Những “shipper” đặc biệt ở Thủ Đức

Phạm Thương
17/08/2021 - 06:30
Những “shipper” đặc biệt ở Thủ Đức

Cán bộ Hội thành phố Thủ Đức (TPHCM) đi chợ giúp dân

Trong tâm dịch, nhiều cán bộ Hội LHPN ở TP Thủ Đức (TPHCM) vẫn lặn lội đi khắp các con hẻm để phát những phần cơm, lập “gian hàng 0 đồng”, phát nhu yếu phẩm. Các chị còn là những “shipper 0 đồng”, đi chợ giúp người dân.

Linh hoạt trong cách làm

Hiện nay, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương trong thành phố triển khai việc phát phiếu đi chợ cho các hộ gia đình theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua lương thực, thực phẩm để giảm tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người. "Để giúp các chị yên tâm đi chợ thay cho người dân, Hội LHPN phường đã phân cụ thể theo từng khu phố. Mỗi khu phố có 4 chị đi chợ thay, các chị luân phiên nhau đi. Hiện nay, chúng tôi đi chợ theo phiếu của người dân. Nghĩa là hộ dân đó nhận phiếu đi chợ vào khung giờ nào thì chúng tôi đi theo giờ đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể sắp xếp đi được ngay vì còn nhiều công việc khác. Thậm chí, nhiều đơn hàng chúng tôi phải đi 2-3 siêu thị mới có món hàng cần mua", chị Trần Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Thọ (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết.

Cũng theo chị Nga, tại phường Bình Thọ, mỗi khu phong tỏa có một nhóm trên zalo, người dân có nhu cầu gì thì nhắn tin lên nhóm đó. Phía Hội LHPN và các đoàn thể khác sẽ tham gia hỗ trợ đi chợ thay. Theo đó, vào buổi chiều các ngày, chị Nga và cán bộ Hội nhận nhiệm vụ đi chợ thay sẽ nhận các đơn hàng, tối về thống kê, phân loại và đi mua theo lịch. Để giải quyết những khó khăn khi đi chợ theo phiếu, các chị đã linh hoạt gom các đơn hàng với nhau và đi chợ với phiếu có thời gian phù hợp nhất. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các chị luôn tuân thủ quy tắc 5K, để không bị lây nhiễm Covid-19.

Đi chợ online thay

Còn tại phường Bình Chiểu, cán bộ Hội sẽ đi chợ theo hình thức online thay cho người dân. Cụ thể, mỗi ngày các chị sẽ nhận những yêu cầu đặt hàng từ phía người dân. Tối về, các chị thống kê, phân loại, liên hệ đặt hàng. Phía Hội sẽ kết nối trực tiếp với nơi cung cấp thực phẩm để giao hàng đến trụ sở của Hội LHPN phường. Sau đó, cán bộ Hội sẽ mang đến giao tận nơi hoặc gửi vào cho các hộ dân. Để hạn chế tiếp xúc và tranh thủ thời gian, các chị gọi điện báo số tiền trước khi đưa túi hàng đến trước cửa nhà của người dân. Các giao dịch thực hiện chuyển khoản.

Chị Nguyễn Thụy Khánh, Chủ tịch Hội LHPN phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức, TPHCM) bộc bạch: "Phường Bình Chiểu có lượng dân cư rất đông. Tính riêng hội viên phụ nữ của phường đã gần 5.400 người. Phường chúng tôi đa số là công nhân nhập cư, họ sống ở các dãy trọ. Ban đầu, chúng tôi dự định đi chợ giúp bà con trong khu vực phong tỏa, tiếp nhận và mang nguồn thực phẩm từ thiện đến tận nhà cho những hộ quá khó khăn. Sau khi cả phường bị phong tỏa, việc làm "shipper 0 đồng", đi chợ giúp dân gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là thiếu lực lượng đi chợ thay. Thứ hai là thực phẩm hiện nay hay bị thiếu hàng, thiếu nhiều nhất là thịt heo, thịt bò. Ngoài ra, thời gian đầu chúng tôi phải xuống từng hộ để gửi danh sách, bảng giá và phát phiếu mua hàng để người dân điền vào. Nhiều người trung niên, lớn tuổi không sử dụng zalo, facebook nên vẫn phải dùng phiếu giấy. Nhiều đơn hàng đặt từ rất sớm nhưng không mua được".

Giữ muôn vàn khó khăn và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 luôn rình rập, các chị vẫn không chùn bước. Chị Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức, cho biết, những ngày này, công tác huy động nguồn lực, tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được các cấp Hội thành phố tích cực triển khai. Các cấp Hội LHPN TP Thủ Đức đã trực tiếp đóng góp tiền mặt, tổ chức các đoàn thăm, động viên, tặng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, nước uống, các nhu yếu phẩm cho lực lượng làm nhiệm vụ và người đang thực hiện cách ly. Đặc biệt, mô hình "shipper 0 đồng" nhận được sự đánh giá tích cực của nhiều người dân. Mỗi ngày, có trên 300 đơn hàng đi chợ giúp được thực hiện. Chưa kể, các phường đều tổ chức "siêu thị 0 đồng", "gian hàng 0 đồng", "bách hóa 0 đồng" nhằm cung cấp lương thực cho người dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm