Những tà áo dài trong chặng đường 75 năm Ngoại giao Việt Nam

Ngự Bình
02/11/2020 - 19:27
Những tà áo dài trong chặng đường 75 năm Ngoại giao Việt Nam

Thứ trưởng Thường trực, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tặng hoa các đại biểu tham dự Tọa đàm "Những tà áo dài trong chặng đường 75 năm Ngoại giao Việt Nam - Ký ức và hy vọng", ngày 19/10/2020, nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và 75 năm thành lập ngành Ngoại giao

Với những nữ cán bộ ngoại giao, niềm đam mê với nghề, khát khao được cống hiến để nâng cao vị thế đất nước vô cùng quan trọng và thiêng liêng...

Nghề "từ trái tim đến trái tim"

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga là người truyền cảm hứng cho nhiều cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao trong việc cân bằng cuộc sống và vươn lên trong công việc. Chia sẻ tại tọa đàm "Những tà áo dài trong chặng đường 75 năm Ngoại giao Việt Nam - Ký ức và hy vọng", Đại sứ Nguyệt Nga nhớ lại quãng thời gian hơn 30 năm về trước khi vừa mới "chân ướt chân ráo" vào ngành ngoại giao, đúng thời điểm đất nước khó khăn vì khủng hoảng kinh tế, bao vây cấm vận. Có lẽ cũng vì thế mà cô cán bộ ngoại giao ngày ấy luôn nỗ lực từng ngày. Bà may mắn được học hỏi từ những người thầy tạo sự ảnh hưởng cả về tư duy và đạo đức. Đó là nhân duyên để sau này bà trở thành con dâu út của Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Là nữ Vụ trưởng đầu tiên về kinh tế ở Bộ Ngoại giao, được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ, là quan chức cao cấp của Việt Nam tại Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Phó trưởng đoàn đàm phán chính phủ về kinh tế - thương mại, từng là Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ... là những vị trí bà từng đảm nhiệm trong hơn 30 năm làm nghề. Hiện bà là Đại diện của Việt Nam trong Nhóm tầm nhìn Diễn đàn APEC (AVG) với vai trò Phó chủ tịch; Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương; thành viên Nhóm phụ nữ ASEAN về hòa bình và hòa giải; Chủ tịch danh dự của Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội.

Vị Đại sứ này luôn tâm niệm, nghề ngoại giao là nghề quan hệ giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim. "Giống như nhiều chị em phụ nữ công tác trong ngành ngoại giao, nếu được hỏi sau này sinh ra muốn được lựa chọn nghề nào, có làm ngoại giao nữa không, tôi có thể khẳng định, tôi luôn luôn muốn mình là một nhà ngoại giao", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ.

Bà luôn mang trong mình tinh thần truyền lửa đam mê đến với những đồng nghiệp nữ, vẫn làm việc hăng say để đảm bảo bình đẳng giới trong ngành Ngoại giao, để áo dài Việt tỏa sáng tại các diễn đàn năm châu. Đại sứ Nguyệt Nga bày tỏ: "Chúng tôi luôn nói là phải phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, chiếc áo dài của người phụ nữ Việt vô cùng đẹp, phong thái của phụ nữ Việt vô cùng nhân hậu, nhân văn".

Những "cung bậc" của nghề ngoại giao

Là một trong những "bóng hồng" hiếm hoi trên mặt trận ngoại giao trong thập niên 70, là thế hệ Đại sứ trẻ đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài trong những năm 90, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi là cái tên gắn với nhiều cột mốc quan trọng trong lịch sử đối ngoại nước nhà. Vừa cương nghị, quyết đoán, vừa mềm mỏng, tinh tế, đó chính là hình ảnh của Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, lãnh đạo của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Áo (1992-1995) và Canada (2002-2006). Bà được Ủy ban UNESCO thế giới bầu chọn là 1 trong 60 người phụ nữ quốc tế điển hình có đóng góp cho 60 năm của UNESCO...

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kể, bà đến với ngành ngoại giao rất tình cờ. "Khi mới ra trường, tôi chỉ biết về Bộ Ngoại giao thông qua Đại sứ quán. Ấn tượng của tôi về ngành ngoại giao là lúc nào cũng rất nghiêm túc, trịnh trọng, trong khi tính cách của tôi lại hơi phóng khoáng nên chưa từng nghĩ mình sẽ phù hợp với ngành này". Thế nhưng, nghề đã chọn người. Hoàn thành chương trình học tại Cuba và về nước vào năm 1970, thời điểm nhân lực có trình độ về tiếng Anh còn khan hiếm, bà được tuyển về phòng Phiên dịch, Bộ Ngoại giao và gắn bó với ngành đối ngoại từ đó. "Nghề phiên dịch đồng nghĩa với làm việc liên tục, không kịp ăn uống là chuyện "cơm bữa". Chưa kể, trong những chuyến công tác xa, nơi ăn chốn ở tạm bợ, cũng không có ưu tiên nào dành riêng cho phụ nữ, mình phải cố gắng thích nghi", bà Hồi kể.

Vào thời chiến, những thử thách của nghề cũng tăng lên gấp bội, khi cán bộ phiên dịch phải đối mặt với ranh giới sinh tử trong khi làm nhiệm vụ. "Những năm 70 của thế kỷ trước, đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc hết sức ác liệt. Có những khi, đang dẫn các đoàn khách nước ngoài đi thực tế, nghe báo động máy bay địch đến, cả phiên dịch, cả khách vội vàng nhảy xuống hầm trú ẩn", Đại sứ Nguyễn Thị Hồi nhớ lại.

Nhiệm kỳ tại Canada là một quãng thời gian đáng nhớ, đánh dấu sự đóng góp quan trọng của Đại sứ Nguyễn Thị Hồi trong việc vận động sự ủng hộ của quốc tế, cụ thể là Canada, đối với tiến trình gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam. Nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp ngoại giao, từng đi qua những thời kỳ lịch sử thăng trầm, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi đã tích lũy được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Với bà, người lính chiến đấu bằng súng đạn, nhà báo chiến đấu bằng ngòi bút còn những nhà ngoại giao chiến đấu bằng lập luận và bản lĩnh. Hơn nữa, làm ngoại giao cũng cần biết đau nỗi đau của đất nước, biết yêu thương và trân trọng người dân để luôn đấu tranh cho cuộc sống hòa bình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm