Những ông bố "thả" cho con dự kỳ thi Quốc gia như đi học ngày thường

22/06/2017 - 14:49
“Tôi không tạo áp lực cho con nên con tôi đi thi với tâm lý rất thoải mái. Mấy ngày cuối, cháu gần như buông sách vở. Tôi quan niệm, đỗ ĐH thì thành công cao hơn, còn trượt ĐH không có nghĩa là tương lai của con khép lại”, anh Hoàng Minh Tuấn chia sẻ.
Không bị áp lực từ bố mẹ, nhiều thí sinh đi thi với tâm lý rất thoải mái. Ảnh: Thu Hương

Không giống như nhiều phụ huynh phải đứng sát cổng trường trông mong, ngóng chờ con, anh Tuấn đợi con từ xa với sự điềm tĩnh. Anh Tuấn cho biết, anh làm nghề xây dựng, hôm nay nghỉ làm đưa con trai học trường THPT Lê Quý Đôn đi thi ở điểm thi trường THPT Đống Đa nằm trong ngõ quan Thổ 1 phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Đứng cách công trường cả 100m đợi con, anh Tuấn không tỏ ra lo lắng, sốt ruột vì ngay từ đầu đã xác định với con là vào thi thật thoải mái, không vì kết quả mà tạo áp lực. “Không kỳ vọng không có nghĩa là để con tự do chơi, mà con vẫn phải cố gắng hết sức. Tuy nhiên, tôi không đòi hỏi con phải cố quá sức của con. Con học, con thi, con chọn trường theo đúng khả năng của con”.

Cũng theo anh Tuấn, nhiều cha mẹ hiện nay tạo cho con gánh nặng học hành quá lớn khiến đứa trẻ mất cả tuổi thơ. Những cô cậu tuổi teen thì ngoài việc học, không biết làm việc gì.

“Cuộc sống, công việc sau này cần đến rất nhiều kỹ năng chứ không chỉ là những kiến thức lý thuyết. Thế mới có chuyện, nhiều sinh viên ra trường rất khó xin việc hoặc xin việc thì lương cũng ở mức “cận nghèo”. Là bởi, những em đó thiếu sự nhanh nhẹn, năng động, thiếu những trải nghiệm, kỹ năng mà công việc cần. Các em chỉ có duy nhất tấm bằng ĐH làm hành trang”.

Với nhiều thí sinh, thi THPT Quốc gia không khác gì những ngày đến trường. Ảnh: Thu Hương

Chính với tư tưởng thoáng như vậy nên con trai anh Tuấn rất thoải mái đi thi. “Tôi nói với con, con chỉ cần cố gắng hết sức, còn kết quả như thế nào không quan trọng. Nếu con không đỗ nguyện vọng 1 là ĐH Hà Nội, con có nguyện vọng 2, 3, 4… để lựa chọn. Con có thể học ĐH dân lập, cao đẳng, điều đó không quan trọng. Quan trọng là bản thân con có gì, năng lực thực sự, thế mạnh của con như thế nào. Nếu con đỗ ĐH thì thành công cao hơn nhưng không đỗ ĐH thì không có nghĩa là tương lai của con khép lại. Nghe những lời “động viên” của bố nên con trai tôi mấy hôm nay ăn ngủ thoải mái, không căng thẳng, mất ăn mất ngủ như nhiều thí sinh khác. Sáng nay con đi thi nhưng chẳng khác gì con đến trường đi học mọi ngày”, anh Tuấn chia sẻ.

Tâm trạng lo lắng, căng thẳng của không ít phụ huynh khi chờ con thi. Ảnh: Thu Hương

Cũng giống như anh Tuấn, anh Vũ Mạnh Hùng (Đại Mỗ, Hà Nội) đưa con đi thi với tâm trạng để con biết sức học của mình đến đâu. Thế nên đi thi, con không có cảm giác nặng nề.

Không chỉ có anh Tuấn, anh Hùng, nhiều ông bố đưa con đi thi với tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng, khác hẳn với các bà mẹ luôn thường trực nỗi âu lo, căng thẳng đến mất ăn mất ngủ. Bởi họ quan niệm, vào ĐH không phải là con đường duy nhất với con. Có thể, con đường đi đến thành công sẽ hơi vòng vèo nhưng quan trọng là con sẽ không khổ sở, vật vã nếu làm bài thi không như mong muốn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm