pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những thách thức và cơ hội với nhà làm phim nữ
Các khách mời tham gia chương trình
Khó đảm bảo "giỏi làm phim - đảm việc nhà"
Ở Việt Nam, dường như chưa có nghiên cứu hay con số thống kê chính thức nào về tỷ lệ nam - nữ theo nghề phim. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đạo diễn Nhuệ Giang, số lượng đạo diễn, nhà làm phim là nữ giới ngày càng tăng: "Thời tôi đi học, lớp có 10-12 người thì chỉ có 2 người là nữ, trong đó có những người đi học thêm chứ không phải vì đam mê. Giờ thì khác, là giảng viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, tôi thấy tỷ lệ nam và nữ tại các lớp học đạo diễn đã ngang bằng nhau. Nhiều sinh viên nữ còn đỗ đầu khóa tốt nghiệp ở trường. Các giải thưởng hiện nay cũng thường xuyên vinh danh những đạo diễn nữ. Điều đó chứng tỏ nữ đạo diễn đã được tin cậy và trao quyền nhiều hơn".
Mặc dù vậy, theo đạo diễn Nhuệ Giang, phụ nữ làm phim có những thách thức nhất định. "Đa phần đàn ông đòi hỏi người phụ nữ trong gia đình phải đảm đang chăm lo việc nhà cửa nhưng phụ nữ làm phim như tôi thì khó đảm bảo điều đó. Điện ảnh lấn át đời sống của tôi rất nhiều. Khi làm phim thì việc nhà tôi sẽ không thể chu toàn được", chị nói.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đội ngũ người làm phim là nữ giới hiện nay khá đông đảo. Đôi khi, Nguyễn Hoàng Điệp cảm thấy bất ngờ là ngay ở đầu vào, các bạn nữ đã thể hiện được khả năng nổi bật hơn. "Hiện tại không có sự phân biệt nào về giới nam hay nữ giữa những người làm phim ở Việt Nam. Điều chúng tôi trăn trở hiện nay là làm sao để có nguồn kinh phí hoặc những sự hỗ trợ khác dành cho những người làm phim nói chung có điều kiện sáng tạo và phát triển".
Đến từ Hàn Quốc, Yoonhyung Jeon, chuyên gia thẩm định tại Hội đồng Phim Hàn Quốc (KOFIC), cho biết vào năm 2018, Trung tâm bình đẳng giới của điện ảnh Hàn Quốc đã được khai trương. Chị Yoonhyun Jeon khẳng định, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thành công của điện ảnh Hàn Quốc.
Trong khi đạo diễn-biên kịch Petra Volpe (đến từ Thụy Sĩ, nổi tiếng với các tác phẩm "Dreamland", "Traumland", "The Divine Order", "Heidi") cho hay, việc phụ nữ làm phim còn có nhiều rào cản. "Ngay ở Hollywood thì sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong việc làm phim vẫn tồn tại. Sự thay đổi diễn ra còn chậm và tôi cho rằng cần phải có sự trao đổi và lan tỏa thông điệp này ngay từ trong trường học", chị bày tỏ.
Đạo diễn - nhà sản xuất Anne Koizumi nói: "Thách thức lớn nhất của chúng tôi là luôn bị coi thiếu kinh nghiệm và không có tài năng. Bởi vậy, các nhà làm phim trẻ giống như tôi cần thể hiện bản thân để vượt qua định kiến này".
Thể hiện tiếng nói của mình
Bên cạnh thách thức, các đạo diễn, nhà làm phim cũng cho rằng các nhà làm phim nữ hiện nay có nhiều điều kiện và cơ hội khẳng định mình. Đạo diễn Petra Volpe bày tỏ: "Phụ nữ hiện nay hãy chủ động tiếp cận đề tài, kể câu chuyện và thể hiện tiếng nói của mình, không cần phụ thuộc những nhà đầu tư lớn, không cần suy nghĩ mình là phụ nữ thì bị hạn chế điều này điều kia. Đừng nản hay lo ngại có nhiều hay ít nhà làm phim nam hoặc ngại họ lấn át. Điều quan trọng là câu chuyện bạn kể có hấp dẫn không? Bạn sẽ kể nó như thế nào, mong muốn gửi quan điểm, tiếng nói của bạn qua đó ra sao? Hãy tập trung vào điều bạn thật sự muốn làm, đó mới là điều quan trọng nhất".
"Đạo diễn là một người lãnh đạo, phải biết đóng nhiều vai, trong đó có vai người mẹ. Hãy quan tâm, chỉ bảo những người trong đoàn thật tận tình. Tôi nghĩ, lựa chọn các thành viên trong đoàn phim quan trọng không kém việc chọn diễn viên, làm sao để họ cảm thấy được tôn trọng", đạo diễn Petra Volpe cho biết.
Ở góc nhìn của nam giới, đạo diễn Thanh Vân khẳng định, phụ nữ có thứ vũ khí mạnh mẽ là sự dịu dàng và nhẫn nại. Điều đó giúp họ gặt hái thành công. Đồng quan điểm, đạo diễn Nhuệ Giang bày tỏ, chắc không có đạo diễn nữ nào ra hiện trường mà quát tháo đồng nghiệp: "Đi quay phim thì không có sự phân biệt nam hay nữ. Ai làm đạo diễn sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật, tiến độ công việc... Không ai nắm chắc kịch bản phim bằng mình nên đạo diễn phải tìm cách truyền đạt cho mọi người hiểu. Nhìn chung, nếu có đủ khả năng, sự hiểu biết thì sẽ thuyết phục được các thành phần trong đoàn phim".
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp luôn quan tâm đến các cơ hội dành cho đạo diễn nữ. Chị bày tỏ sự lạc quan khi ngày càng có nhiều bạn trẻ chủ động tham gia các liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim thường niên Locarno, Liên hoan phim quốc tế Busan... "Tôi thấy nhiều nữ đạo diễn trẻ rất năng động, biết sắp xếp công việc, thể hiện tiếng nói và xác định mục tiêu của mình. Ngoài việc chủ động hơn trong việc tìm kiếm dự án phim, các bạn có thể lượng sức mình tìm kiếm các nguồn đầu tư, đồng sản xuất, cũng như có thể tiếp cận các quỹ văn hóa quốc tế để thực hiện tác phẩm của mình", Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.