà. Đây là trà hòa tan kết hợp từ lá, thân, củ của cây đinh lăng, nấm linh chi rừng và các loại dược liệu bản địa khác như dâu tằm, lạc tiên.

Hướng đi mới từ nguyên liệu thảo dược bản địa - Ảnh 2.

Các sản phẩm của Công ty TNHH Dược Thảo LiLa

Khi đưa sản phẩm ra thị trường, Linh Lăng trà được khách hàng đón nhận và cho phản hồi tốt. Ban đầu, quy trình chế biến từ nấu cao, cô cao, xát hạt, sấy, đóng gói,… hoàn toàn là thủ công. Mong muốn mở rộng thị trường cho Linh Lăng trà và các sản phẩm trà thảo dược khác, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất dược liệu bền vững, lan tỏa văn hóa sử dụng dược liệu Việt tới người tiêu dùng, chị đã thành lập Công ty TNHH Dược Thảo LiLa và tiến hành xây dựng nhà xưởng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, mua sắm thiết bị phục vụ cho sản xuất.

Tiêu chí kinh doanh của chị Thu Trang: Luôn cố gắng mỗi ngày, học hỏi thêm các kiến thức về kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, các hội chợ, hội nghị để quảng bá sản phẩm tới khách hàng

Hiện nay, để mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, chị đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu cây dược liệu với các hộ dân trong xã; Cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với mức giá hợp lý để tạo thu nhập ổn định, từng bước xây dựng niềm tin với người dân.

Thành công đã mang lại lợi nhuận cho công ty, và đó cũng là động lực để chị tiếp tục nghiên cứu nhiều sản phẩm cung ứng ra thị trường. Đó là dòng sản phẩm dược liệu chất lượng cao như đinh lăng, bạc hà, hàm hương, hoa cúc, lạc tiên, gừng, tinh dầu bạc hà,... Trà thảo dược hòa tan như linh lăng, bí đao, tam thất. Trà thảo mộc như hoa hồng, hoa cúc, bạc hà, trà thảo mộc LiLa,…

"Hiện nay quy mô sản xuất của LiLa là 300kg thành phẩm/tháng, cho doanh thu 60-80 triệu đồng/tháng. Công ty tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu/tháng; tạo việc làm cho 4-5 lao động thời vụ với mức thù lao từ 180 đến 200 nghìn đồng/ngày. Hầu hết lao động là nữ, có con nhỏ hoặc phụ nữ lớn tuổi", chị Thu Trang cho biết.

Khó khăn lớn nhất đối với chị Thu Trang chính là việc thiết lập vùng nguyên liệu bản địa. Ở đây không chỉ là việc thu mua cây dược liệu bản địa mà là việc thay đổi tập quán canh tác của bà con từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hữu cơ. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã xây dựng các mô hình sản xuất điểm, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu với giá phù hợp để tạo được thu nhập ổn định cho bà con.

Chị cũng kiên trì tìm kiếm khách hàng có nhu cầu mua dược liệu sạch, chất lượng cao để giới thiệu sản phẩm của LiLa. Xây dựng hệ thống cộng tác viên, đại lý, kết nối các nhà thuốc, dược sĩ,… để mở rộng kênh phân phối.

"Thời gian tới, Dược Thảo LiLa mong muốn xây dựng và phát triển vùng dược liệu sạch - chất lượng tại địa phương liệu theo hướng hữu cơ để vừa chủ động sản xuất vừa góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đồng thời, chúng tôi cũng định hướng đầu tư thiết bị hiện đại, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các tri thức và kinh nghiệm dân gian cho ra những sản phẩm mới mang tính đặc trưng cho địa phương với tiêu chí an toàn, chất lượng, tiện lợi. Trong thời gian tới, song song với phát triển thị trường trong nước, chúng tôi quyết tâm mở rộng, nâng cấp nhà xưởng lên tiêu chuẩn ISO hướng đến xuất khẩu dược liệu và trà thảo dược", chị Thu Trang chia sẻ.

Liên hệ: Chị Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc công ty TNHH Dược Thảo LiLa

Địa chỉ: thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai

Điện thoại: 0888 712 498

Fanpage: Dược Thảo LiLa

Giá sản phẩm từ 100.000đ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm