Những quy định mới về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 1/7

Hồng Kiều
01/07/2025 - 12:16
Những quy định mới về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 1/7

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng với lao động nam bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm tham gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 giảm thời gian đóng để hưởng bảo hiểm xã hội và có các chính sách đóng bù cho số năm còn thiếu để người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách lương hưu hơn.

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày hôm nay 1/7, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu đã giảm từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ số năm trên vẫn có cơ hội tiếp cận lương hưu.

15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ được nhận lương hưu

Kế thừa quy định hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 tiếp tục đưa ra những quy định nhằm giúp người tham gia bảo hiểm xã hội muộn có cơ hội nhận lương hưu.

Luật quy định người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đủ 15 năm cũng có thể nhận lương hưu. Tuy nhiên, luật quy định người lao động phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 14 năm 6 tháng, số tháng còn thiếu (6 tháng) có thể đóng một lần để đủ 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc.

Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm từ 15 năm trở lên hoặc bị suy giảm khả năng lao động được nghỉ hưu sớm hơn 5-10 năm, tuỳ trường hợp. Tuy nhiên, điều kiện để người lao động thuộc nhóm này nghỉ hưu ngoài đáp ứng về tuổi phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 15-20 năm, tuỳ trường hợp.

Những quy định mới về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 1/7- Ảnh 1.

Quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận lương hưu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ví dụ, ông K nghỉ việc hưởng lương hưu tháng 4/2027 khi đủ 55 tuổi. Ông có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; bị suy giảm khả năng lao động 81%.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông K được tính như sau: 20 năm đầu được tính bằng 45%; từ năm thứ 21 đến năm thứ 30 là 10 năm, tính thêm: 10 x 2% = 20%; tổng hai tỷ lệ trên là: 45% + 20% = 65%.

Ông K nghỉ hưu trước tuổi là 1 năm 9 tháng, nên tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi là 2% + 1% = 3%. Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của ông K là 65% - 3% = 62%.

Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Luật Bảo hiểm xã hội mới cũng quy định giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu với nhóm này từ 20 năm xuống còn 15 năm. Tuy nhiên, người lao động cần đóng trực tiếp 10 năm, số tiền còn thiếu là 5 năm được đóng một lần.

Quy định trên của Luật Bảo hiểm xã hội giúp nhiều người dân có cơ hội tiếp cận lương hưu.

Cách tính trợ cấp khi nghỉ hưu

Luật Bảo hiểm xã hội mới quy định mức hưởng lương hưu tối đa của người lao động là 75% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng, tương ứng 35 năm đóng bảo hiểm xã hội với nam và 30 năm đóng bảo hiểm xã hội của nữ.

Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm đối với nam và cao hơn 30 năm đối với nữ kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ, ông D làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng ông D không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng bảo hiểm xã hội thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu. Khi nghỉ việc hưởng lương hưu, ông D có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 41 năm.

Như vậy, ngoài lương hưu ông D còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau: 3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 0,5 = 1,5.

3 năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu, mỗi năm bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội: 3 năm x 2 = 6.

Như vậy, ông D được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu bằng 7,5 (1,5 + 6) lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng với lao động nam bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm tham gia. Mỗi năm đóng sau đó được cộng 2% cho đến khi đạt tỷ lệ hưởng tối đa 75%, tương ứng 35 năm tham gia.

Lao động nữ làm việc trong điều kiện bình thường, đủ tuổi nghỉ hưu được tính bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm tham gia. Mỗi năm tích lũy sau đó cộng thêm 2% cho đến khi đạt tối đa 75%, tương ứng 30 năm tham gia.

Nguồn: VNP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm